
Năm 2008, Quốc hội đã thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) về TP Hà Nội. Trong ảnh là một góc Hà Nội hiện nay - Ảnh: HỒNG QUANG
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cùng với đó, nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện). Việc này sẽ báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3-2025.
Sáp nhập tỉnh, thành để tạo thêm động lực phát triển
Đông đảo ý kiến bạn đọc ủng hộ và cho rằng đây là thời điểm chín muồi để sáp nhập tỉnh thành, tinh gọn bộ máy, tạo thế mạnh phát triển mới cho đất nước.
Độc giả có tài khoản ledu****@gmail.com viết: "Thời đại bây giờ giao thông luôn thông suốt; cuộc sống số, chuyển đổi số phát triển rộng khắp, nên việc nhập lại một số tỉnh sẽ mang lại nhiều lợi thế lớn cho đất nước.
Rất hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ chủ trương đúng đắn này".
"Sáp nhập để có quy mô tỉnh thành lớn hơn, tập trung quản lý và phát triển tốt hơn" - bạn đọc John nhấn mạnh.
Bạn đọc Thanh kỳ vọng: "Mục tiêu thu gọn đầu mối, giảm chi phí để đất nước phát triển thịnh vượng".
"Thời điểm chín muồi để sáp nhập một số tỉnh thành" - bạn đọc Tâm Vũ Đức bày tỏ.
Theo tài khoản tran****@gmail.com: "Bộ máy chính quyền hoạt động sẽ linh hoạt hơn. Nếu chúng ta phát triển tập trung những ngành mũi nhọn thì đất nước sẽ thêm giàu mạnh".
"Càng tinh giản gọn nhẹ bao nhiêu thì bộ máy sẽ càng nhanh nhạy, hiệu quả bấy nhiêu" - bạn đọc Hen đồng tình.
Bạn đọc Vinh kỳ vọng phương án sáp nhập tỉnh thành sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước. Tuy nhiên cần quan tâm các yếu tố lịch sử, bản sắc văn hóa, niềm tự hào truyền thống địa phương... trong quá trình sáp nhập.
Bạn đọc Nguyễn Phong Phú chia sẻ: "Giờ công nghệ thông tin, phương tiện liên lạc phát triển, đường sá đi lại thuận lợi nên việc sáp nhập tỉnh thành để giảm chi ngân sách, tạo động lực cho phát triển đất nước là một bước đi rất đúng đắn.
Cần xem xét sớm tiến hành nhằm tránh để các địa phương phát sinh xây dựng công trình, cơ quan, nhà văn hóa... Sau khi sáp nhập, nguy cơ không phát huy được tác dụng, rất lãng phí của công".
Cùng quan điểm, bạn đọc Minh viết: "Thời buổi công nghệ đang phát triển vượt bậc. Việc quản lý, điều hành đơn vị hành chính lớn trên cơ sở ứng dụng công nghệ nên không có gì khó khăn".
Bạn đọc Trương Kiệt phân tích: "Sáp nhập thì tinh giản được biên chế rất lớn, tối đa hóa nguồn lực với chi phí thấp, thu nhập của cán bộ viên chức cũng sẽ được tăng thêm.
Nhiều tỉnh thành đang áp dụng cách thức nhận hồ sơ công không phân biệt địa giới hành chính thì chuyện đông dân hay diện tích rộng không có gì khó quản lý cả".
"Bây giờ hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển, vì vậy cách quản lý nhà nước phải khác trước rất nhiều. Khai báo hồ sơ online, nhận kết quả online, người dân tự in kết quả, tra cứu thông tin hồ sơ... trực tiếp trên hệ thống" - bạn đọc Hop ý kiến.
Cần thêm tiêu chí cụ thể nào khi sáp nhập tỉnh thành?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng đây là thời điểm phù hợp để thực hiện nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh và bỏ cấp huyện.
Bởi chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ. Đồng thời cần thực hiện tinh thần "Trung ương đã làm gương" thì "địa phương cần thống nhất thực hiện theo".
Thực tế hiện nay dân số đất nước ta hơn 100 triệu người nhưng có đến 63 tỉnh, thành phố, như thế là rất nhiều.
Ngay như Trung Quốc, với dân số hơn 1,4 tỉ người nhưng cũng chỉ có 34 tỉnh, thành (23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 đặc khu hành chính).
Trong khi chúng ta đã tiến hành tinh gọn bộ máy trong thời gian qua, và bước đầu cũng đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.
Việc sáp nhập vừa qua mới thực hiện ở cấp xã, huyện, nên cần tiếp tục nghiên cứu để thực hiện ở cấp tỉnh.
Trước đây, khi tách các tỉnh ra với mong muốn để dễ dàng cho việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho các địa phương phát triển. Qua quá trình đó, các địa phương tách ra đều đã phát triển, nhưng đến hiện nay đa số các địa phương này đều đã đến giới hạn, kể cả về diện tích cũng như tài nguyên…
Vì vậy việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh thành là định hướng đúng đắn để tạo ra không gian mới, động lực mới cho các địa phương phát triển. Cùng với đó, tạo ra bộ máy thống nhất từ trung ương đến địa phương không có sự cồng kềnh và tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Đối với phương án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện mới là chủ trương, định hướng, chưa có phương án cụ thể. Tuy nhiên để thực hiện sáp nhập tỉnh nào với tỉnh nào cần có tiêu chí cụ thể.
Ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, cần tính đến những tiêu chí về văn hóa, lịch sử, vị trí địa chính trị, quy hoạch vùng, quốc gia, văn hóa của cộng đồng dân cư..., nhằm đảm bảo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận