Nội các Saudi Arabia vừa thông qua kế hoạch Tầm nhìn kinh tế 2030 cho giai đoạn hậu kỷ nguyên dầu mỏ với trọng tâm tập trung vào các cải cách kinh doanh và đầu tư.
Một phần của kế hoạch này là việc tư nhân hóa các khối tài sản trị giá khoảng 400 tỷ USD với mục đích thu hút sự tham gia của các công ty nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tạo thêm hàng triệu việc làm.
Tầm nhìn kinh tế 2030 cũng sẽ giúp tiết kiệm 300 tỷ USD trong 4 năm sau đó và doanh thu từ các hoạt động phi dầu mỏ dự kiến sẽ tăng gấp 6 lần từ 43,5 tỷ USD lên 267 tỷ USD.
Saudi Arabia cũng đề ra mục tiêu tăng đóng góp của lĩnh vực tư nhân vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 40% lên 60% vào năm 2030. Tỉ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động sẽ tăng từ 22% lên 30% và giảm tỉ lệ thất nghiệp từ 11,6% xuống 7%.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm người đứng đầu Hội đồng Kinh tế, ông Mohammed bin Salman Al Saudi, cho biết kế hoạch trên không đề ra biện pháp giải quyết tình trạng giá dầu lao dốc trên thị trường quốc tế bởi điều này đã được lường trước từ lâu. Ông bày tỏ tin tưởng đến năm 2020, Saudi Arabia có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ.
Về quỹ đầu tư, Bộ trưởng Salman Al Saudi dự đoán Saudi Arabia sẽ kiểm soát 10% các khoản đầu tư năng lượng của thế giới, đồng thời nhấn mạnh quốc gia này sẽ dựa vào những thế mạnh riêng để đạt được các mục tiêu được nêu trong Tầm nhìn.
Ngoài ra, để thúc đẩy đầu tư, Saudi Arabia sẽ triển khai dự án thẻ xanh trong vòng 5 năm tới nhằm tạo điều kiện cho những người Arab và Hồi giáo được sống và làm việc dài hạn tại quốc gia vùng Vịnh này. Trước đó, Riyadh đã thông báo thành lập quỹ đầu tư trị giá 2.700 tỷ USD dành cho các hoạt động trong và ngoài nước.
Kế hoạch trên được công bố trong bối cảnh Saudi Arabia đang nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua việc thu hút các khoản đầu tư, triển khai các cải cách kinh tế cần thiết và các dự án kinh doanh sinh lời. Theo thống kê, dầu mỏ chiếm hơn 80% ngân sách của các nước thuộc nhóm Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đặc biệt ở Saudi Arabia với tỉ lệ lên đến hơn 9%. Với Tầm nhìn kinh tế 2030, Saudi Arabia đặt mục tiêu vươn từ vị trí là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới lên vị trí 15.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận