28/08/2013 08:37 GMT+7

Sẽ mạnh tay với mũ bảo hiểm dỏm

LÊ SƠN
LÊ SƠN

TT - Trả lời Tuổi Trẻ về hiện tượng các đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng nhưng vẫn sử dụng tem hợp quy (Tuổi Trẻ ngày 24-8), ông Nguyễn Hoàng Linh - phó vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - khẳng định những cơ sở vi phạm nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt nặng.

Công ty đổi mũ bảo hiểm đổi... mũ kém chất lượngMũ bảo hiểm dỏm tái xuấtTem "ma" lừa người mua mũ bảo hiểm

2FZMGpCS.jpgPhóng to
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra phát hiện hàng ngàn mũ bảo hiểm dỏm tại một cơ sở kinh doanh ở Q.Bình Tân (TP.HCM)- Ảnh: Lê Sơn

Ông Linh nói: “Thời gian vừa qua, một số cơ sở sản xuất vi phạm đã bị tước hoặc đình chỉ việc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy. Đối với đơn vị chứng nhận có dấu hiệu làm không đúng chức năng nhiệm vụ, tổng cục đang điều tra, xác minh để có hướng xử lý”.

* Việc tổ chức chứng nhận hợp quy đối với MBH thời gian qua tồn tại rất nhiều vấn đề, cơ quan quản lý có nắm được hiện tượng này không, thưa ông?

- Đúng là hoạt động chứng nhận hợp quy đang tồn tại một số vấn đề. Một là tổ chức chứng nhận hợp quy MBH thực hiện chứng nhận không nghiêm túc, không tuân thủ chặt chẽ các quy định hướng dẫn về việc chứng nhận hợp quy nhưng vẫn tiến hành chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp sản xuất MBH. Hai là, các cơ sở cố tình sản xuất các MBH không phù hợp quy chuẩn (MBH kém chất lượng), mặc dù được chứng nhận hợp quy. Nói cách khác, các cơ sở này có thể làm được cả MBH hợp quy và MBH kém chất lượng. Khi chứng nhận thì làm MBH hợp quy nhưng sau đó lại sản xuất các loại MBH kém chất lượng để giảm giá thành, cạnh tranh không lành mạnh.

* Vậy các cơ quan chức năng sẽ làm gì để đưa hoạt động này vào khuôn khổ, đảm bảo người dân không mua nhầm mũ dỏm?

- Tổng cục hiện kiểm tra hoạt động chứng nhận hợp quy MBH của năm tổ chức chứng nhận được chỉ định. Nếu phát hiện có sai phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý thích hợp và công bố công khai trong thời gian tới. Ngoài ra, tổng cục cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức chứng nhận phải tăng cường công tác giám sát sau chứng nhận (theo quy định tần suất giám sát là sáu tháng/lần) và phải thực hiện lấy mẫu MBH trên thị trường để thử nghiệm nhằm đánh giá tính ổn định về chất lượng của MBH.

Nếu chất lượng không đạt, sẽ xem xét đình chỉ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy đã cấp. Nếu doanh nghiệp không khắc phục, sẽ xem xét hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy đã cấp. Tính đến nay đã có bốn giấy chứng nhận hợp quy MBH bị đình chỉ và 11 giấy chứng nhận hợp quy bị hủy bỏ sau khi chúng tôi đánh giá kiểm tra, kiểm soát.

* Quan điểm của ông về đề xuất đưa MBH vào ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện?

- Theo tôi, việc đưa MBH vào danh mục kinh doanh có điều kiện là một giải pháp hữu hiệu nhằm đưa thị trường sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh doanh, phân phối MBH đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bởi qua kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất MBH, chúng tôi nhận thấy đa số các doanh nghiệp sản xuất là cơ sở lắp ráp MBH, không có đầy đủ trang thiết bị sản xuất, kiểm tra, thử nghiệm chất lượng MBH (số lượng doanh nghiệp có đầy đủ trang thiết bị sản xuất MBH như máy ép khuôn đúc vỏ mũ, máy ép mút xốp, dây chuyền sơn, lắp ráp là không nhiều).

Đề xuất phạt người đội mũ giả mạo

Ngày 27-8, tại hội thảo “MBH an toàn cho người tiêu dùng”, nhiều ý kiến tiếp tục tranh cãi quanh câu chuyện quản lý chất lượng MBH, xử phạt người tiêu dùng đội mũ không phải MBH...

Phát biểu tại hội thảo, ông Khương Kim Tạo - phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết cần làm rõ việc xử phạt hay không xử phạt người tiêu dùng đội MBH dỏm. Theo ông Tạo, trong dự thảo nghị định 71 sửa đổi (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt), ủy ban này cũng đề xuất nên xử phạt người tiêu dùng sử dụng mũ không phải MBH dành cho người đi môtô, xe máy (mũ thời trang, mũ nhựa, mũ bảo hộ lao động), chủ yếu dùng để đối phó cảnh sát giao thông. “Nếu không xử phạt thì không dẹp được, vì luật pháp không thể cấm sản xuất loại mũ này nếu họ có đầy đủ giấy phép sản xuất” - ông Tạo nói.

Ông Ngô Bách Phong, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cũng khẳng định việc đội mũ không phải MBH khi đi xe máy là vi phạm và cần phải xử phạt nhằm nâng cao ý thức chấp hành giao thông. Tuy nhiên, để tình hình kinh doanh MBH đi vào nề nếp cần tiếp tục công tác tuyên truyền mạnh mẽ hơn giúp người tiêu dùng ý thức, phân biệt rõ ràng để tránh nhầm lẫn cũng như cương quyết từ bỏ sản phẩm không an toàn khi sử dụng.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vừa qua đơn vị phối hợp với Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương, thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ lấy mẫu hàng loạt sản phẩm MBH hợp quy chuẩn lưu hành trên thị trường. Kết quả cho thấy chỉ có khoảng 1/3 số mẫu mũ đạt chất lượng như công bố. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng MBH hợp quy chuẩn nhưng vẫn kém chất lượng là trách nhiệm của các đơn vị kiểm tra kiểm soát từ các khâu chứng nhận hợp quy, kiểm tra thị trường... của cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Hữu Quang, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cho biết nhiều doanh nghiệp hiện sản xuất MBH không đúng theo chất lượng công bố trước đó. Ngoài ra, các cơ sở được cấp giấy chứng nhận hợp quy vẫn sản xuất hàng kém chất lượng. Cơ sở chỉ được chứng nhận một mẫu nhưng làm nhiều mẫu không đạt chất lượng rồi dán tem đưa ra thị trường. Lượng mũ tạm giữ, tịch thu khoảng 60.000 mũ, phạt vi phạm hành chính gần 1 tỉ đồng. Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến lên tiếng ủng hộ việc sản xuất kinh doanh MBH thành ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên