Cá mập voi - loài cá lớn nhất thế giới - Ảnh: WIKIMEDIA
Theo Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cá mập voi (Rhincodon typus) mới là loài cá lớn nhất đại dương, còn cá voi xanh là một loài thuộc lớp thú chứ không phải một đại diện thuộc lớp cá.
Thông thường cá mập voi có thể dài đến 12,2m và nặng 40 tấn, trong khi đó con lớn nhất từng được ghi nhận dài đến 20m. Tuy nhiên trong tự nhiên hiện rất hiếm cá mập voi dài hơn 12m.
Về ngoại hình, cá mập voi sở hữu cái đầu rộng, phẳng với 1 cặp mắt nhỏ và lỗ thở ngay sau mắt, phần lưng có những đốm trắng, vàng, xám tạo thành hình bàn cờ trông rất bắt mắt. Miệng chúng có thể rộng đến 1,5m và chứa đến 300 chiếc răng nhỏ. Da cá mập voi có thể dày tới 10cm.
Loài cá này sinh sống trong các đại dương thuộc vùng nhiệt đới và ôn đới ấm của thế giới, khoảng 25 độ C.
Qua theo dõi nhiều năm, các nhà khoa học nhận thấy cá mập voi chủ yếu sống cô độc và ít khi thấy chúng bơi thành đàn. Một số tài liệu cho rằng loài động vật to lớn này sống di trú, nhưng hiện nay chuyên gia vẫn chưa thống nhất được chúng có thể di cư xa bao nhiêu.
Như những động vật thân hình "đồ sộ" dưới đại dương khác, cá mập voi chủ yếu ăn những loài nhỏ bé như nhuyễn thể, cá nhỏ hay mực cỡ nhỏ…
Sở hữu nhiều răng nhưng cá mập voi lại ăn theo cơ chế kỳ lạ: nước biển mang theo con mồi bị hút vào qua miệng và đi qua mang lược rồi tống ra khỏi cơ thể qua mang cung. Những gì ăn được còn mắc lại ở mang lược sẽ được cá nuốt trọn.
Đa phần cá mập voi hiền lành. Thậm chí vào năm 2012, ngư dân Phillipines đã ghi lại được khoảnh khắc một thủy thủ dùng tay cho cá mập voi ăn và loài cá này ngoan ngoãn và từ tốn nhận lấy món quà ấy.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác vòng đời của cá mập voi nhưng họ tin rằng chúng có thể sống từ 60-100 năm.
Mực khổng lồ Nam Cực - loài mực có đôi mắt lớn nhất trong giới động vật - Ảnh: ANIMALS
Trong khi đó loài mực khổng lồ Nam Cực, tên khoa học Mesonychoteuthis hamiltoni, được nhiều nhà khoa học cho rằng là loài thân mềm lớn nhất thế giới. Chúng còn là động vật không xương sống to lớn nhất đang sinh sống ở đại dương.
Cơ thể mực có thể dài từ 12-14m, gấp 10 lần chiều cao một người bình thường. Cân nặng của mực lên đến 750kg. Đôi mắt loài mực này cũng rất đặc biệt khi có đường kính đến 27cm, lớn nhất trong thế giới động vật.
Hiện nay, loài mực này phân bố chủ yếu ở vùng biển phía bắc Nam Cực, bao gồm đông nhất ở khu vực phía miền nam Nam Mỹ, Nam Phi hay New Zealand.
Tuy nhiên, nếu xét về kích thước, cá mập voi hay mực khổng lồ Nam Cực còn phải chịu thua một loài động vật khác là sứa bờm sư tử (Cyanea Capillata).
Năm 1870 tại vịnh Massachusetts, các ngư dân phát hiện và ghi nhận một loài sứa khổng lồ với đường kính 2,29m, chiều dài 37m làm "há hốc mồm" nhiều người chứng kiến.
Loài sứa với những xúc tua dài đến 40m - Ảnh: WIKIMEDIA
Gần 150 năm sau, dù còn nhiều tranh cãi giữa những nhà khoa học về loài động vật này, nhưng hầu hết đều công nhận đường kính của sứa nằm trong khoảng 2-3m trong khi các xúc tua dài đến 40m và dày đặc trông giống một chiếc bờm sư tử.
Xúc tua đóng vai trò như một vũ khí tự vệ, có thể quất vào kẻ thù để lại những vết thương có màu hồng nhưng khi nhìn kĩ sẽ thấy một chuỗi mụn nhọt li ti.
Kẻ bị sứa bờm sư tử tấn công có thể bị co giật, phỏng, rối loạn nhịp tim và hô hấp. Nhiều trường hợp xúc tua của chúng khiến đối thủ chết trong tích tắc.
Loài sứa này hiện đang sinh sống ở những vùng nước lạnh như phương bắc của Bắc Cực, phía bắc Đại Tây Dương và phía bắc Thái Bình Dương.
Hiện nay, sứa bờm sư tử nằm trong danh sách bảo vệ của nhiều quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận