Tạm dừng cấp phép thành lập các cơ quan báo chí
Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Việt Dũng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung cuộc giám sát này, ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ, trưởng đoàn giám sát) cho biết:
Qua giám sát cho thấy bên cạnh những mặt được, nhiều quy định trong Luật báo chí không còn phù hợp với đời sống báo chí sôi động hiện nay. Có những quy định trong luật cũng như dưới luật không được thực hiện nghiêm túc mà không ai bị xử lý. Cụ thể như Luật nghiêm cấm việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thu giữ, hủy hoại phương tiện hành nghề của phóng viên nhưng việc này vẫn xảy ra. Hầu như năm nào cũng có một hai vụ việc liên quan. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhưng không ai bị chế tài.
Luật báo chí quy định cơ quan báo chí thực hiện một loại hình báo chí, nhưng qua giám sát cho thấy hiện nay phần lớn cơ quan báo chí thực hiện từ hai loại hình báo chí trở lên. Ví dụ như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... thực hiện từ 3-4 loại hình gồm báo in, báo điện tử, báo hình và báo nói. Hay như báo Tuổi Trẻ cũng có nhiều loại hình báo chí trong một tòa soạn. Mỗi loại hình, ví dụ báo in, lại có nhiều ấn phẩm khác nhau như báo hằng ngày, báo cuối tuần. Đó là chưa kể đến báo chí trên thiết bị di động mà nhiều toà soạn đã và đang triển khai.
Từ thực tế nêu trên, Luật báo chí cần được sớm sửa đổi, bổ sung không những để điều chỉnh các bất cập trong hoạt động báo chí hiện nay, mà đồng thời phải dự báo được xu hướng phát triển của báo chí trong tương lai để có quy định phù hợp. Dự kiến ngày 28-7 chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị tham vấn với sự tham dự của các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các cơ quan báo chí, chuyên gia để tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo giám sát trước khi trình Quốc hội vào cuối năm nay.
* Về quy hoạch báo chí, vừa qua có thông tin là tới đây mỗi địa phương chỉ còn một tờ báo, còn lại là ấn phẩm phụ. Xin ông cho biết quan điểm về định hướng này?
- Khi chúng tôi đi giám sát ở một số tỉnh phía Nam thì chính các địa phương này nêu lên thực tế là hiện nay trong mỗi tỉnh có nhiều cơ quan báo chí, mỗi tờ báo lại có cơ quan chủ quản khác nhau, ví dụ báo in có cơ quan chủ quản là tỉnh ủy, đài phát thanh và truyền hình là UBND tỉnh, báo lao động địa phương là liên đoàn lao động tỉnh, báo công an địa phương là công an tỉnh… Tuy nhiều như vậy nhưng bản sắc các cơ quan báo chí này không rõ, nghĩa là thông tin trùng nhau. Trong khi đó báo điện tử đang phát triển mạnh mẽ và được cho là sẽ trở thành loại hình báo chí chủ lực nay mai. Vậy thì có cần nhiều cơ quan báo chí trong một địa phương, ngân sách phải trang trải nhiều hơn, hay tích hợp lại cho đỡ lãng phí nguồn lực. Việc tích hợp ở đây bao gồm cả cơ sở vật chất và phóng viên. Xu hướng sáp nhập này cũng đã xuất hiện ở nhiều nước.
* Không phải bối cảnh báo chí ở tất cả các địa phương đều như nhau, một số thành phố lớn có các cơ quan báo chí tuy chủ quản ở địa phương nhưng phát hành toàn quốc, các cơ quan báo chí này cũng tự chủ về tài chính. Đã có ý kiến lo ngại liệu định hướng quy hoạch như nêu trên có ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận cũng như quyền được hưởng thụ thông tin của người dân?
- Đó mới chỉ là đề xuất và theo tôi không thể đơn giản sáp nhập cơ học các cơ quan báo chí ở các địa phương như nhau. Hơn nữa khi nói quy hoạch nghĩa là có lộ trình và hướng đến tương lai, chứ không phải hôm nay quy hoạch thì ngày mai làm luôn. Đúng là hiện nay có nhiều tờ báo tuy chủ quản cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhưng số lượng phát hành lớn và có uy tín, có sự ảnh hưởng thông tin về cơ bản là tích cực trên nhiều mặt đời sống của đất nước. Hơn nữa các tờ báo này không những không tiêu tốn ngân sách mà còn đóng thuế đáng kể cho Nhà nước. Chính vì vậy dù quy hoạch như thế nào chăng nữa, mục đích là xây dựng nền báo chí ngày càng phát triển tốt chứ không phải ngược lại.
Cũng phải nhìn nhận rằng đối với những cơ quan báo chí trong tình trạng bao cấp, hoạt động không đáp ứng được yêu cầu đề ra, thông tin thiếu hơi thở đời sống thì việc quy hoạch gọn lại là cần thiết. Khi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, tôi đã nói ý kiến của mình là việc quản lý phải trên nguyên tắc tạo điều kiện cho báo chí phát triển và hội nhập, đối với những mặt không lành mạnh thì “nhấn phanh”, nhưng đồng thời với “nhấn phanh” cũng phải “nhấn ga” phát huy mặt tích cực.
Thảm họa "câu view"Không có chuyện chuột cống trong nồi hủ tiếu gõCần làm rõ trách nhiệm người đăng tin hại dân bán hủ tiếu! |
* Cuộc giám sát lần này có đề cập đến hiện tượng thảm họa “câu view” với tình trạng tin đồn, tin hóng hớt, tin nghe ba chớp ba nhoáng được đẩy lên bất cần kiểm chứng, bất cần trách nhiệm, bất chấp hậu quả?
- Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ quy định trong giấy phép được coi là một trong những khuyết điểm lớn nhất của hoạt động báo chí thời gian qua. Ở loại hình báo in, vi phạm này tập trung ở các ấn phẩm phụ. Tình trạng đưa tin quá nhiều về các vụ án, vụ việc tiêu cực trên một số báo, trang báo, miêu tả chi tiết các hành vi tội ác, gây cảm giác nặng nề trong đời sống xã hội. Có vụ việc xảy ra ở một địa phương nhưng báo chí cả nước đồng loạt đưa tin với mức độ như nhau, không phân biệt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi báo, gây tâm lý hoang mang cho xã hội...
Đáng lưu ý, xu hướng báo điện tử khai thác thông tin từ truyền thông xã hội nhưng không kiểm chứng tính xác thực của thông tin, đưa thông tin sai, làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức. Thông tin giật gân, câu khách, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam vẫn phổ biến... Vấn đề này cũng được chúng tôi đề cập trong báo cáo giám sát, đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp trong sửa đổi Luật báo chí tới đây. Sau khi báo cáo giám sát được cấp có thẩm quyền thông qua thì chúng tôi sẽ công bố thông tin cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận