10/05/2019 20:53 GMT+7

Sẽ xem xét kiến nghị của chủ đầu tư các trường ngoài công lập

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Dự kiến ngày 11-5, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ gặp đại diện 24 trường phổ thông ngoài công lập về nội dung bản kiến nghị tập thể liên quan tới dự án Luật giáo dục sửa đổi.

Sẽ xem xét kiến nghị của chủ đầu tư các trường ngoài công lập - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, chủ tịch hội đồng quản trị trường Marie Curie Hà Nội, bày tỏ ý kiến tại hội thảo của các nhà đầu tư về dự án luật giáo dục sửa đổi- Ảng: T.L.

Trước đó, đại diện chủ đầu tư của một số trường tư thục tại Hà Nội, Hải Phòng gửi kiến nghị không đồng tình với việc sửa Luật giáo dục liên quan tới quyền sở hữu và điều hành nhà trường.

Bản kiến nghị ký ngày 8-5, được gửi cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Trong đó đề cập đến dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, quy định về Hội đồng trường và quyền sở hữu.

Các nhà đầu tư ký vào bản kiến nghị tập thể là đại diện Trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội), Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu, Trường THCS & THPT Lomonoxop, Trường THPT Bình Minh, Trường THPT Marie Curie (Hải Phòng).

Theo đó, trong dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, hội đồng trường của trường tư thục bao gồm đại diện các nhà đầu tư có vốn góp và rất nhiều thành viên không có vốn góp trong và ngoài trường.

Đại diện các nhà đầu tư nêu trong kiến nghị, bày tỏ quan điểm cho rằng một hội đồng như thế không thể đại diện cho quyền sở hữu trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục thay cho Hội đồng quản trị theo điều 53 Luật giáo dục hiện hành.

Điều 53 Luật giáo dục hiện hành quy định "Hội đồng trường đối với trường công lập, hội đồng quản trị đối với trường dân lập, trường tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường...".

Theo ông Nguyễn Xuân Khang - chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) thì ngoài quy định trong Luật giáo dục hiện hành, thông tư 13/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục, cũng quy định rõ và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, là cơ sở để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách và biên chế cho nhà nước, giảm sĩ số trường công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân bởi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ.

Bản kiến nghị thể hiện mong muốn các quy định trên được thừa kế, bổ sung trong Luật giáo dục sửa đổi để bảo vệ quyền điều hành hợp pháp của nhà đầu tư đối với trường tư thục, để giáo dục tư thục phát triển lành mạnh.

Tương tự, về quy định liên quan tới quyền sở hữu trường tư thục, theo các nhà đầu tư điều 67, về Quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn trong Luật Giáo dục hiện hành quy định rõ "Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. 

Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường".

Nhưng ở dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, "quyền sở hữu" lại được đưa vào điều 100, quy định "Tài sản của trường dân lập, tư thục thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường" và "Các nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định". Trong khi "Pháp nhân nhà trường", "nhà trường" là ai thì dự thảo Luật giáo dục không giải thích.

Điều này khiến các trường tư thục, các nhà đầu tư vô cùng lo lắng băn khoăn về những rủi ro đối với khối tài sản, tâm huyết, sức lực, trí tuệ đã đầu tư vào trường tư thục và xây dựng nên những thương hiệu có chỗ đứng trong xã hội.

Các nhà đầu tư ký vào bản kiến nghị cho rằng trường tư thục, nhà đầu tư thực sự thay vai trò của Nhà nước đầu tư tài chính, tài sản đảm bảo điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu trường. Pháp luật của Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu chính đáng của các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giáo dục... Năm thành phần kinh tế được bình đẳng trước pháp luật. Điều hiển nhiên, chủ sở hữu có quyền điều hành doanh nghiệp, trường học, bệnh viện...

Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư không đồng ý với nội dung sửa đổi tại điều 56, 100 trong dự án Luật giáo dục sửa đổi.

Trường ngoài công lập Hà Nội có hai phương án tuyển sinh lớp 10 Trường ngoài công lập Hà Nội có hai phương án tuyển sinh lớp 10

TTO - Theo quy định mới của Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ tuyển sinh năm nay các trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập có hai phương án tuyển sinh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên