18/12/2017 17:11 GMT+7

Sẽ xử lý mạnh tay chuyện ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài

Nhóm PV Tuổi Trẻ
Nhóm PV Tuổi Trẻ

TTO - Xâm phạm lãnh hải các nước khác để đánh bắt được cho là một trong những nguyên nhân Việt Nam bị Liên minh châu Âu (EU) rút thẻ vàng. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ mạnh tay xử lý.

Sẽ xử lý mạnh tay chuyện ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng Bình Định tiếp nhận và tuyên truyền với các ngư dân bị Indonesia bắt, xử lý vì đánh bắt ở vùng biển nước này - Ảnh: CÔNG CƯỜNG

Theo ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, dù đã có thiết bị định vị trên tàu nhưng việc kiểm soát vị trí của các tàu không đơn giản. 

Các tàu có trang bị máy HF, nhưng chỉ khi họ nhắn tin cho trạm bờ hoặc bờ gọi họ thì mới biết chính xác vị trí. Còn máy Movimar mở lên là biết ngay vị trí, nhưng nếu chủ tàu không nhắn tin máy HF hoặc tắt máy Movimar thì trong bờ không biết họ ở đâu.

Cơ quan bảo vệ biển ở đâu?

Một mình ngư dân không thể thay đổi được mà phải có sự hỗ trợ rất lớn từ phía cơ quan chức năng. Bây giờ ngư dân ra biển không biết vùng nào có cá hay không, không rõ trữ lượng cá thế nào thì làm sao mà quản lý, mà cấp quota cho từng tàu.

Những vụ ngư dân bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ ở vùng biển giáp ranh, chồng lấn thời gian qua dường như thiếu vắng lực lượng bảo vệ biển và bảo vệ ngư dân của Việt Nam.

Trên báo tôi chỉ nghe thông tin ngư dân bị nạn do gió bão được các cơ quan chức năng cấp cứu. Thế còn khi ngư dân bị tàu nước ngoài xua đuổi, bắt giữ thì các cơ quan bảo vệ biển ở đâu?

Ông Nguyễn Tử Cương (Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững Hội Nghề cá Việt Nam)

"Chúng tôi rất mong Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành trung ương sớm nghiên cứu, áp dụng một loại máy có tích hợp thiết bị định vị để giám sát được chặt chẽ hành trình, vị trí từng con tàu, biết rõ tàu nào vi phạm vùng biển nước khác hay không để thông báo và xử lý" - ông Phúc nói.

Ông Phùng Đình Toàn, Phó chi cục trưởng Cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng xử lý mạnh tay với nạn xâm phạm trái phép lãnh hải các nước. 

Hiện nay đã có 8 chủ tàu, 8 thuyền trưởng bị tước giấy phép hành nghề, 8 tàu cá đang "chịu án" neo đậu tại cảng Tịnh Hòa sau khi xâm phạm lãnh hải các nước ở Thái Bình Dương trở về. 

Tỉnh cũng đã xóa tên 4 tàu cá xâm phạm vùng biển các nước ra khỏi danh sách xem xét hỗ trợ đi biển...

"Đối với chủ tàu tái phạm không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới, chuyển nhượng trong vòng 12 tháng. Đối với các tàu bị bắt giữ, chuộc thả, hoặc trốn về nước tạm dừng chuyển quyền sở hữu, tước giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng. Không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời hạn 12 tháng, nếu tái phạm không được xem xét hỗ trợ vĩnh viễn, kể cả sang tên đổi chủ", ông Toàn nói.

Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết lộ trình của tỉnh là năm 2017 giảm mạnh số vụ tàu cá Bình Định xâm phạm vùng biển nước khác để đánh bắt, tiến đến cuối năm 2018 đầu năm 2019 chấm dứt hoàn toàn việc này. 

"Trước nay chúng tôi chưa xử phạt nặng trường hợp nào vi phạm vùng biển nước khác để đánh bắt, từ nay sẽ làm nghiêm, phạt 70-100 triệu đồng/vụ việc và sẽ tước giấy phép khai thác hải sản có thời hạn trong khi chờ Luật thủy sản có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2019", ông Châu cho hay.

Ngư dân bỏ tiền "mua biển" và án phạt "thẻ vàng" từ EU Ngư dân bỏ tiền 'mua biển' và án phạt 'thẻ vàng' từ EU

TTO - Bên ngoài, án tù và tiền phạt vì ngư dân vi phạm lãnh hải các quốc gia khác. Bên trong, EU rút "thẻ vàng" và chực chờ "thẻ đỏ". Hải sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ.

Chính phủ Úc sẽ hỗ trợ

Ngày 8-12, Cơ quan Thủy sản Úc (AFMA) phối hợp Tổng cục Thủy sản và Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm việc với ngư dân về vấn đề đánh bắt trái phép.

Ông Brendan Reyner, trưởng bộ phận chấp pháp quốc tế của AFMA, khẳng định Chính phủ Úc sẽ hỗ trợ tối đa Việt Nam thoát khỏi "thẻ vàng EU".

Ông Reyner nói Việt Nam đang đi đúng hướng tìm giải pháp cho vấn đề này và cho thấy sự vào cuộc quyết liệt để xử lý ngư dân vi phạm.

Đại tá Trần Huy Giáp (phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định):

Tạo ngư trường cho dân

Sẽ xử lý mạnh tay - Ảnh 3.

Phải có giải pháp hỗ trợ ngư dân trong quá trình đánh bắt xa bờ, nhất là vùng giáp ranh chồng lấn, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tạo niềm tin cho bà con, để giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Quy định vùng biển chồng lấn là không xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhưng gần đây có trường hợp lực lượng chấp pháp nước ngoài vào đến vùng chồng lấn bắt ngư dân ta kéo về nước họ xử lý.

Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức quan hệ đánh bắt hải sản với các nước trong khu vực, nhất là Malaysia, Philippines, Indonesia...

Rõ ràng với tình hình Biển Đông hiện nay, ngư trường của ta ngày càng hẹp, do vậy phải tạo ngư trường cho dân, không để họ hoạt động "chui".

Ông Trương Văn Ngữ (Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang):

Đánh bắt tràn lan, tận diệt

Khoảng 5 năm trở lại đây, ngư trường trong nước trở nên cạn kiệt dần. Nguyên nhân chính là do hoạt động đánh bắt tràn lan, thậm chí khi ngư trường càng cạn kiệt, ngư dân càng có xu hướng tận diệt nhanh hơn bằng nhiều phương pháp đánh bắt hết sức nguy hiểm như dùng xung điện, chất độc, thuốc nổ...

Đã đến lúc Chính phủ có chính sách nhất quán để bảo tồn nguồn lợi hải sản, bảo tồn nghề cá. Chứ nếu cứ đà này thì chỉ vài năm nữa sẽ không còn cá đâu mà đánh bắt.

Nhóm PV Tuổi Trẻ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thẻ vàng