Theo đó, sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) với tỉ lệ sở hữu là 45,1%, Tổng công ty CP Bảo Minh (50,7%), Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia (40,4%), Công ty CP nhựa Thiếu niên tiền phong (37,1%), Công ty CP nhựa Bình Minh (38,4%), Công ty CP Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (47,6%), Công ty CP FPT (6%), Công ty CP viễn thông FPT (50,2%), Công ty CP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (46,6%), Công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%).
Tính theo giá thị trường, tổng số vốn nhà nước có thể thu về sau khi thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nói trên là khoảng 3 tỉ USD.
Trong đó phần vốn nhà nước tại Vinamilk hiện có giá trị khoảng 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên, văn bản nêu rõ SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp nêu trên nhằm đạt được lợi ích cao nhất.
Cũng theo quyết định này, SCIC tiếp tục được nắm giữ vốn dài hạn tại các doanh nghiệp sau: Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC, Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến đá An Giang, Công ty CP cảng Vũng Áng Việt Lào, Công ty CP đầu tư Bảo Việt - SCIC, Tập đoàn Bảo Việt, Công ty TNHH hai thành viên đầu tư thương mại Tràng Tiền, Công ty CP Traphaco, Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính - nhận định để thoái vốn hiệu quả, số vốn trên cần được bán thỏa thuận cho các nhà đầu tư chiến lược.
Khi đó, Nhà nước sẽ thu được vốn lớn đồng thời doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long - chuyên gia tài chính - khuyến cáo SCIC cần xem xét thời điểm thoái vốn sao cho bảo toàn vốn nhà nước chứ không phải thoái vốn bằng mọi giá.
Với hàng tốt như Vinamilk chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào. Song để doanh nghiệp thật sự hiệu quả, kinh doanh có lợi nhuận cần tìm nhà đầu tư vào kinh doanh lâu dài chứ không phải là các nhà đầu cơ, bán khi thấy có lãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận