07/07/2015 09:47 GMT+7

Sau nói “không”, Hi Lạp sẽ về đâu?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TT - Với tỉ lệ 61,31% phiếu thuận so với 38,69% phiếu chống, người dân Hi Lạp đã chính thức khẳng định không chấp nhận các điều kiện của chủ nợ châu Âu.

Những người về hưu ngồi chờ rút tiền bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng quốc gia Hi Lạp tại thủ đô Athens ngày 6-7 - Ảnh: Reuters
Những người về hưu ngồi chờ rút tiền bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng quốc gia Hi Lạp tại thủ đô Athens ngày 6-7 - Ảnh: Reuters

Ngay sau khi kết quả được công bố, hàng ngàn người dân Hi Lạp đã đổ về quảng trường Syntagma ở trung tâm thủ đô Athens ăn mừng. Người dân đổ ra từ các bến tàu điện ngầm hò reo nhảy múa, thậm chí còn đốt cả cờ Liên minh châu Âu (EU).

Tuy thế, Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Yanis Varoufakis đã bất ngờ tuyên bố từ chức với lý do các chủ nợ không còn muốn thương thuyết thêm chút nào với ông nữa! Ông cho rằng quyết định của mình sẽ giúp Thủ tướng Alexis Tsipras dễ đạt được thỏa thuận hơn với các chủ nợ.

Đã khó càng thêm khó

Theo báo New York Times (NYT), mặc dù kết quả trưng cầu ý dân diễn ra đúng như mong muốn của Thủ tướng Tsipras nhưng Hi Lạp sẽ phải đối mặt với khả năng các chủ nợ “dứt áo ra đi”, bỏ mặc họ loay hoay đối diện với vỡ nợ, sụp đổ hệ thống tài chính, buộc phải rời khỏi Eurozone (khối sử dụng đồng euro), và tệ nhất là rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Sau năm năm thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng với tỉ lệ thất nghiệp vượt quá 20% và kinh tế sụt giảm tới 25%, với nhiều cử tri Hi Lạp, lá phiếu nói “Không” ít nhất cũng đem lại một hi vọng, một khả năng về thỏa thuận mới thay vì cứ phải cắn răng chấp nhận các điều kiện ràng buộc vốn không thể giúp Hi Lạp thiết lập lộ trình khôi phục kinh tế.

Tuy nhiên sau cuộc bỏ phiếu, ngày thứ hai (6-7) người dân Hi Lạp sẽ bớt vui đi một chút vì toàn bộ các ngân hàng của nước này sẽ lại đóng cửa và nhiều khả năng còn phải tiếp tục cắt giảm hạn mức rút tiền mặt tại các máy ATM.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Diego Iscaro của Tổ chức nghiên cứu kinh tế IHS Global Insight nhận định rằng có khả năng rất lớn là các ngân hàng Hi Lạp sẽ cạn tiền mặt trong những ngày sắp tới. Ông nói: “Chúng tôi ước tính các ngân hàng sẽ không mở lại vào ngày 7-7 và hạn mức rút tiền 60 euro/ngày hiện tại sẽ còn giảm tiếp”.

Mặc dù Thủ tướng Tsipras nói rằng ngay sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu, ông sẽ lập tức ngồi vào bàn đàm phán với các chủ nợ châu Âu, nhưng khả năng đạt được một thỏa thuận nào đó là rất xa vời.

Chuyên gia Iscaro bình luận: “Tôi tin rằng kết quả bầu cử vừa rồi sẽ không thể giúp nới lỏng những điều kiện của các chủ nợ với Hi Lạp. Đảng cầm quyền Syriza cũng sẽ không thể chấp nhận những thỏa thuận hiện hữu, vậy thì có nghĩa nguy cơ thất bại toàn bộ các cuộc đàm phán là rất lớn”.

Từ góc nhìn của chuyên gia này, hi vọng duy nhất về một thỏa thuận có thể đạt được sẽ phụ thuộc vào việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thuyết phục được các chính phủ trong eurozone chấp nhận cho Hi Lạp được trả nợ trong tương lai với điều kiện nước này đáp ứng một số tiêu chí cụ thể. Theo ông Iscaro, khả năng này là vô cùng khó nhưng có thể sẽ được các chủ nợ đồng thuận, vì đó là cách duy nhất để Hi Lạp không bị buộc phải rời eurozone.

Châu Âu họp khẩn

Một số lãnh đạo châu Âu nay bắt đầu bàn tính những giải pháp giảm thiểu nguy cơ tổn thất. Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp Tổng thống Pháp François Hollande ngày 6-7 để cùng đánh giá tình hình. Sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ triệu tập cuộc họp thượng đỉnh EU vào thứ ba (7-7).

Với một số quan chức châu Âu, cuộc bỏ phiếu ngày 5-7 được xem như dẫn tới “bước đường cùng” với Hi Lạp. Trên báo Tagesspiegel, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng rất khó hình dung được việc nối lại đàm phán vay nợ của Hi Lạp sẽ diễn ra như thế nào.

Ông nhận định gay gắt: “Ông Tsipras và chính phủ của ông đang đưa người dân Hi Lạp theo con đường sẽ phải rời bỏ (liên minh) một cách cay đắng và vô vọng”. Ông cũng nói họ đã “cố tình cắt đứt những cây cầu cuối cùng để Hi Lạp và châu Âu có thể xúc tiến những thỏa hiệp với nhau”.

IMF đã tuyên bố Hi Lạp vỡ nợ sau khi nước này không thể hoàn trả 1,5 tỉ euro đã vay vào ngày đáo hạn 30-6 vừa rồi. Và Hi Lạp vẫn còn một khoản nợ khác 3,5 tỉ euro sẽ phải thanh toán cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 7.

Vào thời điểm này, dễ thấy khả năng Hi Lạp có thể trả nợ đúng hạn cho ECB gần như không thể.

Đài Russia Today của Nga dẫn ý kiến của ông Lode Vanoost, cựu phó phát ngôn viên Quốc hội Bỉ, cho rằng trường hợp của Hi Lạp có thể sẽ kéo theo những tình huống tương tự tại các nền kinh tế cũng đang lao đao trong khối eurozone. Đó mới là viễn cảnh đáng sợ nhất.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm sâu

Theo Bloomberg, ngay sau phiên mở cửa ngày 6-7, thị trường chứng khoán Tokyo mất gần 340 điểm. Mức giảm tiếp tục sâu thêm trong phiên giao dịch đầu giờ chiều khi chỉ số Nikkei mất 482, điểm xuống còn 20.058 điểm (giảm 2,3%).

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 2,4% xuống còn 2.054 điểm, còn ở Hong Kong chỉ số Hang Seng giảm 4% còn 25.024 điểm.

Riêng thị trường chứng khoán Trung Quốc lại “đảo chiều” với chỉ số Shanghai Composite tăng gần 6% sau khi mở cửa, tuy nhiên đến phiên giao dịch chiều chỉ số này cũng chỉ tăng 1,2%.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên