Báo Straits Times cho hay hôm 21-10, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp, bà Indranee Rajah phát biểu tại quốc hội rằng chính phủ đang thảo luận với các bên hữu quan về “vai trò của việc chặn trang mạng như một biện pháp chống lại việc tiếp cận các nội dung vi phạm bản quyền trên mạng”.
Bà cũng cho biết cách thức chặn các trang mạng đó như thế nào sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Trong những tháng tới, Chính phủ Singapore sẽ tham vấn các bên hữu quan trong ngành công nghiệp nội dung và cả người dân để có cách làm phù hợp.
Phối hợp nhiều biện pháp
Đây không phải là lần đầu tiên Singapore mạnh tay với vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2011, như ZDNet cho biết, cảnh sát nước này đã có đợt truy quét lớn, phát hiện một công ty sở hữu phần mềm không bản quyền lên tới 1,14 triệu USD. Vào thời điểm đó, đây được coi là vụ truy quét phần mềm lậu lớn nhất ở Singapore kể từ năm 2005, khi Luật bản quyền sửa đổi của nước này quy định tội hình sự đối với cá nhân hoặc công ty sở hữu phần mềm lậu để đạt được lợi thế kinh doanh.
Năm ngoái, hội đồng xét duyệt hội tụ truyền thông của nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp chống nạn vi phạm bản quyền trên mạng, trong đó có việc chặn trang mạng. Bà Rajah khẳng định không một biện pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề. Theo bà, chính quyền Singapore vẫn sẽ tiếp cận vấn đề bằng nhiều cách, bao gồm cả việc giáo dục người dân và đảm bảo các nội dung hợp pháp được bán với giá hợp lý.
Bộ Tư pháp cũng sẽ xem lại Luật bản quyền của Singapore để đảm bảo rằng không chỉ những người sở hữu bản quyền được bảo vệ mà người dùng cũng được tiếp cận các nội dung hợp pháp. Việc xem xét lại luật là để bắt kịp với những xu hướng công nghệ đang nổi lên và chuẩn mực xã hội mới.
Bà cũng lấy ví dụ về năm nước ở châu Âu thực hiện việc hạn chế truy cập vào trang mạng chia sẻ Pirate Bay và trong vòng một năm lượng truy cập vào trang này giảm 69%. Pirate Bay được người dùng mạng biết đến như là một trang chia sẻ và tải về các nội dung không có bản quyền như các chương trình truyền hình, phim ảnh, nhạc và sách điện tử.
Định hướng cho người dùng
AsiaOne dẫn thống kê năm ngoái của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) cho thấy khoảng 45-50% người dùng mạng ở Singapore truy cập các trang web có chứa nội dung phim và nhạc không có bản quyền. Con số này trên toàn cầu năm 2012 là khoảng 28%.
IFPI cũng nói doanh số bán băng đĩa nhạc và nhạc điện tử ở Singapore năm 2011 giảm 23% so với năm 2010. Giám đốc khu vực châu Á của IFPI, bà Leong May Seey, nói xu hướng doanh số bán nhạc giảm là vì xuất hiện nhạc lậu ở mức độ cao và thiếu các nền tảng nhạc điện tử có bản quyền.
Giới chuyên gia luật cho rằng luật lệ hà khắc về bản quyền ở Singapore thậm chí có sửa đổi khắt khe hơn cũng không giải quyết được vấn đề. AsiaOne dẫn lời ông Samuel Seow, giám đốc công ty luật cùng tên: “Cho dù luật có khắt khe đến đâu, nếu không có sự thi hành luật tương xứng thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn”.
Trong khi đó, hồi tháng 4 một sự kiện trong ngành công nghiệp âm nhạc khu vực đã gây chú ý về vấn đề bản quyền. Đó là việc công ty âm nhạc trực tuyến Thụy Điển Spotify nhảy vào thị trường Hong Kong, Malaysia và Singapore. Công ty này cho phép người dùng nghe nhạc trực tuyến miễn phí. Nếu người dùng muốn tải nhạc về máy, họ chỉ phải trả tiền thuê bao khoảng 8 USD/tháng ở Singapore, 4,74 USD/tháng ở Malaysia và 6,18 USD/tháng ở Hong Kong.
ZDNet bình luận rằng Spotify kỳ vọng sẽ “nhổ tận gốc” nhạc lậu, vốn là vấn đề lớn ở châu Á và cũng là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất” của hãng. Spotify cũng tự tin rằng người dùng sau một thời gian nghe nhạc miễn phí rồi cũng sẽ bỏ tiền ra trả phí thuê bao tải nhạc hằng tháng.
“Trớ trêu thay, cung cấp nhạc miễn phí là cách duy nhất để buộc người ta phải móc hầu bao - giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Spotify Sriram Krishnan nói - Nhạc miễn phí luôn dính liền với tình trạng nhạc lậu. Nhưng nếu vấn đề được cách mạng hóa với việc người dùng được tiếp cận nhạc bản quyền miễn phí, rốt cuộc người ta cũng sẽ muốn hướng đến các nội dung hợp pháp”.
Vụ tranh cãi bản quyền hình xăm được cư dân mạng Facebook yêu thích đã diễn ra giữa hai nghệ nhân tại Singapore và Malaysia trong những ngày qua, theo báo Straits Times. Câu chuyện bắt đầu khi nghệ nhân người Singapore Moon Pang xăm cho cô giáo Shan Ho hình xăm “không đụng hàng” là chiếc nơ đen trên lưng vào tháng 6-2012. Cách đây vài tuần, cô Ho phát hiện một bản sao hình xăm của mình trên ứng dụng Instagram. Hình xăm đó là tác phẩm của nữ nghệ nhân Wong Wei Yin có nghệ danh “Kinki Ryusaki” sống tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ông Pang đã lần tìm Facebook của cô Wong và thấy tác phẩm của nghệ nhân người Malaysia này được đến 26.000 người ưa thích. Nghệ nhân Pang đã trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp qua Facebook nhưng những dòng bình luận của ông bị xóa. Theo báo The Star, cô Wong tuy vậy khẳng định mình không làm gì sai vì cô làm theo mẫu của khách hàng đưa cho và cô có chỉnh sửa đôi chút trước khi đăng tải trên Instagram. “Nghệ nhân nên tự hào vì điều đó thay vì làm ầm ĩ lên như vậy” - cô Wong nhận xét về việc hình xăm của ông Pang được khách hàng của cô ưa thích. Tuy nhiên, The Star dẫn lời một số chuyên gia sở hữu trí tuệ cho rằng hình xăm vẫn được bảo vệ bởi Luật bản quyền. Và bởi vì Singapore và Malaysia đều ký kết các công ước bản quyền quốc tế nên một tòa án tại Malaysia xác nhận hành vi vi phạm bản quyền của cô Wong và cho phép ông Pang kinh doanh trên hình xăm này. Ông Pang hiện đang kinh doanh cửa hàng Moonstruck Tattoo tại Jalan Besar (Singapore) cho biết sẽ không làm căng với cô Wong như vậy nếu cô này xin phép ông. “Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ bản quyền của chúng tôi và của khách hàng” - ông chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận