14/07/2013 06:34 GMT+7

Sáu năm chờ đợi một lời xin lỗi đúng nghĩa

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Sau hơn sáu năm trời chịu đựng những bất công, cuối cùng bà Đường Tuệ, mẹ của cô bé 11 tuổi bị cưỡng hiếp, đã chính thức nhận được lời xin lỗi từ người đứng đầu lực lượng cảnh sát thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Thời Báo Hoàn Cầu cho biết hôm 2-7 tại tòa án, ông Tưởng Kiến Tương - cục trưởng Cục Cảnh sát thành phố Vĩnh Châu - đứng lên xin lỗi bà Đường Tuệ vì đã bắt bà này đi cải tạo lao động.

Ông Tưởng thừa nhận việc đưa bà Đường đi giáo dục lao động là “không phù hợp” do “cảnh sát đã không xem xét đầy đủ các yếu tố nhân đạo” đối với gia đình nạn nhân bị cưỡng hiếp. Trang Sina Weibo của Tòa án thành phố Vĩnh Châu cho biết tham dự phiên tòa hôm ấy có khoảng 200 người, trong đó có hơn 50 nhà báo.

Năm 2006, bé L.L., khi ấy mới 11 tuổi, bị bắt cóc, cưỡng hiếp tập thể, sau đó bị ép làm gái mại dâm. Tuy nhiên, khi bà Đường đến cơ quan công an yêu cầu giải cứu con, cơ quan này chẳng mấy đoái hoài. Mãi đến hai tháng sau, Công an thành phố Vĩnh Châu mới bắt đầu nhập cuộc. Trong vòng ba tháng trời ở trong động mại dâm, hơn 100 lần cô bé bị ép buộc tiếp khách và chịu đựng nhiều trận đánh đập dã man.

Từ đó, bà Đường Tuệ, 39 tuổi, bắt đầu một chặng đường đầy gian nan nhằm yêu cầu tòa án trừng phạt những kẻ đã gây ra bất hạnh cho con gái bà. Người phụ nữ bình dân chỉ mới học xong tiểu học bước vào cuộc đấu tranh gian khổ để đưa những kẻ thủ ác ra ánh sáng.

Theo Nhân Dân Nhật Báo, tháng 6-2012, hai thủ phạm bắt cóc con gái bà Đường bị kết án tử hình, bốn người khác bị tù chung thân và một người còn lại lãnh án 15 năm tù giam.

Bất bình với bản án trên, bà Đường kháng án yêu cầu tòa kết án tử hình bảy kẻ đã cưỡng hiếp bé L.L., truy cứu trách nhiệm các cảnh sát và gần cả trăm người đàn ông mua dâm. Đồng thời bà còn tố cáo hai kiểm sát viên cưỡng hiếp con gái mình.

Sau nhiều lần kháng án bất thành, 15 ngày liên tiếp bà Đường đến phân cục Linh Lăng thuộc Cục Cảnh sát thành phố Vĩnh Châu để yêu cầu trả lại công bằng cho con gái.

Bà Đường còn quỳ gối hàng giờ bên ngoài tòa cao cấp Hồ Nam và đi tới tận Bắc Kinh để gửi đơn tới lãnh đạo cấp cao.

Quy kết bà Đường đã “gây rối nghiêm trọng trật tự xã hội và tác động tiêu cực đối với xã hội”, ngày 2-8-2012 Ủy ban giáo dục lao động tỉnh Hồ Nam phạt bà 1 năm 6 tháng giáo dục lao động, một hình phạt không qua bất cứ quy trình xét xử nào.

Dưới làn sóng phản đối dữ dội của người dân và cư dân mạng, tám ngày sau đó (10-8-2012), Ủy ban giáo dục lao động tỉnh Hồ Nam bãi bỏ hình phạt đối với bà Đường với lý do “nhân đạo”, tuy nhiên cơ quan này vẫn không thừa nhận đây là hành vi phạm pháp.

AFP cho biết bà Đường tiếp tục đâm đơn kiện yêu cầu ủy ban này bồi thường 1.464 nhân dân tệ (239 USD) vì đã xâm phạm quyền tự do cá nhân, xin lỗi bằng văn bản và bồi thường thiệt hại tinh thần 1.000 nhân dân tệ.

Đến ngày 2-7-2013, bà chính thức nhận được lời xin lỗi từ cục trưởng Cục Cảnh sát thành phố Vĩnh Châu. Phiên tòa hôm ấy kết thúc mà không đưa ra bất kỳ phán quyết nào. Chủ tọa tuyên bố sẽ công bố phán quyết vào “một ngày khác”.

Theo bà Đường, đây chỉ là một lời xin lỗi “chiếu lệ” để xoa dịu dư luận. Sau bao nhiêu năm tháng ròng rã vác đơn đi kiện, người mẹ bất hạnh vẫn tiếp tục chờ đợi một lời xin lỗi đúng nghĩa từ chính quyền địa phương.

Dân Trung Quốc đòi xóa bỏ chế độ lao giáo

Giáo dục lao động, gọi tắt là “lao giáo”, là một chế độ do Trung Quốc tạo ra vào giữa những năm 1950. Khác với chế độ “cải tạo lao động”- được dùng cho các phạm nhân đã bị tòa kết án, “lao giáo” không phải là một hình phạt được quy định trong luật hình sự Trung Quốc.

“Lao giáo” là một biện pháp xử lý hành chính dựa trên các quy định của Ủy ban giáo dục lao động của Chính phủ Trung Quốc. Cơ quan công an có thể đưa nghi phạm vào các trại giáo dưỡng mà không thông qua bất cứ một quy trình xét xử nào. Việc hạn chế tự do cá nhân, cưỡng bức lao động, giáo dục tư tưởng đối với các nghi phạm có thể kéo dài đến 4 năm.

Sau làn sóng mạnh mẽ đòi xóa bỏ chế độ “lao giáo” của người dân và các chuyên gia luật học, Ủy ban các vấn đề pháp luật và chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét việc bãi bỏ “lao giáo”. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bất cứ một quy trình cụ thể nào.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên