Sinh viên ghi danh trên tạp chí khoa học quốc tế

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT- Một sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã làm chủ năm bài báo ở những tạp chí khoa học quốc tế có chỉ số ảnh hưởng tăng tiến dần. Đó là Trần Quốc Quân - K53H, khoa cơ học kỹ thuật Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.

YRPaDkNL.jpgPhóng to
Trần Quốc Quân miệt mài nghiên cứu khoa học - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Quân là một trường hợp hiếm có. Đó là sinh viên đầu tiên trong hệ thống các trường, khoa thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội có bài báo đăng trên tạp chí thuộc ISI (*). Đây là người hai năm liên tiếp được vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐH Quốc gia Hà Nội” - PGS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.

Vật liệu bền hơn, chịu nhiệt tốt hơn

Chọn con đường nghiên cứu với một chàng trai đã giắt lưng một số vốn không nhỏ gồm năm bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế hóa ra không dễ dàng. Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra, chàng sinh viên nghèo đất Can Lộc, Hà Tĩnh từng nghĩ đến việc đi làm trong một doanh nghiệp để tự nuôi sống bản thân.

“Cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, có lẽ đó cũng chính là thời điểm khó khăn nhất. Ước mơ theo đuổi con đường nghiên cứu đã có từ lâu, nhưng tôi thật sự chần chừ khi nhìn các bạn cùng lớp phần lớn đầu quân cho một tập đoàn nước ngoài, lương cao, đủ giúp mình tự lập.

Nhà mình không khá giả gì, bố mẹ nuôi ăn học 4-5 năm ĐH đã là rất cố gắng. Cho nên trước đề nghị của thầy hướng cho mình tiếp tục nghiên cứu khoa học, tôi đã xin thầy thời gian suy nghĩ thêm. Phải mất trọn ba tháng cho quyết định theo chuyển tiếp sinh” - Quân bộc bạch.

Hướng nghiên cứu chuyên sâu của Quân hiện thiên về vật liệu chức năng.

“Có thể hiểu đơn giản vật liệu chức năng là loại vật liệu có cơ tính biến đổi. Nhiều nghiên cứu về loại vật liệu này đang tìm cách làm vật liệu cứng hơn, bền hơn, chịu nhiệt tốt hơn.

Do tính chất kháng nhiệt ưu việt, các vật liệu có cơ tính biến đổi là sự lựa chọn lý tưởng khi kết cấu làm việc trong những môi trường nhiệt độ rất cao, hoặc chịu sự truyền nhiệt lớn như các phần tử kết cấu của máy bay, tàu vũ trụ, tên lửa, lò phản ứng hạt nhân, các thiết bị thí nghiệm nhiệt, luyện kim...” - Quân lý giải.

Thực tế, nghiên cứu của Quân không chỉ dừng ở những bài báo khoa học. Những kết quả nghiên cứu của thầy trò Quân đã được ứng dụng trong chế tạo làm đà máy cho tàu thủy ở Viện Đóng tàu Nha Trang.

Cần những cuộc chạy tiếp sức

Điều khiến nhiều người bất ngờ hơn là sau đó Quân đã từ chối suất học bổng từ trường ĐH nước ngoài với mức hỗ trợ lên đến 2.500 đôla Singapore/tháng để ở lại thực hiện luận án tiến sĩ tại Việt Nam.

“Đúng là môi trường cùng với sự đãi ngộ từ trường ĐH nước ngoài thì Việt Nam không có được. Nhưng với những kết quả nghiên cứu của mình có được, tôi hiểu phần rất lớn nhờ may mắn gặp được người thầy tận tâm, hướng dẫn tôi tỉ mỉ.. Nếu thầy không tâm huyết, tôi sợ không đi được đến cuối đường. Đó là lý do tôi ở lại” - Quân cười giản dị.

Với thầy trò Quân, khoa học cần những cuộc chạy tiếp sức để những thành quả cụ thể không chỉ gắn tên cố định của một, hai người. Cái tên Trần Quốc Quân đã truyền lửa cho lớp sinh viên hiện tại của ĐH Quốc gia niềm đam mê nghiên cứu.

“Điều kỳ diệu và đáng nói hơn cả là chính thành quả của Quân đang nhen nhóm cho nhiều bạn trẻ khác ước vọng ghi danh trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Và thực tế đã có thêm những người trẻ Việt làm được điều này. Một sinh viên năm 4 khoa cơ học kỹ thuật học sau khóa của Quân cũng vừa có hai bài báo quốc tế trên ISI. Cộng với thành quả của các nghiên cứu sinh, thạc sĩ khác mà tôi đang hướng dẫn, tính đến tám tháng của năm 2013, chúng tôi đã có tám bài báo trên ISI.

Thực tế ở Mỹ, Nhật Bản, con số bài báo khoa học công bố mỗi năm của một giáo sư cũng chỉ 8-12 bài, nhưng họ được hưởng mức đầu tư lên đến hàng triệu USD. Trong khi thầy trò chúng tôi chỉ mơ ước con số đầu tư bằng 1/10, chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn, nhưng ...” - PGS Đức chia sẻ.

(*) ISI là tập hợp tạp chí khoa học có chất lượng cao do Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, Hoa Kỳ) xét chọn một cách khắt khe và kỹ lưỡng từ các tạp chí trên thế giới để đưa vào cơ sở dữ liệu.

Thầy bỏ tiền túi hỗ trợ trò

Nhìn thấy khả năng nghiên cứu đặc biệt của Quân, PGS Đức đã nhắm vị trí giảng viên để giữ chân sinh viên xuất sắc của mình. Nhưng cơ chế chung không cho phép nhà trường được tuyển dụng ngay một người chưa là thạc sĩ, cho dù đó là người được lựa chọn chuyển tiếp sinh nhờ thành tích học tập đặc biệt.

Khi không thể thuyết phục một suất đặc cách cho Quân ở lại trường khi Quân mới chỉ là tân cử nhân, người thầy của Quân đã lặng lẽ trợ giúp cậu học trò nghèo không chỉ bằng tinh thần, sự truyền thụ hết mình mà còn bằng cả vật chất. “Từ khi tôi quyết định chuyển tiếp nghiên cứu sinh, thầy đã bỏ tiền túi hỗ trợ đều đặn cả triệu đồng mỗi tháng giúp tôi trang trải cuộc sống” - Quân “bật mí”.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên