07/05/2011 06:46 GMT+7

"Sẽ không có lạm phát phi mã"

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - “Chúng tôi có mối lo ngại đặc biệt là về giá lương thực và giá dầu tăng cao, góp phần làm tăng áp lực về lạm phát và sẽ có tác động nhất định đối với người dân, đặc biệt là người nghèo ở khu vực".

"Tuy nhiên, sẽ không có tình trạng lạm phát phi mã”.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda nói tại buổi họp báo kết thúc hội nghị thường niên lần 44 của ADB tại Hà Nội chiều 6-5.

anvPqnAk.jpgPhóng to
Mua hàng ở siêu thị Big C - Ảnh: T.T.D.

Ông Kuroda cho rằng sự linh hoạt trong tỉ giá hối đoái có thể là một cách để kiểm soát áp lực lạm phát bắt nguồn từ bên ngoài nền kinh tế. Việc giảm sự tăng giá tiêu dùng toàn cầu cũng là một trong những công cụ có thể áp dụng ở một số quốc gia có vấn đề tăng giá tiêu dùng quá cao.

Theo ông, với nguy cơ lạm phát hai con số tại VN, Chính phủ VN đã có gói chính sách riêng của mình. Ông nói: “Chính sách hiện nay của VN nếu thực hiện tốt sẽ kiểm soát được lạm phát”.

Hội đồng thống đốc ADB cũng thảo luận về tăng trưởng cân bằng - vấn đề về trung hạn mà khu vực phải đối mặt. Đó là khu vực cần tiếp tục đưa ra các biện pháp tái cân bằng tăng trưởng để bảo vệ những nhóm người bị tổn thương hơn.

Ông Kuroda cho biết ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giáo dục, tài chính, môi trường, hội nhập khu vực.

Hội đồng thống đốc là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của ADB và hội nghị thường niên là những dịp ấn định để các thống đốc có thể đưa ra ý kiến chỉ đạo cho những ưu tiên về hành chính, tài chính và hoạt động của ADB.

Trong phiên thảo luận “Bảo vệ các nước chưa phát triển - con đường của khu vực tư nhân”, các chuyên gia nhận định bảo hiểm vi mô là một công cụ then chốt giúp người nghèo vượt qua những khó khăn không lường trước.

Rất nhiều người thuộc nhóm nghèo khổ nhất thế giới vẫn còn phải vật lộn với nghèo đói do bệnh tật đến bất ngờ, hoặc mất người thân trong gia đình, mất mùa hay thiên tai đã gây ra sự mất mát không lường được về thu nhập hoặc phải chi trả một khoản lớn.

Tuy nhiên, dịch vụ bảo hiểm vi mô vẫn chưa phổ biến ở phần lớn châu Á do các quy định pháp lý và giám sát không hỗ trợ các sản phẩm bảo hiểm hướng tới người nghèo, do đó không khuyến khích các công ty bảo hiểm tư nhân tham gia lĩnh vực này.

Thu nhập trung bình vẫn được vay ưu đãi?

Cùng ngày, trong phiên thảo luận về chủ đề “Châu Á thu nhập trung bình”, diễn giả Ravi Kanbur từ ĐH Cornell (Mỹ) có đề xuất các thể chế tài chính cần thay đổi tiêu chuẩn cho vay các khoản vay ưu đãi, bởi với tiêu chí hiện nay sẽ có rất nhiều nước “tốt nghiệp” chỉ tiêu nhận vay ưu đãi nhưng vẫn còn rất nhiều người nghèo. Chẳng hạn Ấn Độ không còn là đối tượng của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA - dành cho nước có thu nhập thấp các khoản vay ưu đãi) nhưng vẫn còn 400 triệu người nghèo.

Ý tưởng này không được người đoạt giải Nobel kinh tế Robert Mundell hoan nghênh. Ông nói: “Thật kinh khủng khi tưởng tượng các thể chế tài chính quốc tế cho những nước đầy rẫy triệu phú, chẳng hạn như một số nước vùng Vịnh, tiếp cận vốn vay ưu đãi”.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên