Trong cơn bực bội, thầy ngồi lên lưng học trò với “ý tưởng”: em cản trở tôi khi đang dạy, vậy tôi cản trở em khi đang hít đất xem em có chịu được không. Kết quả: học trò bị trật tay, sưng và nhức. Đi bệnh viện chụp phim mới biết ngón tay giữa của bàn tay phải bị gãy, phải nẹp cố định một thời gian.
Đang trong giai đoạn căng thẳng học tập của năm cuối cấp, bàn tay phải lại bị băng bó, không chép bài được cùng bao nhiêu bất tiện trong sinh hoạt, học trò bức xúc tìm đến ban giám hiệu kiện cáo đòi “phải làm cho ra lẽ”, phải “cho ông thầy nghỉ dạy”.
Hiệu trưởng nhà trường ngay lập tức gặp gia đình để xin lỗi. Hội đồng kỷ luật được họp ngay vào sáng hôm sau. Người thầy dạy thể dục có hơn 20 năm đứng lớp bị kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường, phải trực tiếp xin lỗi học trò trước cả lớp, đồng thời lo chi phí bệnh viện cho trò. Nhưng chưa hết, những bạn học trong lớp đã gọi điện cho một số tờ báo với nội dung “thầy dùng “nhục hình” với trò”, “thầy bạo hành trò đến gãy tay”... Đó là điều mà ban giám hiệu nhà trường lo lắng nhất. Rồi học trò sẽ bàn tán, sẽ mổ xẻ câu chuyện đó ra sao trên thế giới mạng? Liệu người thầy sau khi đã hối lỗi có thể trở về những giờ dạy bình thường của mình, có thể vẫn tự tin khi đứng trước những học trò cấp III bướng bỉnh, bồng bột và dễ tự ái?
Chị K., mẹ cậu học trò gãy ngón tay, đã không đòi hỏi nhà trường phải xin lỗi hay bồi thường. Chị nói: “Tụi nhỏ đang tuổi mới lớn, mỗi khi nghe lời nói nặng của thầy thường dễ tự ái, coi rằng mình bị xúc phạm, để rồi có những bức xúc âm ỉ trong đầu. Thầy hay la mắng nặng lời, hay dùng hình phạt thì học trò có phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Tôi chỉ mong qua sự việc này, thầy giáo sẽ rút kinh nghiệm để thay đổi thái độ với học trò. Ai chẳng có lúc sai lầm, vấn đề là những thay đổi sau khi đã nhận ra sai lầm mà thôi”.
Thật may mắn khi người mẹ đã thẳng thắn nhìn nhận hai mặt của sự việc và không “bắt đền”, không làm tăng thêm áp lực cho các thầy cô giáo. Những bức xúc của trò cũng vơi đi ít nhiều khi gia đình không “đổ dầu vào lửa” và khi từ phía nhà trường đã có sự rút kinh nghiệm một cách sâu sắc.
Học trò thời nay độc lập và tự tin hơn trong trường học. Các em không ngại phản kháng để bảo vệ lý lẽ của mình. Có giáo viên đã thốt lên rằng: chưa bao giờ dạy học trò vất vả như hiện nay, nhất là những học trò đang tuổi lớn, các em tự trang bị những kỹ năng tích cực và cả tiêu cực từ những kênh thông tin đang nhiễu loạn. Người thầy càng vất vả khi phải giáo dục trò bằng kỷ luật hay hình phạt khi mà một bộ phận không nhỏ của xã hội chỉ chờ người thầy thực hiện câu “thương cho roi cho vọt” là nhao lên để mổ xẻ, phân tích, phê phán, chỉ trích...
Hơn bao giờ hết, sự sẻ chia, thông cảm với những người đứng trên “bục giảng thời hiện đại” càng cần thiết. Có vậy người thầy mới vững vàng để chuyển tải những giá trị giáo dục tốt đẹp của nhà trường đến lứa học trò thời nay đang bị những phương tiện thông tin đại chúng làm “lệch” cách nhìn, trong đó không hiếm em đã quen và chỉ muốn nghe những lời nói ngọt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận