17/04/2017 09:15 GMT+7

Sếp choảng nhau vỡ mũi: “Họ nên ra khỏi cơ quan nhà nước”

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TTO - Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã nói như vậy về vụ hai cán bộ ở Kon Tum đánh nhau.

Ảnh minh họa: DAD
Ảnh minh họa: DAD

 

“Nếu có đủ bằng chứng cho thấy những công chức có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì hãy xử lý họ như những công dân khác chứ đừng bao che cho các hành vi sai phạm đó

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu

Bà cho biết:

Công chức mời nhau ly bia khi ăn nhậu dẫn đến đánh nhau, sau đó một người còn lôi kéo người khác đến nhà người kia để uy hiếp, thật không thể tưởng tượng được đối với đạo đức công chức, đảng viên bây giờ!

Hôm qua, tôi đọc báo mà muốn “nổ con mắt”, khi ra ngoài nghe người ta nói mà muốn “nổ cái lỗ tai” bởi không thể nghĩ rằng những người được tuyển chọn qua những vòng thi công chức, được bổ nhiệm làm cán bộ có vị trí trong cơ quan nhà nước mà lại ứng xử như thế với nhau.

Việc cán bộ công chức đi ăn nhậu đã là không đúng chuẩn mực đạo đức rồi, vậy mà ăn nhậu xong còn đánh nhau, còn tụ tập rủ rê người khác đến để uy hiếp nhau thì vượt quá giới hạn tưởng tượng của một người bình thường.

Công chức mà đối xử với nhau như băng đảng giang hồ!

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Ảnh: Hoàng Điệp
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Ảnh: Hoàng Điệp

Có thể lý giải đó là sự nóng nảy trong tính nết từng người, nhưng là đảng viên, công chức thì phải kiềm chế được sự nóng nảy của mình, giải quyết vấn đề bằng cách đối thoại chứ không phải sử dụng nắm đấm.

Thời gian gần đây, báo chí đưa nhiều tin về những vụ công chức ứng xử thiếu chuẩn mực đối với không chỉ người dân mà với cả đồng nghiệp, đồng chí của mình. Cũng có thể nói nóng nảy là do tính người, nhưng người làm công chức, đảng viên đặc biệt phải biết mình đang là ai, đang ở vị trí nào.

Những công chức đảng viên không phải làm việc một mình, mà còn có tổ chức, chịu sự giám sát của tổ chức, nếu chỉ vì bản năng của mình mà không kiềm chế được sự nóng giận, dẫn đến sử dụng vũ lực trong ứng xử với nhau thì nên ra khỏi tổ chức, ra khỏi nhà nước.

Những người như vậy không thể phục vụ nhân dân tốt, bởi khi làm công việc phục vụ nhân dân họ phải tận tình, phải chu đáo và phải kiên nhẫn. Đây chính là những quy định bắt buộc đối với một công chức đã được quy định trong luật chứ không phải là nội quy của cơ quan hay văn hóa ứng xử.

Công chức, viên chức là những người có trình độ kiến thức chuyên môn và được tuyển chọn năng lực qua những cuộc thi công chức. Như vậy, đương nhiên họ đã được sàng lọc một cách kỹ càng để thực hiện công việc phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, trong việc tổ chức thi công chức hiện nay mới chỉ chú trọng đến năng lực của công chức mà chưa chú trọng đến đạo đức công chức.

Thực tế còn cho thấy trong các cuộc thi sát hạch công chức cũng không hoàn toàn vì năng lực, mà đôi khi thi bằng tiền. Nếu chỉ tuyển bằng năng lực chuyên môn của công chức thì coi như chọn được người tài nhưng lại chưa có tiêu chí để sàng lọc vấn đề đạo đức, ứng xử.

Còn đối với những cuộc thi công chức bằng tiền thì tài năng cũng không mà đạo đức cũng không. Như vậy bảo sao mà người dân không ta thán về việc công chức làm sai, công chức nhũng nhiễu, công chức vô cảm, công chức hành dân?

Vậy hãy mạnh tay loại bỏ những công chức thiếu chuẩn chất này ra khỏi đội ngũ và hãy lựa chọn, đào tạo về đạo đức ứng xử cho các công chức, cán bộ trước khi giao cho họ những nhiệm vụ, công việc phục vụ nhân dân.

Hành xử vậy, lãnh đạo được ai?

Trong hơn 230 ý kiến phản hồi, bạn đọc đã bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu phải xử nghiêm vụ đánh nhau đáng xấu hổ này.

* Đánh nhau trên xe chưa đủ, về còn kéo vợ và người khác cùng vào cuộc. Cạn lời!

Trần Thị Hà (hapleidon@...)

* Cán bộ lãnh đạo cấp phòng của sở mà có hành động hung hăng với nhau như vậy thì đạo đức đâu nữa mà phục vụ nhân dân? Thôi, cho về làm dân chứ kiểm điểm chi cho tốn thời gian.

Trần Ngọc (tranngoc@...)

* Cán bộ mà không làm gương thì giữ lại làm gì, nên cách chức hết hai ông. Nếu không xử lý nghiêm, người khác bắt chước làm theo thì xã hội này loạn hết, người dân sẽ không còn tin vào pháp luật và công quyền.

Nguyen Huy (nguyenhuy@...)

* Cán bộ mà hành xử như côn đồ thì làm sao lãnh đạo được ai? Bất kể cán bộ hay không cán bộ, khi đánh nhau là đã vi phạm pháp luật rồi. Cán bộ hay dân cũng đều phải xử như nhau, không có ngoại lệ, mà cán bộ thì phải xử nặng hơn.

Kỷ luật cho thôi việc và truy tố ra tòa (nếu có đủ các yếu tố phạm tội) thì mới làm gương cho dân chúng.

Do Thuyen (thuyen55904@...)

* Không loại bỏ những người này ra khỏi bộ máy công quyền thì đừng trách lớp trẻ không còn niềm tin ở thế hệ đi trước. Rất nhiều người trẻ được đào tạo đầy đủ, muốn được phục vụ đất nước một cách lý tưởng đang chờ đợi.

Mr Le (lqanh@...)

* Chi cục phó và trưởng phòng của một sở mà hành xử với nhau như vậy trên xe rồi còn kéo người thân đến nhà định xử theo “luật rừng” nữa. Sao mà tồi tệ thế! Không sa thải hai vị này do tỉnh thiếu cán bộ hay sao? Tôi nghĩ còn nhiều người đủ tài, đức thay hai vị này được.

Trần Quá (tranquatl@...)

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên