04/05/2010 08:10 GMT+7

Sẽ xử lý tài sản kê khai không trung thực

MINH QUANG thực hiện
MINH QUANG thực hiện

TT - “Tới đây, cán bộ công chức phải có nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của mình và từng bước công khai tài sản. Đồng thời cũng sẽ có quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được.

Việt Nam đã ký công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng, trong công ước quy định tài sản không giải trình được, bất minh là phải tịch thu” - ông Hoàng Đức Vinh, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho biết xung quanh dự thảo nghị định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản kê khai.

MpB32Eg3.jpgPhóng to
Ông Hoàng Đức Vinh - Ảnh: Minh Quang

Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ (TTCP) và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản kê khai. Theo đó, sẽ xử lý số tài sản không giải trình được của cán bộ công chức. Ông Hoàng Đức Vinh, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (TTCP), cho biết:

- Việc kê khai tài sản nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức được triển khai từ năm 2007. Theo đó, 100% bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị (gồm cả tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp...) đều tổ chức kê khai. Đến hết năm 2009 có thêm gần 6.200 lượt người kê khai lần đầu.

Việc kê khai tài sản là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền biết được tài sản hiện tại của những người có chức vụ, quyền hạn.

Từ bản kê khai này, cơ quan có thẩm quyền có căn cứ và cơ sở để xác minh, kết luận bản kê khai, từng bước tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng và kiểm soát thu nhập cán bộ công chức.

* Cơ quan quản lý có đặt câu hỏi liệu việc tự kê khai tài sản trung thực đến đâu?

- Qua xem hồ sơ kê khai của nhiều cán bộ công chức, chúng tôi thấy một số chỉ kê khai nhà ở, còn tài sản có hay không thì mình không thể biết được.

Vẫn có thể đặt dấu hỏi: liệu những cán bộ này không có tài sản từ 50 triệu đồng trở lên có đúng không? Thực tế cũng tùy thuộc từng người, có người kê khai 1-2 căn nhà, ôtô, nhưng có người có mà không kê khai.

Từ trước đến nay, chỉ những trường hợp cán bộ có vấn đề phải tiến hành xác minh mới biết và xử lý được chuyện kê khai không trung thực.

* Báo cáo của các địa phương về kê khai tài sản, thu nhập hầu hết đều khẳng định không ai bị kết luận kê khai không trung thực. Việc xác minh này được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Đến giờ này đa số tỉnh đều báo cáo chưa xác minh trường hợp nào. Theo quy định tại nghị định 37 về minh bạch tài sản thu nhập, phải có hai điều kiện để đi xác minh.

Thứ nhất, có đơn tố cáo rõ ràng, có chứng cứ và không được nặc danh liên quan đến việc kê khai tài sản không trung thực.

Thứ hai, có kết luận của cơ quan chức năng như thanh tra, điều tra, kiểm toán kết luận về người có nghĩa vụ kê khai liên quan đến hành vi tham nhũng. TTCP chưa nhận được đơn tố cáo hay yêu cầu kiểm tra đối với trường hợp nào.

Tại Vũng Tàu, cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo một cán bộ kê khai không trung thực và qua xác minh đúng là có sự kê khai không trung thực.

* Nếu phát hiện cán bộ kê khai không trung thực thì xử lý số tài sản chưa kê khai như thế nào?

- Hiện nay mới chỉ quy định nếu kê khai không trung thực thì xử lý từ khiển trách, cảnh cáo đến hạ bậc lương, chưa có quy định xử lý thế nào đối với số tài sản kê khai không trung thực, cũng chưa có quy định nào về kiểm tra nguồn gốc tài sản.

* Như vậy khi có nghị định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của cán bộ công chức, việc xử lý số tài sản kê khai không trung thực có được đề cập trong nghị định không?

- Chắc chắn sẽ có quy định về xử lý đối với số tài sản không giải trình được. Việt Nam đã ký công ước Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng, trong công ước quy định tài sản không giải trình được, bất minh là phải tịch thu...

* Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức chưa được công khai, vậy làm sao người dân thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát?

- Tới đây sẽ có nghị định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của cán bộ công chức. Theo đó, cán bộ công chức có nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của mình và từng bước công khai tài sản. Trong chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng có quy định từng bước công khai thu nhập, tài sản của cán bộ công chức.

Hiện Thủ tướng đã giao TTCP và các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc kê khai này để xây dựng đề án kiểm soát thu nhập.

Trong thời gian tới, khi thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng sẽ từng bước công khai bản thu nhập này, các cơ quan liên quan đang xem xét đối tượng nào sẽ công khai trước và vào thời điểm nào.

Việc này chúng ta chưa làm bao giờ nên phải có lộ trình.

* Hiện vẫn còn nhiều cán bộ công chức chậm kê khai tài sản, TTCP có biện pháp gì để xử lý đối với các cán bộ này?

- Mới đây, TTCP đã ban hành thông tư 01, trong đó có phần xử lý hành vi chậm kê khai, chậm tổ chức việc kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập mà không có lý do chính đáng.

Cụ thể, áp dụng các hình thức từ khiển trách đến cảnh cáo đối với tất cả trường hợp vi phạm chậm từ 15-45 ngày, và sẽ có hình thức kỷ luật nặng hơn cảnh cáo đối với vi phạm trên 45 ngày.

Ngoài ra, sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thì phải báo cáo cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền để xem xét xử lý kỷ luật Đảng theo quy định của Đảng.

MINH QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên