31/10/2005 09:58 GMT+7

Sinh viên bức xúc về "điểm rèn luyện"

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Theo quy chế hiện nay của Bộ GD-ĐT, tiêu chuẩn để xét cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên (SV) là căn cứ vào điểm trung bình (ĐTB) học tập và điểm rèn luyện (ĐRL) của mỗi học kỳ.

quj60Vpk.jpgPhóng to
Cố gắng học để được học bổng
Theo quy chế hiện nay của Bộ GD-ĐT, tiêu chuẩn để xét cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên (SV) là căn cứ vào điểm trung bình (ĐTB) học tập và điểm rèn luyện (ĐRL) của mỗi học kỳ.

Theo đó, ĐTB học tập là yếu tố chủ yếu để xem xét nhưng trên thực tế, đôi khi ĐRL lại ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Và đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười xoay quanh việc tính ĐRL trong SV...

Phải “được lòng” cán bộ lớp

N.M.T., SV khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM vẫn còn ấm ức khi kể về việc mình bị "rớt" khỏi danh sách nhận học bổng của khoa trong học kỳ 1 năm học vừa qua. Với ĐTB 7,73, M.T. tràn trề hy vọng sẽ nhận được một suất học bổng nhưng đến phút cuối, T. tìm mãi chẳng thấy tên mình đâu. Thì ra với ĐRL là 65, T. chỉ được cộng 0,4 vào ĐTB học tập, do đó tổng điểm không đạt đủ 8,18 như tiêu chuẩn của khoa.

Trong khi đó, một nữ SV khác học cùng lớp ĐTB học tập chỉ 7,18 nhưng nhờ cộng với 1,0 ĐRL nên đẩy tổng điểm lên 8,18, vừa khít với "điểm sàn" nhận học bổng. Trường hợp của T. vẫn chưa "đau" bằng một nữ SV cùng khoa đạt ĐTB học tập đến 8,01 nhưng vẫn ngậm ngùi đứng ngoài vì ĐRL không cao.

"Vẫn biết chuyện cộng ĐRL để khuyến khích SV tham gia hoạt động phong trào của lớp là chính đáng nhưng đừng để ảnh hưởng quá lớn đến kết quả xét học bổng. Đã gọi là học bổng khuyến học thì chỉ nên căn cứ chủ yếu vào ĐTB học tập để những SV đạt điểm cao không phải chịu thiệt thòi vì vướng ĐRL...", M.T. bức xúc.

Bức xúc của M.T. cũng là nỗi niềm chung của SV. Thông thường mỗi học kỳ, SV sẽ tự chấm điểm theo thang điểm trong bảng đánh giá. Sau đó, bảng đánh giá sẽ được cán bộ lớp, khoa xem xét lại và đưa ra kết quả cuối cùng. Nhưng mỗi lớp, mỗi khoa lại có cách làm khác nhau. Có lớp họp lại để biểu quyết công khai nhưng cũng có lớp và khoa "âm thầm" xem xét, đến giờ chót mới đưa ra mức điểm cho từng SV mà không biết căn cứ vào tiêu chí nào.

Đó là chưa kể chuyện chấm điểm nhiều lúc phụ thuộc vào yếu tố tình cảm là chính. N.T.H.C., SV lớp Y K.2001 ĐH Y Dược TP.HCM cho biết mỗi lần chấm ĐRL xong là nộp lại cho lớp trưởng, sau đó lớp trưởng đưa lên cho khối trưởng, khối phó xem xét. Còn kết quả chấm ra sao chỉ có ban cán sự mới biết.

Cho nên có trường hợp một số SV tuy thành tích học tập cao nhưng vì "không được lòng" ban cán sự nên ĐRL lúc nào cũng thấp lè tè, ngược lại có SV tuy không hoạt động nhiều nhưng ĐRL vẫn cao như thường! "Tại sao không họp những SV đủ điều kiện xét học bổng lại rồi công khai xem xét ĐRL dựa trên những tiêu chí rõ ràng hơn, nếu SV nào không đạt điểm theo tiêu chí đó thì cũng nên cho biết lý do?", H.C. bày tỏ.

Còn M.Quốc, SV K.17 khoa Tín dụng, ĐH Ngân hàng TP.HCM bộc bạch: "Chuyện chấm ĐRL khó mà chính xác và công bằng. Trong lớp mình có bạn đạt ĐTB học tập khá cao, cũng tham gia hoạt động nhưng lại không được lòng nhiều thành viên nên rốt cuộc ĐRL không cao và "vuột" học bổng. Theo mình, nên tách riêng ĐTB học tập và ĐRL khi xét cấp học bổng thì sẽ hợp lý hơn...".

Cũng vì dựa vào tình cảm nên mới có chuyện ban cán sự lớp này thấy ban cán sự lớp kia chấm điểm "nới tay" với các thành viên nên sau đó cũng vội vàng tìm cách nâng ĐRL của lớp mình lên cho bằng "đối phương". Lúc này, độ chính xác của ĐRL chỉ có người cầm bút phê mới biết.

Nên dựa vào kết quả học tập

Thật ra, một số trường đã nhận ra những điểm bất hợp lý khi cộng chung ĐRL vào ĐTB học tập nên đã có những biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho SV có thành tích học tập cao. Thầy Tạ Quang Lâm, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết chính thức từ năm học 2003-2004, trường đã giới hạn số điểm cộng từ ĐRL tối đa chỉ là 0,5. Như vậy, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều và gây thiệt thòi cho SV khi xét học bổng vì tiêu chuẩn để đạt học bổng lúc này chủ yếu căn cứ vào thành tích học tập.

T.Nam (SV K01, khoa Anh) vui vẻ cho biết: "Trước đó, bọn mình cũng từng bức xúc với chuyện cộng ĐRL nhưng từ khi nhà trường quan tâm và thực hiện đúng với nguyện vọng của SV thì bọn mình yên tâm là chuyện xét cấp học bổng đã công bằng hơn”.

Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét việc nâng mức học bổng khuyến khích học tập cho SV, trong đó có đề cập đến việc tách riêng ĐTB học tập và ĐRL chứ không cộng lại như cách làm hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là đến bao giờ phương án này mới được áp dụng vào thực tế để SV không còn phải than ngắn thở dài khi nhắc đến ĐRL.

Còn theo ý kiến của H.C. thì: "Nên chăng các trường cần phân ra hai loại học bổng: một để khuyến khích học tập còn một để khuyến khích phong trào, trong đó số học bổng dành cho học tập nên chiếm số lượng nhiều hơn...".

Quy trình đánh giá kết quả rèn luyện

1. Từng học sinh, sinh viên căn cứ vào kết quả rèn luyện, tự đánh giá theo mức điểm chi tiết do trường quy định.

2. Tổ chức họp lớp có giáo viên chủ nhiệm (hoặc cố vấn học tập, rèn luyện) tham gia, tiến hành xem xét và thông qua mức điểm của từng học sinh, sinh viên trên cơ sở phải được quá nửa ý kiến đồng ý của tập thể đơn vị lớp và phải có biên bản kèm theo.

3. Kết quả điểm rèn luyện của từng học sinh, sinh viên được trưởng khoa xem xét, xác nhận, trình hiệu trưởng.

Đối với trường có số lượng học sinh, sinh viên lớn thì thành lập Hội đồng đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên cấp khoa để giúp trưởng khoa xem xét trước khi trình hiệu trưởng.

4. Hiệu trưởng xem xét và công nhận sau khi đã thông qua Hội đồng đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên cấp trường.

5. Kết quả đánh giá, phân loại rèn luyện của học sinh, sinh viên phải được công bố công khai và thông báo cho học sinh, sinh viên biết.

- Ông Trần Tấn Phúc - Phó phòng Công tác chính trị SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: “Theo tôi, mục tiêu tính ĐRL là đào tạo đội ngũ khoa học "vừa hồng, vừa chuyên". Tuy nhiên, phải đánh giá rèn luyện chính xác mới có thể phân loại học bổng công bằng được. Còn theo dự thảo thông tư mới của Bộ GD-ĐT gửi về các trường để trưng cầu ý kiến thì theo tôi là hợp lý vì ĐRL chỉ là điều kiện song hành với điểm học tập để xét học bổng".

- Tiến sĩ Hà Thiên Sơn, Trưởng phòng Công tác chính trị SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: "Ngoài việc học tập, SV phải tham gia vào các hoạt động phong trào nên việc cộng ĐRL vào ĐTB học tập để xét học bổng theo quy chế của Bộ hiện nay là đúng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cộng điểm chưa minh bạch, khiến nhiều SV bất bình. Chúng tôi sẽ có những biện pháp nhắc nhở các ban cán sự lớp phải công khai".

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên