19/03/2016 10:34 GMT+7

Sẽ xét xử án trực tuyến

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Đó là ý kiến của ông Trương Hòa Bình - ủy viên Bộ Chính trị, chánh án TAND tối cao - trong hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp ngành tòa án tại TP.HCM ngày 18-3.

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp ngành tòa án - Ảnh: TTXVN
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp ngành tòa án - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương, chánh án TAND TP.HCM, cho biết hiện nay TAND TP.HCM đã thực hiện việc cải cách hành chính đối với công tác tòa án: đăng nhiều thông tin hướng dẫn pháp lý trên website của tòa, đăng lịch công khai tiến độ xử lý các vụ án; công khai lịch tất cả các tòa để đương sự và người dân theo dõi.

Đặc biệt, tại TAND TP.HCM đã có các kiôt thông tin để người dân tra cứu thông tin. Các bản án của tòa đều có mã vạch để quản lý, đương sự cần tìm kiếm thông tin về vụ án chỉ cần cung cấp một phần thông tin là cán bộ, nhân viên hành chính của tòa có thể hỗ trợ tìm kiếm rất tích cực.

Ông Ngô Tiến Hùng, phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, cũng cho rằng áp dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính tư pháp theo tinh thần “một cửa” có nhiều điểm tích cực, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý như tăng chi phí an ninh, bảo mật....

Về vấn đề này, ông Trương Hòa Bình nói: “Việc xây dựng tòa án điện tử là yêu cầu cấp bách theo phương hướng nhiệm vụ đến năm 2020, nhưng giờ có căn cứ pháp lý chúng ta phải tiến hành xong trước năm 2020.

Mặc dù có những trở ngại nhưng chúng ta có quyết tâm để có đề án tăng cường trang bị ứng dụng, kể cả phần mềm, phần cứng, nhằm có thể xây dựng được tòa án điện tử trước năm 2020”.

Ông Trương Hòa Bình - Ảnh: H.Điệp
Ông Trương Hòa Bình - Ảnh: H.Điệp

Ông Trương Hòa Bình cũng dẫn chiếu các điều khoản được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đều quy định về việc tòa án tiếp nhận đơn trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử. “Khi luật đã quy định rồi thì chúng ta phải thực hiện” - ông Bình nói.

Các cấp tòa phải đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, áp dụng tòa án liên thông, phục vụ công lý để tạo điều kiện cho dân tới tòa được tiếp cận tốt nhất đến công lý.

Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hành chính tư pháp để người dân tiếp cận thông tin và người dân vào website để biết rõ thông tin vụ việc đã được giải quyết đến đâu, cán bộ nào giải quyết, thời gian đến đâu... Việc xây dựng các đề án, các trang thiết bị để phục vụ việc xét xử trực tuyến cũng phải được triển khai.

“Ví dụ như tòa cấp cao xử phúc thẩm thì người dân ở tỉnh xa có thể tham gia phiên tòa qua màn hình trực tuyến, để người dân bớt phải đi lại, di chuyển từ các tỉnh về tòa tham dự trực tiếp, tiết kiệm tiền bạc, thời gian và công sức cho người dân” - ông Trương Hòa Bình nói.

Sắp có tòa gia đình và người chưa thành niên

Ông Chu Thành Quang - Ảnh: T.L.
Ông Chu Thành Quang - Ảnh: T.L.

Từ ngày 3-4, TAND TP.HCM ra mắt tòa gia đình và người chưa thành niên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Thành Quang, quyền vụ trưởng Vụ pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao, cho biết:

- Các vụ án liên quan đến trẻ em và hôn nhân gia đình đều có tính đặc thù. Đối với các đối tượng trẻ em, không phải cứ bỏ tù, cứ trừng phạt là tốt, mà cần có các biện pháp xử lý nhân văn hơn. Cách thức xử lý các vụ việc đối với người chưa thành niên cần có sự thay đổi và cần phải có những quy định riêng.

* Tòa gia đình và người chưa thành niên có gì khác so với các tòa chuyên trách khác, thưa ông?

- Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ có những đặc thù riêng, bởi không phải tòa án phán quyết là xong mà còn quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng con cái vẫn kéo dài sau đó.

Cách thức lấy lời khai của trẻ em trong những vụ án hôn nhân như thế nào cho đúng, đại diện của trẻ em là ai, không thể là bố hoặc mẹ được vì họ bị chi phối những lợi ích riêng nên đại diện cho con cũng không đảm bảo được ý chí, nguyện vọng của con...

Đó là vấn đề chúng tôi đang cân nhắc để thực hiện sao cho hiệu quả. Việc giải quyết những vụ án trẻ em vi phạm pháp luật cũng sẽ có cách tổ chức để không ảnh hưởng tâm lý của trẻ em.

Trong luật bây giờ có rất nhiều quy định, nhưng vẫn mang tính hình thức như người chưa thành niên vi phạm pháp luật thì mục đích chính là giáo dục để họ trở thành những người tốt cho xã hội.

Khi thành lập tòa gia đình và người chưa thành niên, các tòa án sẽ tính đến việc thực hiện quy định này như thế nào cho hiệu quả.

* Việc thành lập tòa chuyên trách cần có đội ngũ cán bộ chuyên trách được đào tạo riêng không, thưa ông?

- Chuẩn bị tòa chuyên trách cần chuẩn bị rất nhiều như vấn đề nhân lực, vật lực. Thẩm phán giải quyết những vụ việc gia đình phải có kiến thức về gia đình, có kiến thức về người chưa thành niên, phải được đào tạo kỹ năng bởi quan hệ gia đình có những yếu tố đặc thù.

Với trẻ chưa thành niên thì phải tìm hiểu tâm sinh lý, ví dụ thẩm phán không thể đặt những câu hỏi mang tính chất buộc tội. Lâu nay học viện tòa án đào tạo vấn đề này và bây giờ vẫn tiếp tục đào tạo.

Bên cạnh đó sẽ có những phòng đặc biệt, phòng xử án thân thiện, phòng hỗ trợ tâm lý và hòa giải, phòng tư vấn về gia đình, phòng trông trẻ...

TÂM LỤA thực hiện

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên