04/11/2015 05:11 GMT+7

Sẽ hết cảnh “gà nhà bôi mặt đá nhau”?

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Thật khó nói là giá của bản quyền truyền hình bóng đá Anh tại VN bao nhiêu là đúng, khi chưa có nghiên cứu đầy đủ nào được công bố về thị trường này...

Chuyện mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh là vấn đề mà Tuổi Trẻ đã đeo đuổi từ nhiều năm nay, mới nhất là lời cảnh báo về việc gói bản quyền bóng đá Anh ba mùa từ 2016 đến 2019 có khả năng không dưới 50 triệu USD (Tuổi Trẻ 25-10-2015). 

Theo đó, chiều qua (3-11), trong khoảng thời gian hai giờ (giờ VN) là thời hạn mà phía Anh đặt ra cho tất cả đơn vị trên toàn thế giới nộp hồ sơ đấu thầu.

Và thật đáng mừng khi ngay trong hôm qua, Bộ TT&TT cho biết đã có văn bản gửi đến các đài, các đơn vị truyền hình trả tiền, nhằm thể hiện quan điểm của bộ là không chấp nhận độc quyền; không chấp nhận tình trạng các đơn vị trong nước “đấu” với nhau, giúp các công ty nước ngoài hưởng lợi.

Trong những năm đeo đuổi vấn đề này, chúng tôi cũng có nhận được một số lời phản biện khi cho rằng hãy để mọi việc tuân theo quy luật của thị trường.

Nghĩa là giá đúng sẽ là giá mà các đơn vị kinh doanh truyền hình bóng đá Anh đảm bảo họ không lỗ và người tiêu dùng cảm thấy không quá sức chịu đựng! Hay có người còn lập luận: Thái Lan, Singapore còn bỏ ra cả trăm triệu USD mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh, vì vậy cái giá mà VN phải trả vẫn còn thấp lắm...

Thật ra khó nói là giá của bản quyền truyền hình bóng đá Anh tại VN bao nhiêu là đúng, khi chưa có nghiên cứu đầy đủ nào được công bố về thị trường này.

Ví dụ, có biết được bao nhiêu phần trăm người dân xem bóng đá Anh? Không thể so sánh một cách cơ học là dân số Singapore, Thái Lan ít hơn VN, vậy mà họ mua với giá 100 triệu USD, từ đó suy ra ta mua rẻ...

Trong khi chưa thấy được một nghiên cứu thị trường nào thật sự khoa học thì có một số biểu hiện bất thường được thấy rất rõ, đó là các nhà đài, đơn vị truyền hình trả tiền ở VN như những con rối trong tay các công ty quốc tế trong lĩnh vực này.

Ví dụ, chính một số người tham gia đàm phán với các công ty nước ngoài kể rằng: Họ cử người đến tận Hà Nội, sắp xếp giờ tiếp xúc với từng đơn vị của VN tại khách sạn Metropole và rất khôn khéo để các vị chủ nhà chạm mặt nhau ở sảnh. Nghĩa là cứ đài A vừa bước ra thì thấy đài B bước vào, và thế là phe ta hoảng lên, chấp nhận mua với giá cao!

Nhưng cũng có sự lo lắng là văn bản chỉ đạo của Bộ TT&TT đưa ra quá chậm, khi mà ngày 3-11 đã kết thúc thời hạn nộp hồ sơ qua Anh để đấu giá bản quyền ba mùa từ 2016 đến 2019. Như vậy, liệu văn bản của bộ có “ép phê” gì hay không?

Xin hãy an tâm rằng hạn nộp hồ sơ đấu thầu hôm qua chỉ có ý nghĩa với các công ty nước ngoài chuyên kinh doanh bản quyền truyền hình bóng đá Anh.

Như chúng ta thấy, gói ba mùa 2007 - 2010 công ty mua trực tiếp bản quyền trên lãnh thổ VN là ESPN rồi bán lại cho VTC. Đến ba mùa sau (2010 - 2013), Công ty MP & Silva qua mặt ESPN để giành lấy bản quyền trên lãnh thổ VN rồi bán lại cho K+.

Tiếp đến, Công ty IMG lại qua mặt tất cả để mua được gói bản quyền trên lãnh thổ VN ba mùa 2013 - 2016. Lúc này gặp sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nên K+ không mua lại trực tiếp của IMG mà để “mẹ” là Canal Plus (Pháp) - đối tác của VTV để “sinh” ra K+ - mua bản quyền từ IMG và chuyển lại cho “con”!

Liệt kê lại diễn biến đó để khẳng định một điều: các nhà đài, đơn vị truyền hình trả tiền của VN không đủ sức đấu trí với các công ty nước ngoài nhằm tranh mua từ gốc, mà toàn phải mua lại.

Vì vậy, văn bản chỉ đạo của Bộ TT&TT vẫn còn kịp để tổ chức lực lượng, đoàn kết lại nhằm chống việc bị các công ty nước ngoài chuyên kinh doanh bản quyền truyền hình “dắt mũi”, đẩy các nhà đài, đơn vị truyền hình trả tiền rơi vào cảnh “gà nhà bôi mặt đá nhau”.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên