19/12/2017 13:38 GMT+7

Sắp xét xử vụ tranh chấp lao động tại Đại học Hùng Vương

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - TAND quận 5, TP.HCM vừa có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa cán bộ, giảng viên với Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM.

Sắp xét xử vụ tranh chấp lao động tại Đại học Hùng Vương - Ảnh 1.

Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo đó, phiên xét xử đầu tiên giữa nguyên đơn là ông Tôn Thất Hoài và bị đơn là Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM do hiệu trưởng Tạ Thị Kiều An, người đại diện theo pháp luật của trường diễn ra sáng 27-12.

Phiên xét xử thứ hai giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Duyên Hà (người đại diện theo ủy quyền là bà Trần Thị Hạnh) và bị đơn là Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM diễn ra sáng 28-12.

Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM cử người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn Bé Ba tham dự các phiên xét xử này. 

Trước đó, ngày 14-3-2016, ông Đặng Thành Tâm - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM đã ký 25 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với các cán bộ, nhân viên, giảng viên của trường.

Đây là những người không đồng ý ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo thông báo trước đó của nhà trường đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo 25 quyết định trên, tất cả cán bộ giảng viên này sẽ thôi việc từ ngày 4-4-2016.

Các quyền lợi khi thôi việc gồm: tiền lương nhà trường thanh toán đến ngày 3-4-2016; các chế độ bảo hiểm nhà trường đóng hết tháng 4-2016; trợ cấp thôi việc (thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính từ tháng bắt đầu làm việc của cán bộ, giảng viên đến ngày 31-12-2008), mức bình quân sáu tháng trước khi nghỉ và trợ cấp thôi việc được hưởng (tùy người).

Cán bộ, giảng viên không đồng ý vì nhà trường tính không chính xác, cắt xén quyền lợi, trợ cấp theo quy chế hoạt động nhà trường đối với người lao động. 

Theo nhóm giảng viên này, tại thời điểm đó, nhà trường thông báo sẽ chuyển cán bộ, giảng viên trường sang Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường Đại học Hùng Vương là không hợp lý vì cán bộ, giảng viên trường đại học sang công ty xây dựng sẽ làm gì.

Xét về tư cách pháp lý, ông Đặng Thành Tâm không còn là chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, không phải là người đại diện theo pháp luật nên không có quyền ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ vì thẩm quyền này là của hiệu trưởng nên các giảng viên đã khởi kiện ra tòa.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên