Suốt cuộc trò chuyện với Trần Nữ Yên Khê, nữ diễn viên chính của những bộ phim đã trở thành chuẩn mực cái đẹp của điện ảnh Việt như Cyclo, Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng..., nhân dịp cô cùng chồng là đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng về nước, tham gia giảng dạy trong chương trình điện ảnh Gặp gỡ mùa thu 2017 - nơi ươm mầm cho những tài năng điện ảnh trẻ, cô trông giản dị, trẻ trung và hấp dẫn hơn nhiều so với tuổi 49 của mình.

áng vẻ mảnh mai, cách phát âm tiếng Việt điệu đàng pha âm sắc Pháp khiến buổi nói chuyện với Yên Khê ngập tràn tiếng cười. Cô ngượng ngùng nhưng không giấu được niềm hạnh phúc khi nhận được lời khen: Yên Khê nói tiếng Việt thật là dễ chịu!

Tiếng Việt, Tết và căn bếp của Yên Khê - Ảnh 2.

Yên Khê rời Việt Nam theo gia đình sang Pháp khi vừa tròn 1 tuổi, thậm chí còn chưa biết nói. "Năm năm sau đó, lúc 6 tuổi, đó là lần đầu tiên Yên Khê theo gia đình trở về Đà Nẵng thăm ông bà. 

Cảm giác đầu tiên của tôi là sao nước mình còn khổ quá, người dân vất vả quá. Mỗi lần ra ngoài ăn uống ông ngoại lại hỏi: Con muốn ăn gì? Tôi bảo muốn uống Coca, mà không biết một lon nước ngọt như thế thời ấy mắc kinh khủng. 

Sự mệt nhọc của người lao động trong giai đoạn đổi mới cũng là lý do mà sau này anh Hùng (đạo diễn Trần Anh Hùng) làm phim Cyclo... Một tờ giấy trắng, một cây bút chì cũng quý!

Đà Nẵng là nơi tôi sinh ra. Góc phố Hoàng Diệu - Chu Văn An là nhà của ông bà ngoại ngày xưa. Bây giờ thì ông bà không còn nữa, nhưng gia đình vẫn giữ lại một phần ngôi nhà để thờ cúng tổ tiên. 

Mỗi lần từ Pháp trở về Việt Nam, khi bánh lăn của máy bay vừa chạm đến mặt đất, tim mình như có cái gì đó đau nhói. Tự dưng tôi muốn khóc!" - Yên Khê bắt đầu câu chuyện về xuất xứ của mình.

Ngày nhỏ, khi đi học ai cũng nghĩ Yên Khê là người Trung Quốc. "Với họ, cứ Á châu là người Trung Quốc. Trong lớp đi học chỉ có một mình tôi là người Á châu, cả trường thì có hai người. Và tôi nói với mọi người mình là người Việt, không phải người Hoa".

Tiếng Việt, Tết và căn bếp của Yên Khê - Ảnh 3.

16 tuổi, lúc đang ở độ tuổi rực rỡ nhất về nhan sắc, Yên Khê từng tham gia cuộc thi Hoa khôi áo dài do Unesco tổ chức cho cộng đồng người Việt tại Pháp để tôn vinh tà áo dài Việt. 

Cô cười ngượng nghịu bảo chuyện đó đã lâu lắm rồi, cô không còn nhớ rõ nữa, nhưng cảm giác lần đầu tiên mặc áo dài Việt thì vẫn còn nhớ như in. 

"Tôi thấy sao mình giống mẹ mình đến thế! Trong những bức ảnh cũ chụp mẹ ngày trẻ, những năm 1965-1970 dáng của áo dài rất đẹp, rất tuyệt vời. Áo dài như một bộ trang phục tiếp nối giữa hai thế hệ, giữa mẹ và tôi, giữa thế hệ trước và thế hệ sau". 

 Thế nhưng những ký ức mỏng mảnh hay tà áo dài Việt chưa đủ mạnh để khiến phần Việt Nam trong con người Yên Khê trỗi dậy mạnh mẽ, cho đến khi cô con gái đầu lòng của chị chào đời.

Tận đến khi tham gia Mùi đu đủ xanh, Yên Khê vẫn chỉ nói được tiếng Việt một cách rất máy móc. Vốn liếng tiếng mẹ đẻ chỉ đủ dùng để nói thoại trong phim. "Động lực mạnh mẽ nhất với tôi đó chính là Lãng Khê. Tôi chỉ muốn trò chuyện với con gái mình bằng tiếng Việt! 

Trong thời gian mang thai con gái, tôi có nhờ người đến dạy tiếng Việt cho mình, hai mẹ con cùng học tiếng Việt khi con gái còn chưa chào đời. Đến khi Lãng Khê ra đời, lúc đó tôi muốn ngôn ngữ đầu tiên mà Lãng Khê nói sẽ là tiếng Việt. Tôi thuê người giúp việc nhà là những người nói giọng Bắc tốt, chuẩn, không biết nói tiếng Pháp để chắc chắn rằng họ sẽ chỉ nói tiếng Việt với Lãng Khê.

Thế nên khi bắt đầu biết nói, Lãng Khê chỉ biết nói tiếng Việt. Năm 4 tuổi rưỡi gần 5 tuổi, tôi cho con đi học mẫu giáo ở trường Pháp, Lãng Khê lúc đó hoàn toàn không biết nói tiếng Pháp. Tôi cứ buồn cười nhất khi Lãng Khê bắt đầu biết nói tiếng Pháp, cô bé nói tiếng Pháp bằng âm điệu của người Việt, nghe thật là dễ thương" - Trần Nữ Yên Khê nhớ lại.

Tiếng Việt, Tết và căn bếp của Yên Khê - Ảnh 4.

gay ở thời điểm hiện tại, khi vốn tiếng Việt đã tốt lên rất nhiều (Yên Khê không chỉ nói được mà còn có thể đọc và viết tiếng Việt - PV) nhưng thói quen của chị mỗi lần lên lớp dạy học là mang theo một cuốn từ điển tiếng Việt bên cạnh, ngay lập tức ngồi tra từ khi có một từ nào đó khiến chị băn khoăn. 

Khác với nhiều người Việt xa xứ, tiếng Việt luôn là bài toán đố không biết khi nào mới giải được, Yên Khê nói chị học tiếng Việt đơn thuần, tự nhiên, bởi với chị: "...Nếu có một điều gì khó khăn thì đó là việc đổi giọng, vì cả gia đình tôi đều nói giọng Đà Nẵng. Còn tôi lại chọn học tiếng Việt theo giọng chuẩn Hà Nội".

Paris hoa lệ nhưng cuộc sống cũng đầy rẫy những áp lực khủng khiếp đến mức "không thể chịu nổi" - như thổ lộ của Yên Khê. Những lúc đó, tình cảm đặc biệt trong văn hóa Việt Nam lại trở thành chiếc gối êm vỗ về chị, bằng những cảm xúc rất sâu và mạnh. "Chỉ nghe một ít nhạc của Trịnh Công Sơn mà mẹ tôi hát thôi là tôi có thể khóc ngay. Sự xúc động ấy, khi ở Pháp tôi không cảm thấy được".

Đến một tuổi nào đó, điều quan trọng nhất của một con người là được tìm về nguồn cội của mình. Và Yên Khê nói chưa bao giờ trong những năm xa quê chị cảm thấy điều ấy rõ ràng như ở thời điểm hiện tại. Trong con người của Trần Nữ Yên Khê, tất nhiên luôn có sự xung đột giữa hai nền văn hóa Á - Âu không thể phủ nhận, nhất là về sự giáo dục. 

"Nhưng đó không hẳn là một mâu thuẫn" - chị nói. Và tiếp lời: "Tôi thường rất hay đặt những câu hỏi về xã hội vì chỗ nào cũng thế. Lẽ dĩ nhiên, ở Pháp mình có nhiều điều kiện hơn, tuy vậy tôi luôn nghĩ cả Việt Nam và Pháp đã mang lại cho tôi những gì tốt đẹp, tuyệt vời. Lúc đó tôi lại thấy mình rất may mắn vì có hai nền văn hóa để đi về".

Tiếng Việt, Tết và căn bếp của Yên Khê - Ảnh 6.

ếu có một điều gì đó có thể ngay lập tức khiến Yên Khê mắt sáng long lanh và say sưa nói mãi không chán thì chỉ có thể là ẩm thực. "Một ngày bận rộn thế nào tôi cũng mất khoảng ba tiếng ở trong bếp. Trẻ con trong nhà từ bé đến tận bây giờ, câu đầu tiên bước chân về nhà là hỏi: Mẹ ơi, tối nay ăn món gì?".

Tình yêu với ẩm thực của Yên Khê bắt nguồn từ mẹ. Chẳng dông dài, xa xôi, một Việt Nam thu nhỏ lúc nào cũng hiện diện thật sinh động và phong phú trong căn bếp thơm nức mùi bún bò Huế, bốc khói những loại bánh lá nóng hổi, hay mì Quảng, phở bò... được chính tay mẹ Yên Khê chuẩn bị cho gia đình.

"Tôi nghĩ nhờ điều đó mà giữa tôi và văn hóa Việt chưa bao giờ tách rời mà luôn luôn nằm trong máu mình, theo nghĩa đen ấy. Ẩm thực là cách dễ nhất nhưng cũng mạnh mẽ nhất để kết nối những người sống ở nước ngoài và quê hương họ".

Mẹ dạy cho Yên Khê cách yêu quê hương bằng sự nâng niu, giữ gìn và quý trọng với ẩm thực Việt. Đến tận bây giờ, đại gia đình của Yên Khê luôn cảm thấy xa lạ với đồ hộp, đồ đông lạnh hay những món ăn làm sẵn bởi chuyện tự tay chuẩn bị các món ăn, tự tay nấu sữa đậu nành nóng, làm đậu phụ, gói bánh chưng... đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ chị. 

Yên Khê có thể nấu và nấu ngon những món ngon của nhiều nền ẩm thực khác nhau, thậm chí là đồ ăn Ấn Độ hay... Lào, nhưng những món ăn Việt vẫn luôn mang đến cho chị sự rung động trong trẻo. 

"Thích nhất là thức ăn ngày Tết, vì Tết nào ở Pháp mẹ tôi cũng làm đủ món, những món ăn mang hương vị rất đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, chả giò, chè kho, măng nấu miến, gà luộc. 

Ở Paris thực ra có đủ cả bánh chưng, bánh tét gói sẵn, nhưng mẹ tôi thường tự tìm mua nguyên liệu về để gói bánh. Ba năm gần đây nhất, mẹ cũng lớn tuổi rồi, nên tôi giúp mẹ gói bánh, đặt mua khuôn. 

Từ lúc Lãng Khê ra đời, tôi bắt đầu học mẹ, chế biến mọi thứ ở nhà từ những nguyên liệu tươi nhất cho các con" - chị kể. Thậm chí cả đến chai nước rửa chén, xà phòng trong nhà Yên Khê cũng tự tay làm từ trái bồ hòn.

Tiếng Việt, Tết và căn bếp của Yên Khê - Ảnh 8.

rong những ngày Tết, món ăn khiến cả gia đình mê mẩn nhất chính là bánh chưng. Vì tự tay làm từ nguyên liệu sạch nên hương vị của bánh ngon hơn, thơm hơn. Và món gà xé phay trộn rau răm là món Yên Khê làm khéo nhất. 

Nhưng Yên Khê vào bếp không chỉ nhân dịp lễ Tết hay những dịp đặc biệt, mà là mỗi ngày. "Bữa ăn tối là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tôi quây quần để chia sẻ một ngày của mình ra sao. Dù ở Pháp cuộc sống bận rộn, thật khó để duy trì, nhưng mỗi ngày vào lúc 7h tối, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn tối, để kể cho nhau nghe xem ngày của mình đã trôi qua như thế nào".

Nữ tính và tinh tế, những câu chuyện nhỏ được Yên Khê thủ thỉ mang đến cho người nghe một nguồn cảm hứng dồi dào về sự tĩnh tại, những chọn lựa được sống giữa văn hóa, nuôi dưỡng sự thanh xuân trong mọi điều: tình yêu, công việc, gia đình... bằng sự tươi mới của chính mình.

"Không bao giờ được biến điều gì trở thành một thói quen. Khi mọi thứ trở thành thói quen, chúng sẽ mất đi sự tươi mới thì thật nguy hiểm. Dù phải vượt qua những khó khăn, hãy luôn luôn giữ sự tươi mới, không phải chỉ là hình thức mà còn là những cái mới mình học được để có thể chia sẻ với chồng, với con, hay bạn bè. 

Phải nuôi văn hóa của mình bằng sự hiểu biết, bằng sách, bằng kiến thức, bằng phim... Nếu không thì tôi nghĩ mình sẽ già đi rất nhanh" - Yên Khê tiết lộ bí quyết giữ gìn sự tĩnh tại của chị trước mọi điều.

17 năm qua, Trần Nữ Yên Khê tìm đến yoga như một phương thức giúp tinh thần mạnh mẽ, dẻo dai. "Cảm giác mình làm chủ cơ thể của mình thật tuyệt. Khi mình biết mình, mình sẽ biết người khác tốt hơn" - chị nói. Tránh xa những điều không thuộc về mình, hòa mình vào thiên nhiên, nơi mà ở đó chị tìm thấy những điều "con người không thể mang đến được. 

Một điều gì đó thật đặc biệt như giữa trời và đất", yêu hoa, trân trọng cái đẹp và những điều ngọt ngào của cuộc sống, Trần Nữ Yên Khê là "nàng thơ" trong lòng khán giả mộ điệu, bởi cách chị yêu và sống, cách chị trân quý và giữ sự hiện hữu của văn hóa Việt giữa lòng Paris xa xôi.

Cứ mỗi mùa hè khi trẻ con được nghỉ, gia đình Trần Nữ Yên Khê và Trần Anh Hùng lại thu xếp về Đà Nẵng để nghỉ ngơi, hoặc tham gia các khóa giảng dạy về điện ảnh cho những bạn trẻ ở Việt Nam như ở Gặp gỡ mùa thu. Con gái Lãng Khê của chị còn được chị hỏi chỗ để đi làm giúp việc, bưng nước tại một quán nước nhỏ của một người quen.

"Tôi muốn con đi làm thêm ở Việt Nam để có cơ hội giao tiếp nhiều hơn với người Việt. Vì chúng là thế hệ người Việt thứ ba trên đất Pháp, cần phải biết nhiều hơn về quê hương, không chỉ qua lời bố mẹ. Mỗi lần về nhà, không chỉ trẻ con được biết về nguồn cội của chúng mà chính mình cũng được trở về nhà!" - chị giãi bày.

Tiếng Việt, Tết và căn bếp của Yên Khê - Ảnh 10.

Bao nhiêu năm sống là bấy nhiêu lần Yên Khê đón Tết của một người Việt ở Pháp. Thế nên kỷ niệm của lần đầu tiên được đón Tết Việt ngay trên chính quê hương mình thật không thể quên. 

"Tôi nhớ đó là khoảng năm 1999, gia đình gồm tôi, anh Trần Anh Hùng và con gái Lãng Khê về Hà Nội gần một năm để làm phim Mùa hè chiều thẳng đứng. Lúc đó Lãng Khê mới gần 3 tuổi. Ngày nào tôi ngồi học tiếng Việt với cô giáo, Lãng Khê cũng bi bô chạy xung quanh học cùng mẹ... Tôi chưa bao giờ hình dung ra Việt Nam mà cũng lạnh, vì trong trí nhớ của tôi, Việt Nam lúc nào cũng là nơi nóng ẩm, mưa nhiều.

Việc đầu tiên là phải chạy đi mua những chiếc áo dạ thật dày, mặc vào rồi đi lòng vòng dạo phố trong không khí lành lạnh cuối năm của Hà Nội. Khi ngang qua những dãy phố, ánh đèn vàng từ trong nhà mỗi gia đình Hà Nội hắt ra, lúc đó cảm giác thật khó tả và đặc biệt. 

Vẫn còn nhớ mãi, sáng mùng Một sau giao thừa, tôi và anh Hùng muốn ra ngoài đi tìm đồ ăn thì không có một cái gì để ăn, không có hàng nào mở cửa cả. Đi mãi, đi rất xa mà cũng không có chỗ nào bán hàng!

Không khí ngoài đường lúc đó rất lạ, vì đêm trước còn tấp nập, vui vẻ biết bao mà chỉ sau một đêm đường phố trở nên tĩnh lặng, không còn tiếng xe cộ ồn ào, không còn tiếng trẻ con ở ngoài đường...

Sau này mới biết mỗi dịp Tết ở Việt Nam, mỗi gia đình thường sắm đồ ăn cho tận mấy ngày, hàng quán cũng nghỉ ngơi đón Tết. Cảm giác đi chợ hoa ngắm hoa đào và quất, mua cây về trồng trong vườn những ngày giáp Tết, tôi thực sự thích lắm!"


MINH TRANG
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
16/02/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên