30/04/2022 09:39 GMT+7

Say mê với bể nuôi sinh vật biển xuyên núi Cảnh Long

LÊ NA
LÊ NA

TTO - Khu trưng bày tài nguyên biển của Viện Hải dương học, TP Nha Trang (Khánh Hòa) thu hút đông khách chơi lễ, khi đưa vào hoạt động các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn trong đường hầm xuyên núi Cảnh Long

Say mê với bể nuôi sinh vật biển xuyên núi Cảnh Long - Ảnh 1.

Du khách thích thú với hệ sinh vật biển dưới đường hầm - Ảnh: LÊ NA

Sáng 30-4, Bảo tàng Hải dương học cho biết vừa đưa vào hoạt động thử nghiệm tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn thuộc khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. 

Trong đó có hồ vòm thủy cung với chiều dài 25m, đã thu hút đông đảo du khách chơi lễ đến thưởng ngoạn.

Với chủ đề "Sức sống đại dương", tổ hợp các hồ nuôi cỡ lớn, gồm: hồ trụ acrylic, hồ cá rạn san hô, hồ mô phỏng rạn san hô vòng, hồ san hô mềm,... 

Đặc biệt nhất là hồ vòm thủy cung có kích thước lớn, được trang bị công nghệ hiện đại thể hiện sự phong phú, đa dạng và vẻ đẹp thế giới sinh vật biển của các hệ sinh thái đáy đặc trưng cho biển đảo Việt Nam.

Anh Anh Kỳ đến từ phường Ngọc Hiệp (TP Nha Trang) cho biết mặc dù đã đến Viện Hải dương học nhiều lần, nhưng lần này rất thích thú với khu tham quan mới mở. 

"Ấn tượng nhất là đoạn đường hầm được thiết kế dạng bể kính vòm nuôi cá mập, đem lại cảm giác rất thích thú và sợ hãi khi thấy những con cá mập thực tế ở cự ly gần. Chắc chắn tôi sẽ kể lại với bạn bề, để mọi người đến thử cảm giác này" - anh Kỳ nói.

Vốn là người dân vùng biển Quảng Ngãi nhưng chị Cẩm Vy vẫn không khỏi trầm trồ khi tận mắt chiêm ngưỡng những loài sinh vật biển đa dạng và nhiều sắc màu tại đây. 

"Chuyến tham quan hôm nay rất thú vị và bổ ích, vô số sinh vật biển, mô hình mô phỏng rạn san hô được trưng bày. Đường hầm mới mở đem lại cảm giác như đang đi bộ dưới biển, chụp hình check-in cũng rất đẹp" - chị Cẩm Vy chia sẻ.

Say mê với bể nuôi sinh vật biển xuyên núi Cảnh Long - Ảnh 2.

Cá mập kích thước lớn tại hồ vòm thủy cung - Ảnh: LÊ NA

Say mê với bể nuôi sinh vật biển xuyên núi Cảnh Long - Ảnh 3.

Đàn cá khế vằn trong bể rạn san hô dạng vòng Atoll - Ảnh: LÊ NA

Theo ông Trương Sĩ Hải Trình - trưởng phòng truyền thông và giáo dục môi trường - Viện Hải dương học, tiền thân nơi này là đường hầm xuyên qua núi Cảnh Long (khu vực dinh Bảo Đại) có chiều dài 120m, chiều rộng 8-12m và độ cao 5m, do người Pháp xây dựng vào những năm 1930, để vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Nha Trang sang núi Cảnh Long.

"Từ năm 2010, đường hầm được cải tạo, đến dịp này mới đưa vào sử dụng với mục đích trưng bày giới thiệu những ứng dụng khoa học công nghệ nuôi sinh vật biển của viện cũng như sự phong phú về tài nguyên biển ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Trình thông tin.

Theo các hướng dẫn viên du lịch, tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển xuyên núi Cảnh Long là một điểm đến hấp dẫn cho du khách chơi lễ 30-4 và 1-5.

Say mê với bể nuôi sinh vật biển xuyên núi Cảnh Long - Ảnh 4.

Điểm tham quan thu hút nhiều gia đình có trẻ nhỏ - Ảnh: LÊ NA

Say mê với bể nuôi sinh vật biển xuyên núi Cảnh Long - Ảnh 5.

Bóng dáng những con cá mập mang lại cho du khách cảm giác vừa thích thú vừa hồi hộp - Ảnh: LÊ NA

Tôm hùm xanh ngọc bích cực hiếm xuất hiện tại Bảo tàng Hải dương học Tôm hùm xanh ngọc bích cực hiếm xuất hiện tại Bảo tàng Hải dương học

TTO - Bảo tàng Hải dương học - Viện Hải dương học (TP Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết vừa tiếp nhận một con tôm hùm có màu xanh ngọc bích do một công ty hải sản từ TP.HCM gửi tặng. Hiện tôm đang được trưng bày thu hút nhiều du khách đến xem.


LÊ NA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên