Ban quản lý khu Nam sẽ được sáp nhập với Ban quản lý đô thị Thủ Thiêm và Ban quản lý Tây Bắc để thành lập Ban quản lý phát triển đô thị TP.HCM trực thuộc UBND TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Chỉ đạo đưa ra trên cơ sở tờ trình đề án sắp xếp lại các ban quản lý dự án của TP, quận, huyện, ban quản lý đầu tư các khu đô thị và dự án ODA của Sở Nội vụ.
Hợp nhất nhiều ban quản lý
Theo tờ trình, ba ban quản lý khu đô thị mới trên được sáp nhập thành Ban quản lý phát triển đô thị TP.HCM, trực thuộc UBND TP.HCM.
Đây là ba đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, có 16 phòng chuyên môn, với biên chế được giao 202 người. Khi sáp nhập sẽ gọn lại không quá 7 phòng chuyên môn. Còn vị trí, chức năng, nhiệm vụ cơ bản giữ nguyên.
Ông Đỗ Văn Đạo - phó giám đốc Sở Nội vụ - cho biết ba ban quản lý khu đô thị mới được sáp nhập theo nghị định của Chính phủ.
Riêng những cơ quan, đơn vị khác hiện có nhiều chức năng trùng lắp, kéo theo gánh nặng về bố trí trụ sở làm việc, chi phí hoạt động, xe cộ, nhân sự... nên cũng cần sắp xếp thành một đầu mối cho hợp lý, vừa thuận tiện quản lý, tinh giản biên chế.
Mục đích chọn những người ở lại phải am hiểu sâu về chuyên môn, xử lý công việc nhanh, hiệu quả.
Đơn cử TP.HCM trước đây có 44 ban quản lý đầu tư xây dựng, theo đó, có 43 trưởng ban, 92 phó ban, 213/255 biên chế (cơ quan hành chính), 672/696 người (đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ) và 238 người (đơn vị sự nghiệp tự chủ).
Các ban quản lý dự án đang quản lý hơn 3.000 dự án với tổng số tiền hơn 323.000 tỉ đồng.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo sắp xếp lại nhiều ban quản lý dự án của TP, quận, huyện, ban quản lý dự án ODA.
Cụ thể, lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tách chức năng quản lý giao thông của bốn khu giao thông đô thị, khu quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT.
Hợp nhất các ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình một số sở thành Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.
Thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trên cơ sở tách chức năng Trung tâm chống ngập và hợp nhất với ban vệ sinh môi trường.
Sáp nhập Ban quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) vào Ban quản lý đầu tư - xây dựng công trình giao thông - đô thị...
Giảm 1/10 biên chế
Theo ông Đạo, khi sắp xếp, thu gọn nhân sự chắc chắn sẽ đụng chạm đến nhiều cá nhân, có rất nhiều tâm tư, lo lắng của người lao động khi phải thay đổi môi trường, công việc.
Do vậy, khi sắp xếp, cơ quan chức năng sẽ bố trí hài hòa, đảm bảo nguyện vọng, cuộc sống của người lao động sau khi sắp xếp; căn cứ vào độ tuổi, chuyên môn để điều chuyển đội ngũ dôi dư đến cho các cơ quan, đơn vị khác, có chính sách tạo điều kiện tìm việc làm mới hoặc cho nghỉ theo chế độ. Theo lộ trình đặt ra, đến năm 2021 sẽ giảm 10% biên chế.
Về mặt địa lý, ông Đạo cho hay hiện nay trụ sở cơ quan quản lý không nhất thiết phải đặt tại chỗ, mà chỉ cần thông qua công nghệ.
Thực tế, ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp ở một khu vực nhưng vẫn quản lý được các khu chế xuất, khu công nghiệp trải rộng tại nhiều địa bàn.
Do vậy, chọn địa điểm phù hợp theo các dự án không phải rào cản lớn ảnh hưởng đến việc sắp xếp. Sau khi đề án tổng thể thông qua, Sở Nội vụ sẽ bắt đầu lập các đề án cụ thể cho các ban.
"Việc sắp xếp không đơn giản nhưng cũng không phải quá khó để làm. Chỉ khi thực hiện được việc này mới mong tăng thu nhập cho công nhân viên chức, người lao động. Cuộc sống đảm bảo mới hạn chế bớt những tiêu cực" - ông Đạo nhấn mạnh.
Đà Nẵng: sáp nhập các ban đền bù, quản lý dự án
Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đã sáp nhập 5 ban giải tỏa, đền bù, tái định cư vào Trung tâm phát triển quỹ đất, sáp nhập 10 ban quản lý dự án thành 6 ban, sáp nhập 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp thành 3 trung tâm.
Từ nay đến năm 2021, phấn đấu giảm 28 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể là 23 đơn vị, chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần là 5 đơn vị.
Theo lộ trình đến năm 2021, giảm ít nhất 2.000 số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua việc tăng tự chủ, chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp ước khoảng 200 tỉ đồng/năm.
Cần Thơ: đề xuất xóa, sáp nhập nhiều ban chỉ đạo
Theo Sở Nội vụ Cần Thơ, TP này hiện có 133 tổ chức phối hợp liên ngành (104 ban chỉ đạo và 29 hội đồng).
Ông Nguyễn Hoàng Ba, giám đốc Sở Nội vụ, cho biết đã đề xuất UBND TP Cần Thơ giải thể 16 ban chỉ đạo, sáp nhập giảm ban chỉ đạo còn 64, trong đó sáp nhập 39 còn 15 ban chỉ đạo và giữ nguyên 49 ban chỉ đạo.
Trong khi đó, Sở Y tế Cần Thơ đã lập đề án thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật từ việc sáp nhập 5 đơn vị thuộc sở, tiếp tục sáp nhập 9 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình quận, huyện vào trung tâm y tế quận, huyện.
Hà Nội: giải thể 41 ban chỉ đạo
Tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội tháng 8-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chấp thuận phương án giải thể 41 ban chỉ đạo không còn phù hợp.
Cụ thể, phương án đề xuất giữ nguyên 40 ban chỉ đạo, sáp nhập 27 ban thành 8 ban, giải thể 41 ban chỉ đạo. Như vậy bộ máy các ban chỉ đạo của Hà Nội giảm từ 108 xuống còn 48 ban.
Riêng trong năm 2017, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban. TP cũng chuyển đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã về UBND cấp huyện quản lý, đổi tên thành đội quản lý trật tự xây dựng đô thị.
LÂM HOÀI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận