25/07/2012 06:40 GMT+7

Sao không dồn sức giữ buôn làng?

ĐÌNH ĐỐI
ĐÌNH ĐỐI

TT - Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2012-2015” vừa được HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua tại kỳ họp thứ 3 khóa VIII.

HonYPvKo.jpgPhóng to

Nghi thức trong lễ cúng sức khỏe cho voi tại hội voi Buôn Đôn (Đắk Lắk) chủ yếu mang tính chất biểu diễn để thu hút khách du lịch. Ngày nay hoạt động này chỉ diễn ra trong các hộ gia đình có voi và các hộ tự tổ chức riêng lẻ - Ảnh: Thái Bá Dũng

Kinh phí thực hiện đề án này trong ba năm lên tới gần 49 tỉ đồng. Bình quân mỗi năm số tiền mà đề án tiêu tốn khoảng 16 tỉ đồng - con số không nhỏ thể hiện sự quyết tâm gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa được thế giới tôn vinh. Có điều nội dung bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng lần này được đặt ra chẳng khác gì đề án lần trước (giai đoạn 2007-2010).

Đáng tiếc, trong những điều chưa làm được của giai đoạn trước lại có vấn đề được coi là quan trọng nhất, đó là bảo tồn không gian cồng chiêng tại một số buôn làng. Vậy thì việc cấp bách ở đây, trong đề án lần này là nên tập trung nguồn lực để gìn giữ, bảo tồn không gian sống (và cũng là không gian văn hóa, lịch sử) cho các buôn làng truyền thống. Có nhiều người mong mỏi, đón chờ điều đó.

Buôn làng còn thì cồng chiêng còn

Già A Ma Rin (ở buôn Kô Dhông, phường Tân Lợi, Buôn Ma Thuột) cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí giúp bà con nâng cấp, sửa sang lại 18 ngôi nhà dài ở đây cho tươm tất, khang trang hơn; khuyến khích và tạo điều kiện để bà con sống gắn bó với những nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, làm đồ mỹ nghệ nhằm cải thiện cuộc sống, hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài đổ vào. Ông A Ma Rin chắc chắn một điều buôn làng còn thì cồng chiêng không bao giờ mất!

Còn ông Y Ka Byă (ở khu du lịch buôn Trí A, xã Krông Ana, Buôn Đôn) thừa nhận bà con hạ ngôi nhà dài xuống để làm cái nhà mái bằng cũng là việc “cực chẳng đã” vì cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Để lại cái nhà dài thì buôn làng đẹp thật, nhưng lấy đâu ra chỗ buôn bán, mở dịch vụ phục vụ khách du lịch. Giá như có tiền để quy hoạch, xây dựng buôn Trí A thành điểm đến du lịch với đời sống, sinh hoạt thuần túy và đầy bản sắc như xưa thì không gì bằng. Khi ấy, người dân không những được hưởng lợi từ doanh thu của ngành du lịch mang lại, mà còn bảo tồn được toàn vẹn cả buôn làng, trong đó linh hồn của nó là nhà dài và tiếng chiêng...

Một vài ví dụ để thấy nhu cầu khôi phục, bảo tồn buôn làng truyền thống của các cộng đồng dân tộc ở đây là mạnh mẽ, tha thiết vô cùng. Vậy tại sao lại không lấy đó làm điều cơ bản để triển khai và thực hiện dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng?

Buôn làng đang biến dạng

Theo đề án mới (2012-2015), nội dung bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng tiếp tục có những đề mục: mở lớp đánh chiêng, phục dựng các lễ hội, hỗ trợ kinh phí cho các nhà văn hóa cộng đồng diễn xướng cồng chiêng... Song tất cả các lễ hội đó có mất đâu mà phục dựng? Nó vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng dân tộc. Phục dựng phải chăng là diễn lại, nhưng điều đó thiếu sức chi phối, lan tỏa trong bề dày đồ sộ và hết sức bản sắc của nền văn hóa các tộc người bản địa. Và không lẽ có kinh phí thì các tụ điểm sinh hoạt cộng đồng này mới đánh chiêng? Mà không ai tự dưng đem chiêng ra đó để đánh, trừ phi là để biểu diễn phục vụ một sự kiện nào đó mà thôi.

Với nguồn kinh phí đáng kể trên, nhiều người có tâm huyết mong rằng nên dồn lại để ngăn chặn “vấn nạn” phá vỡ không gian truyền thống ở các buôn làng hiện nay. Cứ nghiêm túc nhìn lại xem trên địa bàn Đắk Lắk còn lại bao nhiêu buôn làng cổ xưa? Bản thân yếu tố văn hóa tiên quyết ấy - hoặc là đang bị “bêtông hóa”, hoặc đang bị cơn lốc đô thị hóa tràn tới làm cho méo mó, biến dạng... thậm chí biến mất ngày càng nhiều.

Bởi để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng một cách toàn vẹn, bền vững thì buôn làng truyền thống phải được khẩn cấp gìn giữ, bảo tồn. Bởi chính không gian đích thực ấy mới đủ sức nuôi dưỡng văn hóa cồng chiêng trường tồn. Ở đây cũng xin được nhắc lại: UNESCO vinh danh cồng chiêng Tây nguyên là vinh danh “không gian văn hóa cồng chiêng”, chứ không phải một yếu tố văn hóa đơn lẻ nào trong phức hợp văn hóa có giá trị độc đáo ở vùng đất này.

DmORU7aT.jpgPhóng to

Nhà văn hóa cộng đồng của người Ê Đê ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk được đúc kiên cố bằng bêtông cốt thép, mái lợp bằng tôn - Ảnh: T.B.Dũng

Đề án 2007-2010: chỉ thực hiện được 50%

Nội dung đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2012-2015” có nhiều đầu việc giống đề án giai đoạn 2007-2010: công tác tuyên truyền; mở lớp dạy đánh cồng chiêng; bảo tồn không gian cồng chiêng tại một số buôn làng; phục dựng các lễ hội truyền thống của người bản địa; tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng; hội nghị, hội thảo chuyên đề; sưu tầm và xuất bản các bài chiêng, nhạc chiêng của các cộng đồng dân tộc tại chỗ...

Song, khi nhìn lại kết quả thực hiện đề án trước đó nhiều người thấy băn khoăn. Với kinh phí ở thời điểm đó là 6 tỉ đồng, đề án đã thực hiện được mấy việc: tổng điều tra cồng chiêng trên địa bàn Đắk Lắk; phục dựng một số lễ hội, tổ chức hai cuộc liên hoan cồng chiêng; mở tám lớp dạy chiêng cho lớp trẻ; đặc biệt mua được 128 bộ chiêng trang bị và hỗ trợ các nhà văn hóa cộng đồng. Và cũng theo báo cáo của cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện đề án là “chỉ mới thực hiện được 50% nội dung, còn một số nội dung khác chưa làm được”.

ĐÌNH ĐỐI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên