27/11/2010 15:36 GMT+7

Sinh viên học cách hòa nhập văn hóa doanh nghiệp

TR.UYÊN - NGUYỄN THẮM
TR.UYÊN - NGUYỄN THẮM

TTO - “Thời gian đầu đi làm, phần chữ ký trong email mình hay viết theo ý thích, nhưng khi quan sát email đồng nghiệp gửi đến thì thấy chữ ký thường có thông tin cá nhân, số điện thoại... Thế là mình làm theo. Ngay cả việc chào hỏi, làm gì trong giờ nghỉ trưa… nếu mình không quan sát, điều chỉnh cho phù hợp nơi làm việc chắc giờ này mình vẫn là người khác biệt”.

Đó là chia sẻ của bạn Trần Thanh Hùng - nhân viên kỹ thuật một tổ chức phi chính phủ - tại hội thảo “Sinh viên tự tin hội nhập văn hóa doanh nghiệp” sáng nay 27-11, tại ĐH Bách khoa TP.HCM. Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM phối hợp với Công ty Minh Trí Việt tổ chức.

jgh8m3b9.jpgPhóng to
Anh Đỗ Thanh Năm trao quà các bạn sinh viên có câu hỏi hay - Ảnh: Nguyễn Thắm

Giống cà rốt, quả trứng hay hạt cà phê?

Giống như Thanh Hùng, nhiều sinh viên mang đến hội thảo những trải nghiệm ban đầu hay những băn khoăn về văn hóa doanh nghiệp. Bạn N.M.T. chưa kịp vui vì được nhận vào một công ty truyền thông nổi tiếng để thử việc thì ngày thứ ba đi làm đã bị sốc nặng. Bạn đến trễ 5 phút và bị nhắc ngay tức khắc: “Em đi làm mà đi trễ vậy à?”.

Nhất cử nhất động của bạn đều bị thư ký văn phòng theo dõi xem đi đâu, làm gì, nói gì, có nghe nhạc, có chat trong giờ làm không... Bạn ấy cũng không cách nào làm quen được với nhân viên cũ. Bạn N.M.T chia sẻ: “Có lần các anh chị mời mình ăn trái cây, mình vui vẻ ăn nhưng hôm sau mình mời lại thì không ai ăn trái cây mình mua hết. Mình không hiểu nổi như thế nào nữa. Sau đó, mình mới suy đoán có thể nhân viên cũ chỉ chơi với nhau và không thích người mới cho lắm”.

Sau hai tháng thử việc, N.M.T. đành quyết định nghỉ việc vì cảm thấy không hợp với môi trường làm việc này.

XPP5g8QN.jpgPhóng to
Các bạn sinh viên có rất nhiều thắc mắc về hội nhập văn hóa doanh nghiệp - Ảnh: Nguyễn Thắm

Để công việc đạt hiệu quả, bạn không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải hòa nhập môi trường làm việc. Điều đó càng quan trọng hơn khi bạn là nhân viên mới. Anh Huỳnh Văn Thiện Thanh - tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng - dịch vụ - thương mại Huỳnh Nguyễn Phùng - chia sẻ: “Bên cạnh việc quan sát và lắng nghe thì một việc hết sức quan trọng nữa là bạn cần phải khiêm nhường. Đừng nghĩ mình tốt nghiệp loại xuất sắc ở một trường lớn là đủ. Đừng vội tìm cách khẳng định mình mà hãy tìm cách học hỏi anh chị nhân viên trước. Có như vậy người ta mới mở lòng với bạn dễ dàng hơn”.

Anh Huỳnh Văn Thiện Thanh tiếp tục đưa ra những hình ảnh tạo sự liên tưởng thú vị: "Nếu đem nung củ cà rốt, quả trứng và cà phê. Một thời gian sau cà rốt sẽ mềm, quả trứng thì cứng lên còn cà phê thì tỏa hương thơm. Các bạn hãy tự tin trải nghiệm mình sẽ tìm được giá trị đích thực của mình khi được tôi luyện trong môi trường văn hóa doanh nghiệp”.

Không chỉ quan sát bằng đôi mắt

Hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chịu khó quan sát, chịu khó lắng nghe, từ đó chọn cho mình cách hành xử phù hợp nhất.

Hội nhập văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định thành công trong công việc của bạn. Tuy nhiên là nhân viên mới thì làm sao hòa nhập thật sự với nhân viên cũ? Làm sao hiểu được ý sếp, cách làm việc của sếp để tránh những trục trặc không mong muốn trong công việc đây?

Trong giờ nghỉ, bạn cũng có thể chủ động mời các nhân viên trong doanh nghiệp đi uống nước, ăn trưa… lúc đó bạn sẽ hiểu nhiều tâm tính và cách cư xử của đồng nghiệp.

Anh Đỗ Thanh Năm - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty tư vấn chiến lượt Win Win - chia sẻ: “Làm việc trong doanh nghiệp bạn không chỉ nhìn bằng đôi mắt thường mà hãy nhìn bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Có như vậy bạn mới thích ứng nhanh trước mọi tình huống dù là với sếp hay với đồng nghiệp”.

wApLGsAO.jpgPhóng to

Các sinh viên đăng ký sàn giao dịch việc làm - Ảnh: Nguyễn Thắm

Bạn Lê Thị Hoài Tâm (nhân viên phòng tổ chức sự kiện Công ty cổ phần Minh Trí Việt) chia sẻ: “Khi đi học chúng ta được thầy cô giảng giải, hướng dẫn cụ thể, nhưng đi làm thì sếp thường nói những ý chính và ngắn gọn. Mình cần phải nắm bắt nhanh và tự triển khai vấn đề rộng ra. Vì vậy đòi hỏi phải tinh ý”.

Nghỉ việc khi không hòa nhập được với văn hóa doanh nghiệp chỉ là biện pháp cuối cùng khi bạn không thể xoay chuyển được nữa. Cách để bạn hòa nhập vào doanh nghiệp tốt nhất là suy nghĩ tích cực, nói lời dễ nghe và hành động đẹp.

Các chuyên đề tiếp theo của chương trình “Đồng hành cùng tri thức” gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sinh viên mới tốt nghiệp (14g ngày 28-11 tại ĐH Sài Gòn, 273 An Dương Vương, P.3, Q.5), Sinh viên Việt Nam với xu hướng hội nhập thế giới (14g ngày 30-11 tại ĐH Mở TP.HCM, 97 Võ Văn Tần, P.6, Q.3).

Công ty cổ phần Minh Trí Việt cũng vận động các đơn vị đóng góp để xây dựng Quỹ Chuyện người đương thời. Nguồn quỹ do Công ty cổ phần Minh Trí Việt trực tiếp vận động và chuyển giao cho Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM để trao học bổng, hỗ trợ khẩn cấp, trao các suất cơm… cho sinh viên khó khăn.

Giai đoạn đầu ban tổ chức quỹ sẽ xét trao cho 20 sinh viên đặc biệt khó khăn, với hình thức hỗ trợ suất cơm, mỗi sinh viên được nhận giá trị tương đương 5.400.000 đồng, chia đều trong 9 tháng.

Dự kiến Công ty cổ phần Minh Trí Việt tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Đồng hành cùng tri thức” vào ngày 9-1-2011 tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.

TR.UYÊN - NGUYỄN THẮM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên