Chương trình truyền hình về ẩm thực Thiên đường ẩm thực - Ảnh: BTC
Phát sóng lúc 12h30 ngày 20-5 trên HTV7, đến sáng 24-5, clip của game show Mình ăn trưa nhé đã thu hút hơn 240.000 lượt người xem lại trên YouTube với hơn 200 bình luận.
Có thể thấy dù game show hài, ca hát xuất hiện ồ ạt trên màn ảnh nhỏ thời gian qua, các chương trình ẩm thực vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Và theo thời gian, các chương trình này ngày càng khai thác tiếng cười nhiều hơn.
Từ bao tử đến trái tim
Tháng 7 này, game show Ẩm thực kỳ duyên sẽ khởi động ghi hình để lên sóng HTV vào tháng 9.
Với thông điệp "con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua bao tử", các cô gái tham gia chương trình sẽ có cơ hội chọn cho mình người yêu sau khi thử thách các nam thí sinh về kiến thức và kỹ năng ẩm thực.
Trong các game show ẩm thực hiện nay, Thiên đường ẩm thực với slogan "Ăn không chỉ để no, ăn còn lo cho sức khỏe" đang là "trùm" về lượng khán giả xem chương trình.
Ở mùa thứ ba (phát sóng năm 2017), game show này nằm trong top 3 chương trình của HTV được nhiều người xem nhất.
Số lượng người xem lại trên YouTube rất cao: 51,7 triệu lượt người xem trong tổng số 15 tập. Có tập đạt đến 7 triệu lượt người.
Trước khi Thiên đường ẩm thực ra mắt mùa thứ tư vào ngày 15-6, nhiều bạn trẻ đã "lót dép hóng" với thắc mắc: "Không biết Trường Giang có còn là ông hoàng hạnh phúc (nhân vật dẫn dắt chương trình - PV) nữa không?".
Chương trình truyền hình về ẩm thực Mình ăn trưa nhé - Ảnh: BTC
Không thể thiếu nghệ sĩ
Ông Bửu Điền - chủ tịch hội đồng quản trị công ty Điền Quân - cho biết: "Bốn năm trước chúng tôi thực hiện hai chương trình Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan và Khám phá Việt Nam cùng Robert Danhi. Dù hai chương trình này đầu tư rất tốn kém, hình ảnh đẹp nhưng kết quả về quảng cáo, về số lượng người xem truyền hình không như mong đợi. Đến Martin Yan cũng phải thua!".
Sau khi nghiên cứu, rút kinh nghiệm, các chương trình ẩm thực của công ty này bắt đầu đưa một chút thi thố, một chút hài hước... vào để tăng thêm sự thú vị.
Cũng để tạo sức hút, mỗi chương trình ẩm thực hiện nay hầu như không thể thiếu nghệ sĩ dù có thể thiếu đầu bếp.
Cụ thể, trong chương trình kết hợp giữa talkshow và nấu ăn mang tên Cuộc chiến mỹ vị, bốn đầu bếp Vũ Dino, Ngọc Anh, Sĩ Toàn, Hoàng Nhân tranh tài nấu nướng với thực phẩm bên trong tủ lạnh của hai khách mời là nghệ sĩ.
Còn đầu bếp Việt kiều Jack Lee làm giám khảo trong chương trình Chuẩn cơm mẹ nấu, bên cạnh hai MC là nghệ sĩ Việt Hương và Đại Nghĩa.
Chuẩn cơm mẹ nấu đã lên sóng được 148 số từ năm 2015 đến nay. Khẩu vị ngôi sao lại chẳng có bóng dáng đầu bếp. Nghệ sĩ nói về sở thích ẩm thực của mình và trở thành giám khảo chấm điểm cho thí sinh tham gia.
Chương trình truyền hình về ẩm thực Mỹ nhân vào bếp - Ảnh: BTC
Còn thiếu chăm chút và kịch tính
"Đã ẩm thực, xem là phải thèm" - Lan, một cô bé tuổi teen nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM, thích xem các chương trình ẩm thực trên truyền hình, nhận xét.
Theo Lan, chương trình Thiên đường ẩm thực sở dĩ hấp dẫn người xem - đặc biệt là khán giả trẻ - không chỉ bởi chương trình có Trường Giang hay các nghệ sĩ tham gia, mà còn bởi những món ăn ngon "bốc khói", những lời bình hấp dẫn, cách trình bày bắt mắt, chỉ nhìn thôi là đã thèm...
Tuy nhiên, không có nhiều chương trình ẩm thực được quay đẹp như vậy. "Nhiều chương trình ẩm thực để các khách mời nói nhiều quá, lấn át cả mục tiêu chính là về ẩm thực" - Lan nói.
Xem Cuộc chiến mỹ vị, một số khán giả bày tỏ nỗi thất vọng khi chương trình chưa chăm chút hình ảnh, không khai thác kịch tính trong việc thi thố tài nấu ăn, dù được mua bản quyền từ một chương trình ẩm thực Hàn Quốc nổi tiếng.
Hay như ý kiến của chị Quỳnh Anh - một phụ nữ đam mê nấu nướng thường xuyên theo dõi cuộc thi đầu bếp trên truyền hình: "Xem Vua đầu bếp của nước ngoài rồi xem Vua đầu bếp VN thấy sao mà một trời một vực.
Chất lượng thí sinh của VN yếu, làm ảnh hưởng đến chương trình. Ví dụ như trong một phần thi, thí sinh An Nguy nấu món chè tổ ong khá đơn giản mà lại thắng giải khiến tôi thấy chán, không có gì để xem".
Chị Quỳnh Anh cũng cho biết trước đây chị thường xem chương trình Khéo tay hay làm (HTV). "Những công thức nấu ăn được đưa ra rõ ràng và cụ thể, dễ thực hành, còn bây giờ một số chương trình dạy nấu ăn quá chung chung, không đưa ra công thức, số lượng nguyên liệu, làm sao gọi là dạy nấu ăn được" - chị nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận