![]() |
Giá đất thiếu minh bạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện. Tháng 8-2012, người dân thôn Khả Do, xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phú từng dựng lều chặn đường vào thi công công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: MINH QUANG |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: “Sẽ tập hợp những vướng mắc, tồn tại để sửa chữa và hoàn chỉnh, đồng thời bổ sung những vấn đề mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới”. Theo ông Hiển, trước đây thu hồi đất theo dự án dẫn đến xin cho. Dự thảo luật lần này quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch. Sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào các mục đích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án. Tóm lại, Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch và tổ chức đấu giá thì bớt được chuyện xin cho, tiêu cực.
Nhiều tranh cãi trong xác định giá đất
"Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) không đáp ứng được đòi hỏi sửa luật một cách toàn diện. Do tầm quan trọng của luật, tôi đề nghị Quốc hội lập ra và trực tiếp chỉ đạo một ban soạn thảo khác gồm các chuyên gia giỏi cả nước trong lĩnh vực đất đai, được tập trung làm việc trong sáu tháng để soạn thảo một dự thảo mới kịp thời đưa ra cho người dân góp ý kiến rộng rãi" |
Nhiều đại biểu đã dẫn lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần làm rõ nguyên tắc định giá đất, tránh tù mù ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Ông Vũ Xuân Tiền (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM) đề xuất nên thay thế cơ chế thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất, từ đó không sử dụng giá đất do Nhà nước quy định để thanh toán tiền trưng mua quyền sử dụng đất. Giá trưng mua áp dụng theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Cụ thể, việc trưng mua phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và do ngân sách nhà nước chi trả tiền trưng mua, cơ quan có thẩm quyền trưng mua thành lập hội đồng định giá theo quy định pháp luật. Còn việc trưng mua phục vụ mục đích phát triển kinh tế có thể sử dụng dịch vụ thẩm định giá độc lập.
Ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, đề nghị đối với giá bồi thường đất thì không nên quy định nguyên tắc phù hợp với giá thị trường, thay vào đó là nguyên tắc “giá công bằng”, tức giá có thể giúp tạo được tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự và cộng thêm một khoản lợi ích do dự án phát triển đất đem lại. “Không nên xem người có đất bị thu hồi là người bị thiệt hại, phải xem họ là những người góp đất vào sự phát triển chung. Ngoài phần tiền được bồi thường còn phải được hưởng lợi từ sự phát triển, như vậy mới công bằng với người bỏ vốn cho phát triển” - ông Liêm nói.
Vẫn khó minh bạch trong lĩnh vực đất đai
Trả lời câu hỏi có nên nâng hạn mức giao đất, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: “Bây giờ còn đất đâu nữa mà giao. Vấn đề hiện nay là hạn mức chuyển nhượng, liệu tối đa là 30ha có phù hợp không?”. Theo ông Hiển, đối với hộ gia đình, cá nhân thì mức 30ha là phù hợp. Nếu muốn mở rộng hơn nữa thì lập công ty có thể làm đến 50ha, 100ha. Đặc biệt, việc chuyển nhượng đất đai thế nào cũng phải tính toán cho phù hợp để nông dân vẫn có đất sản xuất, tránh đầu cơ.
“Nên khuyến khích người dân cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đó mới là hướng bền vững, vì nếu cứ thu hồi rồi đền bù thì người dân được một số tiền nhưng hết tiền rồi sẽ thế nào. Chúng ta đã có một số mô hình người dân góp đất vào với nhà đầu tư như trồng cao su ở Sơn La, nông trường nuôi bò sữa ở Nghệ An...” - ông Hiển nói.
Đề cập vấn đề công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai, ông Hiển cho biết dự thảo luật đã đề ra việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm tạo điều kiện về tiếp cận thông tin cho người dân. Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Tiền cho rằng nếu như Luật đất đai hiện hành có khoảng 600 văn bản hướng dẫn thì dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có ít nhất 69 vấn đề được chuyển cho văn bản dưới luật với các cụm từ “theo quy định của Chính phủ”, “Chính phủ quy định chi tiết”, “Bộ TN&MT hướng dẫn”... “Như vậy là quá nhiều, trong khi để có minh bạch thì nên hạn chế tình trạng chuyển quá nhiều vấn đề cho văn bản dưới luật quy định” - ông Tiền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận