23/10/2012 10:27 GMT+7

Sau 3 "hiệp đấu", Obama thắng Romney 2-1

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, đương kim Tổng thống Dân chủ Barack Obama và đối thủ Cộng hòa Mitt Romney, đã kết thúc sáng 23-10 (giờ Việt Nam).

DsOBZnlW.jpgPhóng to
Đương kim Tổng thống Barack Obama (phải) và ứng viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney cùng chúc mừng nhau sau buổi tranh luận - Ảnh: Usatoday

Kết quả thăm dò chớp nhoáng của truyền hình CNN ngay sau cuộc tranh luận cho biết có 48% số cử tri được hỏi ý kiến cho rằng Tổng thống Obama đã thắng điểm trong lần đọ sức này so với 40% số ý kiến dành lời khen này cho vị cựu thống đốc 65 tuổi. Như vậy, mặc dù thua trong trận đầu tiên, nhưng ông Obama đã có sự bứt phá ngoạn mục, giành chiến thắng chung cuộc 2-1 trong ba cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên tổng thống.

Chủ đề chính của cuộc tranh luận thứ ba và cũng là cuối cùng này rất tập trung vào chính sách đối ngoại, trong đó hai ứng viên tranh cãi quyết liệt về về hàng loạt vấn đề trong chính sách đối ngoại tương lai của Mỹ, bao gồm Iraq và Afghanistan, cuộc cách mạng Ả Rập, tình hình Syria, quan hệ với Trung Quốc…

Sau vài trao đổi về Libya, ông Obama chỉ trích ông Romney vì gọi Nga là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và chỉ trích ông vì phản đối một thỏa thuận hạt nhân với quốc gia này. “Chính sách của những năm 1980 không còn phù hợp”, ông Obama nói. Ông cũng đặt nghi vấn về tính cam kết của lịch trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan của ông Romney, dù hai ứng viên đều nhất trí thực hiện điều đó từ giờ tới năm 2014.

Ông Obama nói nước Mỹ cần “sự lãnh đạo mạnh mẽ và ổn định” chứ không phải “sai lầm và vô dụng”. Romney đáp lại rằng ông đương nhiên sẽ đảm bảo một nước Nga “linh động hơn”.

“Chúng ta không chỉ giết chóc để thoát ra khỏi mớ hỗn loạn này - ông Romney nói về tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi - Chúng ta phải có một chiến dịch toàn diện”. Ông Obama đáp lại rằng điều ông đã học được trong vai trò tổng thống, và do đó là tổng tư lệnh quân đội Mỹ, là “bạn phải trình bày rõ ràng những gì mình muốn với cả đồng minh và kẻ thù”.

Xem hồ sơ về bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông

Tổng thống Mỹ cũng tìm cách vượt lên ông Romney bằng cách gọi Israel là “đồng minh lớn nhất của chúng ta” ở khu vực Trung Đông. Trước đó, những người Cộng hòa đã cáo buộc chính quyền của ông Obama xa lánh và lạnh nhạt với Israel.

Về chủ đề Syria, hai ứng viên đạt được sự đồng thuận tốt hơn khi cả hai đều muốn chấm dứt tình trạng bạo lực, nhưng không ai cho rằng nên can thiệp quân sự trực tiếp vào thời điểm này. “Điều tối thượng là người dân Syria phải tự quyết lấy tương lai của họ”, ông Obama nói. Còn ông Romney nói về việc tổ chức những phe đối lập có trách nhiệm bên trong Syria để tự vệ, nhưng sự can thiệp của Mỹ lúc này là “chưa cần thiết”. “Tôi tin rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi”, ông Romney nói.

Hai ứng viên tỏ ra khác biệt trong quan điểm về chi tiêu quốc phòng. Ông Romney muốn tăng chi tiêu quốc phòng lớn hơn so với ông Obama. Ông cam kết có thể dành 4% GDP của Mỹ cho quốc phòng, tương đương thêm khoảng 2.000 tỉ USD trong thập kỷ tới. Ông Obama cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện giờ, nước Mỹ cần dành nguồn lực cho việc sản xuất nhiên liệu trong nước để độc lập hơn về nhiên liệu và đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách đã khá trầm trọng. Ông Obama cũng bày tỏ nghi ngờ về sự nghiêm túc của phía Cộng hòa trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Trong chủ đề Iraq, ông Romney chỉ trích việc quân Mỹ rút quân vào năm ngoái và việc Mỹ và Iraq không thể đạt được một thỏa thuận quân sự để duy trì một lượng nhỏ quân Mỹ ở Iraq. Ông Obama đáp lại rằng ông Romney tìm cách đưa quân Mỹ trở lại Iraq.

“Tại Iraq, những gì đạt được phải trả giá quá đắt và đã bị xói mòn vì tình trạng bạo lực gia tăng, sự vươn lên của Al Qaeda và tình trạng yếu kém của nền dân chủ ở Baghdad cũng như ảnh hưởng gia tăng của Iran”, ông Romney từng nói trong một bài phát biểu hôm 8-10. “Vậy mà chúng ta lại rút đi. Tổng thống đã cố gắng và đã thất bại, để đảm bảo sự rút quân dần dần bảo đảm những gì chúng ta đạt được sẽ được duy trì”.

Trong cuộc tranh luận, hai ứng viên cũng tỏ ra đồng quan điểm về khá nhiều vấn đề: họ đều ca ngợi việc tiêu diệt Osama bin Laden, đều cho rằng nữ quyền ở Trung Đông là quan trọng, đều không muốn Mỹ can dự vào Syria và hoan nghênh việc cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ.

Về chủ đề Iran, ông Romney nói Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad lẽ ra phải bị truy tố vì tội ác diệt chủng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về diệt chủng. Ông cũng kêu gọi tiếp tục các lệnh cấm vận đối với ngân hàng trung ương, ngành vận tải biển và dầu khí của Iran.

Romney: Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn nếu...

Về Trung Quốc, ông Romney cho rằng Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn nếu nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ vì Trung Quốc hiện hưởng lợi từ cán cân thương mại chênh lệch lớn giữa hai nước. Trong khi đó, ông Obama lặp lại những lời chỉ trích đối thủ vì ông Romney đã bỏ tiền đầu tư vào các công ty Trung Quốc.

“Họ (Trung Quốc) muốn một thế giới ổn định… Họ muốn nền kinh tế thế giới tự do và mở - ông Romney nói - Chúng ta có thể là một đối tác của Trung Quốc, (nhưng) chúng ta cần đạt được những tiến bộ trong vấn đề tỉ giá đồng tiền. Họ phải làm nhiều hơn”. Ông cũng nói Trung Quốc là một nước gian lận thương mại và một ngày nào đó sẽ gọi Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ".

PgD2Ok9A.jpgPhóng to

Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ trực tiếp lần thứ ba diễn ra trong 90 phút tại Trường đại học Lynn, bang Florida, dưới sự điều phối của nhà báo kỳ cựu của kênh truyền hình CBS News, ông Bob Schieffer - Ảnh: UStoday

Trong cuộc tranh luận thứ ba này, ông Obama và ông Romney đều ngồi yên một chỗ trong suốt 90 phút chứ không đứng hoặc đi lại như trong các cuộc tranh luận trước. Người dẫn cuộc tranh luận là Bob Schieffer của kênh truyền hình CBS News.

Tuy nhiên, việc ngồi yên không làm giảm sự căng thẳng của cuộc tranh luận. Ông Romney và ông Obama thường xuyên ngắt lời nhau, tổng thống Mỹ có lúc đã rung bàn dữ dội. Cả hai đôi lúc cũng bị lôi trở lại các vấn đề quốc nội, thường là xuất phát từ ông Romney, người cho rằng những tổn thương với nền kinh tế Mỹ đã ảnh hưởng tới khả năng dẫn đầu của nước này trên trường quốc tế.

Về câu hỏi ai là người tốt hơn để làm tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ông Obama dẫn 10 điểm phần trăm vào tháng 7 nhưng chỉ còn lại 3 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò mới nhất của NBC - Wall Street Journal, với 44% người được hỏi chọn ông Obama và 41% chọn ông Romney.

Sau khi các cuộc tranh luận kết thúc, ông Obama và ông Romney sẽ có hai tuần nữa cho tới trước ngày bầu cử (6-11), tập trung vào một số bang chủ chốt. Ông Obama dự kiến có chuyến đi tranh cử dài 48 tiếng với các điểm dừng ở Iowa, Colorado, Nevada, Virginia, Ohio và Florida, trong khi ông Romney dự kiến tới Nevada, Colorado, Iowa và Ohio.

gkf5qodE.jpgPhóng to

Vợ chồng Tổng thống Obama (bên trái) và vợ chồng ứng viên Mitt Romney sau phiên tranh luận - Ảnh: CNN

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên