01/10/2021 14:43 GMT+7

Sinh viên ngành y có tỉ lệ việc làm cao nhất

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Sinh viên y dược chiếm tỉ lệ có việc làm cao nhất. Kế đến là nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm - ngư nghiệp và nhóm khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật...

Sinh viên ngành y có tỉ lệ việc làm cao nhất - Ảnh 1.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo nhóm ngành - Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo

Đây là kết quả khảo sát từ báo cáo đánh giá việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và đào tạo công bố. 

88,3% sinh viên tốt nghiệp có việc làm 

Kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm chiếm 88,3% trong tổng số sinh viên trả lời phỏng vấn. Những sinh viên tốt nghiệp với thứ hạng càng cao thì cũng chiếm tỉ lệ có việc làm càng cao.

Số liệu cho thấy sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành y dược chiếm tỉ lệ có việc làm cao nhất, lên tới 96,3%. Tiếp theo là nhóm khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm - ngư nghiệp với tỉ lệ 89,6%. Xếp cuối là nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật… chỉ 84,%.

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm và đang tìm việc chiếm 9,1%. Con số này là khá cao, nếu so với tỉ lệ thất nghiệp chung của nhóm thanh niên trong độ tuổi 20-24 trong cả nước năm 2019 là 6,1%.

Theo các sinh viên tham gia khảo sát, có 5 trở ngại lớn khi tìm việc. Đó là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; hiếu hiểu biết về thị trường lao động và công việc được nhận không có mức lương đảm bảo.

Sinh viên ngành y có tỉ lệ việc làm cao nhất - Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tham gia Ngày hội việc làm do trường tổ chức - Ảnh: NGỌC PHƯƠNG

Doanh nghiệp đề xuất trường tăng thời gian thực tập

Theo kết quả đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 11,2% doanh nghiệp cho rằng ngành học của sinh viên ít phù hợp với công việc, và đây chính là một bất cập của nhân lực có trình độ đại học mới được tuyển dụng.

Có đến 16% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chương trình đào tạo đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, sinh viên không có nhiều cơ hội đạt được các kỹ năng phù hợp để cạnh tranh trên thị trường lao động.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, nhiều lý thuyết đang được giảng dạy ở các trường đại học không sử dụng được, không đúng với thực tế các doanh nghiệp đang sử dụng, vận hành.

Các trường chủ yếu là giảng lý thuyết. Ví dụ các thầy, cô vào ngân hàng cũng không rành công việc. Nhưng nếu mời cán bộ ở ngân hàng tới giảng cho sinh viên thì kinh phí ở đâu?

Lãnh đạo một trường đại học

Ngoài chương trình đào tạo, 41,6% số doanh nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học hiện đang thiếu kỹ năng mềm. Đây chính là hạn chế lớn nhất của sinh viên, tác động đến cơ hội có được việc làm và việc làm chất lượng.

Bên cạnh đó, chương trình thực tập, thực tế ở nhiều trường vẫn còn khá nặng về hình thức, thời gian thực tập ít, vì vậy hiệu quả, chất lượng của hoạt động thực tế, thực tập còn chưa cao.

"Do thời gian thực tập ngắn, sinh viên chưa thể hiểu hết được công việc thực tế cũng như chưa thể hiện được khả năng của bản thân. Doanh nghiệp cũng chưa đánh giá được các sinh viên. Vì vậy, đề xuất các trường đại học tăng thời gian thực tập của sinh viên để đảm bảo chất lượng của việc thực tập", lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.

Đối với bản thân sinh viên tìm việc, 15,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học không có định hướng nghề nghiệp và do đó không có đam mê, yêu thích công việc.

Nhà tuyển dụng chú trọng những tiêu chí nào?

Theo thang điểm 5, kỹ năng giao tiếp đang được các doanh nghiệp xác định là tiêu chí quan trọng nhất khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, với mức điểm đánh giá cao nhất 4,2 điểm.

Kinh nghiệm thực tiễn và ý tưởng về công việc sẽ đảm nhận cũng là những tiêu chí được các doanh nghiệp rất quan tâm, với mức điểm khá cao 3,97-3,99.

Năng lực tin học và năng lực ngoại ngữ được đánh giá ở mức điểm trong khoảng 3,78 - 3,88.

Các doanh nghiệp không còn quá coi trọng đến bằng cấp của sinh viên như thời kỳ trước, tiêu chí xếp loại tốt nghiệp cũng như trường đào tạo đang là những tiêu chí được đánh giá với số điểm thấp nhất, tương ứng là 3,18 và 3,33 điểm.

Bộ Tài chính trình gói 3.500 tỉ cho sinh viên, học sinh vay lãi suất 0% mua máy tính Bộ Tài chính trình gói 3.500 tỉ cho sinh viên, học sinh vay lãi suất 0% mua máy tính

TTO - Theo đề xuất của Bộ Tài chính lên Thủ tướng, đối tượng được vay là con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Số tiền được vay tối đa là 7 triệu đồng/ học sinh, sinh viên với lãi suất 0%/năm.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên