Ủy viên phụ trách vấn đề di cư của Đức Joachim Stamp đã đề xuất chọn Rwanda làm quốc gia thứ ba để gửi người nhập cư bất hợp pháp đến, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đau đầu trước dòng người xin tị nạn vào khối này.
Ông Joachim cho biết động thái mới có thể là một phần trong kế hoạch dài hơi của EU nhằm sử dụng các trại tị nạn có sẵn ở Rwanda, địa điểm ban đầu được xây dựng để trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trong kế hoạch Rwanda nổi tiếng của cựu thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Tuy nhiên Thủ tướng Anh Keir Starmer đã hủy bỏ kế hoạch này sau khi Công đảng giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 7.
Theo đề xuất của ông Joachim, các thủ tục xin tị nạn của Rwanda sẽ được triển khai dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Ông Joachim nói thêm rằng hiện tại EU chưa tìm được quốc gia thứ ba nào chịu đứng ra tiếp nhận người nhập cư, ngoại trừ Rwanda.
Theo ông Joachim, kế hoạch mới sẽ nhắm vào nhóm người nhập cư từ biên giới phía đông châu Âu, với mục tiêu trục xuất khoảng 10.000 người/năm.
Giới chức Đức lưu ý rằng chính phủ cần sửa đổi một số quy định trong luật trục xuất của nước này nếu muốn thực thi kế hoạch đưa người nhập cư đến Rwanda.
Hiện tại luật Đức chỉ cho phép trục xuất người nhập cư đến một quốc gia khác ngoài quê hương của họ, nếu người nhập cư đó có liên hệ với quốc gia này, chẳng hạn như có người thân đang sinh sống ở đây, theo Đài DW (Đức).
Về phía Rwanda, báo Telegraph dẫn lời người phát ngôn của Chính phủ Rwanda khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với Đức hay bất kỳ quốc gia nào mong muốn tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề nhập cư.
Nhập cư hiện là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn tại Đức, đặc biệt là sau vụ tấn công bằng dao tại một lễ hội ở thành phố Solingen ngày 23-8 khiến 3 người thiệt mạng. Cơ quan an ninh Đức sau đó đã xác nhận nghi phạm là một người Syria 26 tuổi, đến Đức vào tháng 12-2022 và đã được cấp quy chế nhập cư.
Sau vụ tấn công, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ đưa ra các dự thảo luật mới vào tháng 12 nhằm đẩy nhanh tiến độ trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận