18/05/2008 06:12 GMT+7

"Sát thủ" benzen trong không khí

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Tại TP.HCM chất benzen đang phát tán trong không khí với nồng độ vượt ngưỡng cho phép rất cao. Trong ba năm qua, chất gây ô nhiễm này chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

sKA0YLO9.jpgPhóng to

Ngã tư Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM thường xuyên tập trung đông đúc xe cộ - Ảnh: T.T.D.

TT - Tại TP.HCM chất benzen đang phát tán trong không khí với nồng độ vượt ngưỡng cho phép rất cao. Trong ba năm qua, chất gây ô nhiễm này chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cứ mỗi tháng, bộ phận chuyên môn của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM lấy mẫu không khí liên tục trong mười ngày tại sáu điểm khác nhau trên toàn TP để đưa đi thử nghiệm tìm một số chất độc hại như toluen, xylen và benzen. Trong số ba chất độc hại này, ô nhiễm benzen thật sự đang âm thầm gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

Luôn vượt chuẩn

"Trong ba năm qua, tại TP.HCM chưa bao giờ nồng độ benzen trong không khí nằm ở giới hạn cho phép" - PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM - vừa trưng ra biểu đồ thống kê nồng độ trong không khí của ba năm liên tục (2005-2007) vừa nói. Nồng độ chất benzen có trong không khí luôn vượt xa chuẩn giới hạn cho phép, tức vượt quá xa mức 10 microgam/m3 không khí. Ông Tuấn nói riêng năm 2007, cứ 100 lần đo đạc benzen trong không khí tại sáu điểm thì có gần 70 lần ghi nhận được nồng độ chất benzen nhảy qua rất xa ngưỡng cho phép. Có lúc benzen trong không khí vượt ngưỡng đến 10 lần, còn tình trạng vượt ngưỡng vài ba lần là chuyện không còn cá biệt.

NJC7tNUF.jpgPhóng to

Nồng độ benzen trung bình năm 2005-2007 tại TP.HCM (nguồn: Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM) - Đồ họa: V.CƯỜNG

Một điều đáng lo hơn là người dân không cảm nhận được benzen hiện diện trong không khí. Lý do? Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn - chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, vì mức ô nhiễm của benzen dù đã vượt ngưỡng cho phép song vẫn còn nằm dưới xa nồng độ mà khứu giác của người có thể nhận biết. Do vậy, nhiều người đã hít phải benzen hằng ngày nhưng không hề hay biết. Trong khi đó, benzen vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, kể cả xuyên qua da, qua đường tiêu hóa...

Giải pháp nào?

Benzen là một hợp chất hữu cơ thơm, trong điều kiện bình thường là một chất lỏng không màu, mùi dịu ngọt dễ chịu, dễ cháy. Benzen không tan trong nước, tan trong rượu.

Benzen rất độc, có khả năng gây ung thư ở người rất cao. Mối nguy hại nhất của benzen là khả năng gây bệnh bạch cầu của những người thường xuyên bị phơi nhiễm loại chất độc hại này.

Về lý thuyết, nguồn gốc chất benzen có thể "sản sinh" từ các hoạt động công nghiệp, khói thuốc lá, khói thải các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch... Nhưng các nhà khoa học cho rằng nguồn gốc chính của benzen có trong không khí ở TP.HCM là từ xăng "tươi" có chứa thành phần benzen bị bốc hơi và từ khói thải của các phương tiện giao thông.

Ông Hồ Sĩ Thoảng - phó chủ tịch Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia - nói việc giảm một nửa hàm lượng benzen trong xăng đã là một sự cố gắng. Cụ thể: theo tiêu chuẩn quốc gia về xăng, hàm lượng benzen cho phép hiện nay là 2,5% thể tích (trước đây là 5%). Hiện nhiều nước sử dụng loại xăng với hàm lượng benzen chỉ 1%, thậm chí thấp hơn mức này.

Nhưng một số nghiên cứu gần đây của giới khoa học TP.HCM cho thấy nồng độ benzen rất cao ở các nơi bán xăng, trước cổng trường học, bệnh viện..., những nơi tập trung đông đúc xe cộ. Còn theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - phó chủ tịch Hội Ôtô và thiết bị động lực TP, chính công suất của xe quá lớn so với nhu cầu sử dụng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường rất đáng kể vì xăng cháy không hết.

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm này? Ông Hồ Sĩ Thoảng cho rằng một trong những giải pháp tốt nhất là làm sao giảm được nhiều hơn hàm lượng benzen trong xăng. Nhiều ý kiến nhận định tỉ lệ benzen trong xăng ở mức 2,5% thể tích vẫn còn là mức cao. Ông Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng phải tiến hành các giải pháp đồng bộ: giảm ùn tắc giao thông đô thị, kiểm soát khí thải... Song thực tế các giải pháp giảm ùn tắc giao thông và kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở TP.HCM trước mắt chưa thấy có những tín hiệu sáng sủa.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên