18/06/2018 08:07 GMT+7

Sinh viên hội nhập quốc tế: đừng lấy cớ 'tại vì'

PHƯƠNG NAM
PHƯƠNG NAM

TTO - Câu chuyện "tại vì" nhằm biện bạch cho sự lười biếng, không kiên trì trong quá trình hoàn thiện bản thân có thể là bước cản của một số bạn trẻ trong thời kì hội nhập

Sinh viên hội nhập quốc tế: đừng lấy cớ tại vì - Ảnh 1.

Chủ động bắt chuyện trước để xây dựng các mối quan hệ - Ảnh: TUẤN ĐẠT

Không ai có đủ sự kiên nhẫn nghe chúng ta giải thích 2-3 lần cho một khuyết điểm lặp đi lặp lại. Đừng chỉ quanh quẩn trong hai chữ "tại vì" mà quên đi nhiệm vụ của người trẻ hiện nay chính là không ngừng xây đắp thương hiệu của bản thân để vươn ra "biển lớn". 

Đó là thông điệp của ThS Trần Tuấn Đạt (giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXHNV TP.HCM, Top 6 Én vàng 2016) gửi đến buổi talkshow Sinh viên với hội nhập quốc tế - Kỹ năng giao tiếp tại trường ĐH Kinh tế tài chính TP. HCM.

Đừng ngại nói "xin chào"

Với thông điệp "A simple hello could lead to a million things" (tạm dịch: "Một tiếng xin chào sẽ mang đến cho bạn hàng ngàn thứ khác"), diễn giả Trần Tuấn Đạt cũng khẳng định, mở lòng đối với thế giới xung quanh là điều kiện rất quan trọng trong việc xây dựng "sổ tay" các mối quan hệ, nhất là đối với các bạn trẻ trong thời hội nhập. Khi nói "xin chào", xác suất chúng ta thu về "được" nhiều hơn là mất.

Đừng bao giờ lấy cớ "tại vì mình nhát", "tại vì mình thuộc nhóm tính cách hướng nội, không thích giao du", "tại vì mình … lười", và rất nhiều những cái "tại vì" khác. Không phải riêng thời hội nhập mà thời nào cũng vậy, những lời giải thích "tại vì" rút cuộc cũng chính là tại mình không quyết tâm thoát ra khỏi vỏ ốc để đón nhận và thích nghi những điều mới mẻ và tốt đẹp.

Sinh viên hội nhập quốc tế: đừng lấy cớ tại vì - Ảnh 2.

Chủ động vạch ra kế hoạch rõ ràng cho bản thân - Ảnh: TUẤN ĐẠT

Chia sẻ về vấn đề này, Thu Hà (sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM) hăng hái: "Mình rất ít khi đổ lỗi "tại vì", vì mình biết có giải thích mấy đi chăng nữa cũng không bằng một việc làm, một hành động. 

Khi đi ra đường, mình cũng chẳng ngại nói "xin chào" với những người xa lạ, đặc biệt là bạn bè nước khác, mặc dù mình chẳng giỏi tiếng Anh. Biết đâu, những câu chào hỏi đó lại giúp cho mình có những mối quan hệ mới, khăng khít thì sao?".

Còn đối với Trần Mi (sinh viên ĐH KHXHNV TP. HCM) lại rụt rè hơn khi kể chuyện của mình: "Ngày trước, mình hay đổ lỗi tại vì cái này cái kia lắm. Mình ngày đó rất nhát, đừng ai bảo mình bắt chuyện trước với ai cả, mình sợ người ta "bơ đẹp" thì ôi thôi quê lắm. Nhưng từ khi lên đại học, tham gia nhiều câu lạc bộ đội nhóm, mình bắt đầu dạn hơn. Và bây giờ, câu "xin chào" cũng thú vị đấy chứ, kể cả khi bị ăn bơ".

Ngoại ngữ là trở ngại? Lại lấy cớ "tại vì"…

Ngoại ngữ là thứ vũ khí rất quan trọng khi hội nhập. Đây có lẽ cũng là trở ngại khá lớn đối với một số bạn trẻ Việt Nam ngày nay. Cái cớ "tại vì" lại tiếp tục được tuôn ra với những lí do khác nhưng cùng chung bản chất: chưa quyết tâm, chưa có đam mê và chưa vạch ra mục tiêu, lịch trình rõ ràng để theo đuổi.

ThS Trần Tuấn Đạt cũng nhấn mạnh, với bất cứ mục tiêu gì trong cuộc sống, việc chủ động vạch lịch trình rõ ràng trên giấy tờ - chứ không chỉ nghĩ trong đầu - là việc tiên quyết. Khi đã có kế hoạch rõ ràng, việc của chúng ta là từng bước một sẵn sàng chinh phục những trở ngại và bước tới đam mê. Việc học ngoại ngữ cũng cần như vậy.

Đức Mạnh (sinh viên Trường CĐ Cao Thắng) bộc bạch: "Trước đây, mình rất ngại mở miệng bắt chuyện với người Tây, vì khả năng nghe của mình rất kém, chỉ nói được vài câu, rồi chẳng hiểu gì nữa. Có một thời gian mình kệ luôn. Nhưng từ khi hiểu được ngoại ngữ quan trọng thế nào với thời buổi bây giờ, mình thôi đổ lỗi cho hoàn cảnh, lập kế hoạch học tiếng Anh 2 tiếng mỗi ngày. Bây giờ, mình vẫn đang trong hành trình chinh phục nó".

Top 6 Én vàng Trần Tuấn Đạt chia sẻ, anh cũng từng chật vật với tiếng Anh, phải học ở lớp E môn tiếng Anh ở trường. Nhưng nhờ cố gắng, anh có nhiều người bạn nước ngoài, xuất ngoại liên tục và quan trọng hơn là chiến thắng những cái "tại vì".

Chuẩn bị sẵn hộ chiếu để bay

Sinh viên hội nhập quốc tế: đừng lấy cớ tại vì - Ảnh 3.

Các bạn sinh viên tham dự buổi talkshow tại trường ĐH Kinh tế tài chính TP. HCM - Ảnh: NGUYÊN VÕ

Rất nhiều bạn trẻ đủ điều kiện tham gia những chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, nhưng vẫn không được bay chỉ vì thiếu hộ chiếu. Để cơ hội không bao giờ vụt mất khỏi tầm tay, bộ "hồ sơ gối đầu giường" luôn cần chính là sự chủ động. Tất cả các giấy tờ: hộ chiếu, CV, giấy khám sức khỏe, hình thẻ, giấy chứng nhận, bằng khen… luôn cần chuẩn bị chỉn chu, sáng tạo. 

"Hãy nên tham dự ít nhất một lần các chương trình giao lưu quốc tế trước khi ra trường. Đó chắc chắn sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời thời sinh viên của bạn. Hãy luôn chủ động tìm kiếm cơ hội và khắc phục những khuyết điểm để ngày càng hoàn thiện bản thân hơn" - diễn giả đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ.

Bên cạnh đó, diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng quản lí thời gian, sắp xếp công việc một cách khoa học, kỹ năng thiết lập mạng lưới networking cho người trẻ. Những lưu ý trong giao tiếp cũng như phục trang nơi công sở cũng được đề cập trong buổi chia sẻ. 

Nói không với "tại vì" chắc chắn là điều cần thiết cho những người trẻ đón đầu làn sóng hội nhập quốc tế và tự tin làm chủ nghề nghiệp tương lai.

Thời đại AI: Thời đại AI: 'Cuộc đua' không của riêng ai

TTO - Chưa bao giờ thuật ngữ AI (artificial intelligence: trí tuệ nhân tạo) lại "nóng" như thời điểm hiện tại.

PHƯƠNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên