09/05/2012 04:40 GMT+7

Sạt lở ở Cần Thơ - mối nguy rình rập

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Đầu mùa mưa cũng bắt đầu mùa sạt lở. Người dân TP Cần Thơ lại lo ngay ngáy mối nguy đất nhà mình đổ ụp xuống miệng hà bá bất cứ lúc nào, nhất là những hộ cất nhà cặp bờ sông rạch.

845SMPxf.jpgPhóng to

Khu vực sạt lở gần cầu Rạch Cam năm ngoái nay chỉ được đóng cừ tràm tạm bợ - Ảnh: D.T.H.

Đầu tháng 5, chúng tôi đi dọc sông Bình Thủy, trở lại chợ Rạch Cam, P.Long Hòa, Q.Bình Thủy (TP Cần Thơ) - nơi cách đây một năm đã xảy ra vụ sạt lở làm hai người chết, năm người bị thương và hơn chục căn nhà lọt xuống sông. Hiện nơi này chỉ được đóng cọc gỗ be bờ, tạm giữ đất.

Vừa ở vừa lo

Mé sông Bình Thủy chạy lài xuống nước không có vẻ gì nguy hiểm. Trên bờ, hàng quán buôn bán đều đã dời sâu vô trong, để lại khung cảnh vắng hoe. Cách đó chừng 40m, phần sạt lở dưới chân cầu Rạch Cam đã được đóng bản sắt gia cố bảo vệ. Tiếp tục theo hướng sông Bình Thủy vô trong ngọn, những bờ đất bị sạt lở hồi năm ngoái đã được đóng cọc cừ tràm, trên đổ đất be bờ chống xói lở.

Ông Trần Văn Ba, một cư dân sống gần chợ Rạch Cam, bức xúc: “Đất bờ sông này hẳm lắm, nhìn bề ngoài bằng phẳng vậy chứ bên trong tạo thành hang hết rồi. Nó như hàm ếch, bên dưới trống không nên lúc nào nước xói mòn tới gốc là sụp. Lúc đó nhà cửa bên trên đổ ùm xuống sông hết. Cho nên chỉ kè sơ bên ngoài bằng cọc tràm rồi đổ đất lên trên là không ăn thua”.

Đứng trên doi đất nhô ra giữa sông Bình Thủy, có thể nhìn thấy rất rõ dòng nước chảy đạp mạnh vô mé bờ ngay sát khu vực chợ. Nhìn ngược về hướng cầu Rạch Cam, lại có một lạch nước nữa từ trong ngọn rạch đâm ra. Ông Ba cho rằng cả hai hướng nước chảy ra - vô đều nhắm ngay doi đất mà bên trên là khu chợ và dân cư đông đúc, tạo cho khu này cái thế một mình hứng chịu cả hai mối nguy hại từ hai hướng. “Hiện nay đang bắt đầu mùa mưa, dưới sông nước chảy mạnh, trên bờ đất xói mòn thì chuyện sạt lở, sụp đổ là khó tránh khỏi” - ông Ba lo lắng.

Bà Lê Thị Khá, một người dân buôn bán ở chợ Rạch Cam, nói dù nơi bà con tiểu thương buôn bán cách hơi xa chỗ sạt lở năm ngoái nhưng mọi người vẫn lo đất dưới chân mình bị hẳm và lúc nào đó tái diễn thảm cảnh đất sụp như năm ngoái. Bà Khá thắc mắc: “Tôi nghe nói Nhà nước đã tính xây kè kiên cố ở đây rồi sao chưa thấy làm?”.

Lấn chiếm bờ sông

Chưa có tiền làm kè kiên cố chống sạt lở

Ông Nguyễn Quý Ninh - phó trưởng phòng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ - cho biết theo đồ án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”, TP đang có kế hoạch xây dựng 24 công trình kè chống sạt lở trên sông, kênh, rạch với tổng kinh phí hơn 2.000 tỉ đồng. Đến năm 2015 đưa 40% hộ dân sống ven sông rạch vào ổn định tại những khu đô thị mới, đến năm 2050 toàn TP không còn nhà sàn ven sông.

Trả lời thắc mắc của người dân bao giờ mới thi công các công trình kè chống sạt lở nói trên, đặc biệt là khu vực sạt lở nguy hiểm tại chợ Rạch Cam, ông Ninh cho biết hiện đang kêu gọi đầu tư các công trình này chứ chưa có tiền để thực hiện.

Chúng tôi tiếp tục đi theo tỉnh lộ 923 cặp bờ sông Cần Thơ qua Q.Cái Răng và huyện Phong Điền. Tại khu vực xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, kế bên một tấm bảng ghi “Nguy hiểm, khu vực sạt lở - 1.000m” là một đoạn bờ sông bị sạt lở chừng 50m. Trên bờ, cỏ mọc che lấp phần đất loang lổ, dưới sông lục bình tấp vô che khuất cái lõm khoét sâu vào bên trong. Dù biết đây là khu vực sạt lở nhưng nhiều tài xế xe tải vẫn thản nhiên ra vô bờ sông chuyển hàng xuống ghe (từ cát đá, ximăng đến trấu, củi...).

Ông Nguyễn Văn Chiến, một người dân trong vùng, bức xúc: “Ngày nào cũng có xe tải tấp nập ra vô. Dưới sông ghe xuồng neo đậu bảo sao bờ sông không sạt lở”. Rồi ông chỉ ra giữa sông, nơi ghe tàu qua lại tấp nập: “Lại thêm tàu chạy gây sóng đánh vô bờ ngày đêm như sóng biển. Bờ sông có là đá cũng sạt lở chớ đừng nói đất”.

Đoạn sông Cần Thơ từ cầu Cái Răng tới cầu Cái Sơn (Q.Cái Răng), nhà dân san sát và bờ sông bị lấn chiếm gần hết. Trên bờ là bãi chứa gỗ, củi, vựa cừ tràm, bến ghe, bến đò, nhà máy xay xát, chế biến lương thực với ghe tàu cập bến liên tục, lên xuống ngày đêm. Tương tự, khu vực trung tâm huyện Phong Điền cũng là nơi cư dân sống dọc bờ sông đông đúc.

Bà Lê Thị Mừng, ở xã Mỹ Khánh, cho biết: “Giá đất cặp bờ sông khá cao như đất mặt tiền nên ai cũng tranh thủ mua cất nhà để tiện việc kinh doanh. Bây giờ bắt dân di dời thì hơi khó vì đây là nồi cơm của người ta. Chỉ khi nào sạt lở mọi người mới sợ, chớ bình thường ai cũng tranh thủ lo làm ăn được lúc nào hay lúc nấy”.

Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, bờ sông, rạch sạt lở là do mùa mưa lũ lưu lượng nước nhiều, dòng chảy mạnh tạo nên những hàm ếch xói sâu vào trong. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình cầu đường, nhà ven sông, rạch, ghe tàu qua lại nhiều cộng với nền địa chất yếu cũng khiến bờ sông dễ bị sạt lở.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, toàn TP có 24 điểm sạt lở nguy hiểm, tập trung ở các sông Cần Thơ, Bình Thủy, Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt. Các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao là quốc lộ 91, quốc lộ 80, tỉnh lộ 918, 923... Riêng huyện Phong Điền có hơn 800 hộ cất nhà ven sông có nguy cơ sạt lở cao, cần di dời đến nơi an toàn.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên