Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong giờ học thực hành tại trường. Mỗi năm trường này có hơn 1.000 sinh viên vay vốn học tập - Ảnh: M.G.
Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên 320.000 tỉ đồng, trong đó có 3.000 tỉ đồng cho sinh viên vay học tập, mua máy tính.
Đây là những hỗ trợ kịp thời giúp sinh viên tiếp cận nguồn tài chính phục vụ học tập trước mắt do khó khăn vì COVID-19.
Mức vay thấp, lãi suất cao
Mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vay vốn học tập từ ngân hàng chính sách xã hội các địa phương.
Ông Huỳnh Ngọc Anh - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết nhu cầy vay vốn học tập của sinh viên rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong chính sách tín dụng sinh viên.
"Mức trần vay không đủ để sinh viên đóng học phí các trường tự chủ, trường ngoài công lập. Đó là chưa kể mức vay cào bằng giữa các tỉnh thành với học phí, chi phí sinh hoạt khác nhau là chưa phù hợp. Đối tượng được vay cũng tùy thuộc vào từng địa phương. Các trường hiện đang đào tạo theo tín chỉ nên việc tính học phí từng tháng khi cho vay là chưa phù hợp" - ông Ngọc Anh nói.
Tương tự, ông Võ Văn Trọng, trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết mức vay hiện khá thấp khiến sinh viên dù được vay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thực tế mức vay 2,5 triệu đồng/tháng chưa đủ đóng học phí một học kỳ ở những trường có học phí cao. Đó là chưa kể chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn khá đắt đỏ.
Ông Vũ Hải Quân - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - chỉ ra những bất cập của chính sách tài chính sinh viên hiện nay. Theo ông, ngoài đối tượng vay hạn chế, mức vay, lãi suất và thời hạn cho vay cũng chưa hợp lý.
Thời hạn vay của Việt Nam tối đa là 10 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác, chẳng hạn như Brazil (12 năm), Nhật Bản (18 năm), Malaysia và Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm).
Một bất hợp lý khác là lãi suất cho vay cao. Theo ông Quân, lãi suất cho vay đang áp dụng tại thời điểm năm 2021 là 6,6%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao cho đối tượng ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội (cho vay trồng rừng 1,2%/năm, cho vay nhà ở từ 3 - 4,8%/năm).
Cần điều chỉnh sát thực tế hơn
Ông Vũ Hải Quân cho biết Việt Nam đã bắt đầu áp dụng chính sách tín dụng đối với sinh viên từ năm 1998 với mức vay tối đa 150.000 đồng/tháng. Từ 1998 đến nay, quy định về tín dụng sinh viên đã được sửa đổi nhiều lần.
Mặc dù các quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất là chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục đại học. Do đó vẫn còn một số bất cập cần điều chỉnh phù hợp hơn.
Theo ông Quân, quy định được ban hành từ năm 2007 áp dụng đến hiện nay, chỉ có sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh mới được vay.
Ở thời điểm hiện nay, các tiêu chí xác định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình đã thay đổi nên các quy định về tiêu chuẩn vay vốn cần phải được rà soát lại để đảm bảo phù hợp với thực tế.
"Cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.
Giảm lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3-4%/năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3-4%/năm, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn.
Điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay. Ví dụ học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm, học 7 năm tối đa là 21 năm. Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên" - ông Quân đề xuất.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Anh đề xuất nên phân loại đối tượng và mức vay khác nhau giữa các vùng miền hay tỉnh thành, không nên cào bằng như hiện nay. Có những đối tượng cần được vay cả học phí và sinh hoạt phí chứ không chỉ có học phí như hiện tại.
Ngoài việc tăng định mức vay cho sát với học phí các trường, mức vay giữa sinh viên các trường ở các thành phố lớn cần có hệ số cao hơn so với các tỉnh vì chi phí sinh hoạt và học phí ở đây cao hơn.
Việc tính toán mức vay cũng cần linh động hơn vì hiện các trường đang đào tạo theo tín chỉ, sinh viên chủ động đăng ký số lượng tín chỉ ở các học kỳ có thể khác nhau, học vượt. Do đó, nên tính toán cách xác định mức vay phù hợp hơn so với việc tính toán theo mức hằng tháng như hiện nay.
Nhiều sinh viên không được vay vì... COVID-19
Ông Đặng Hữu Khanh - phó trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết trong thời gian giãn cách, trường gửi bản scan giấy xác nhận sinh viên cho sinh viên.
Tuy nhiên, có địa phương chấp nhận bản này, có địa phương không chấp nhận nên sinh viên không được giải ngân, nợ học phí. Sau khi thành phố mở cửa, trường gửi giấy trực tiếp cho sinh viên mới được giải quyết.
Đây cũng là tình trạng tương tự với nhiều sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM gặp phải. Vì trường không thể gửi giấy xác nhận cho sinh viên nên ngân hàng không đồng ý giải ngân. Trường sau đó làm việc trực tiếp với ngân hàng, sử dụng email của trường xác nhận để sinh viên được vay vốn học tập.
Huy động nguồn lực xã hội
Trong bối cảnh nguồn vay từ chính sách xã hội còn hạn chế, một số trường đã huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thêm cho sinh viên nhưng chưa nhiều.
Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế - luật vận động được hơn 2 tỉ đồng, thực hiện giảm học phí cho sinh viên.
Hay như Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM vận động tài trợ để cấp học bổng, phối hợp với ngân hàng triển khai chương trình cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0%. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính nên số lượng sinh viên nhận học bổng, được tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ còn ít.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận