06/02/2016 08:55 GMT+7

Sao chỉ có 14% bạn trẻ nghỉ tết chọn đi mua sắm?

NHÓM KHẢO SÁT
NHÓM KHẢO SÁT

TT - Chỉ hai ngày nữa là bước sang năm mới, dù đón Tết Nguyên đán đầm ấm cùng gia đình hay phải mừng xuân nơi đất khách thì những bạn trẻ tham gia khảo sát của Tuổi Trẻ đều bày tỏ sẽ đón tết gọn nhẹ, hiện đại nhưng vẫn truyền thống.

Một bạn trẻ đang giúp gia đình chuẩn bị bữa ăn cho lễ tất niên - Ảnh: Châu Anh
Một bạn trẻ đang giúp gia đình chuẩn bị bữa ăn cho lễ tất niên - Ảnh: Châu Anh

Cuộc khảo sát được thực hiện với 150 bạn trẻ (tuổi 20-29) đang sống, làm việc tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ về xu hướng đón tết, ăn tết và chơi tết năm 2016.

Đón tết gọn nhẹ

Nghỉ tết chín ngày với đa số bạn trẻ ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng như vậy là hợp lý để vừa chuẩn bị các nghi thức cúng kiếng, thăm hỏi người thân, vừa có quỹ thời gian đi du lịch.

“Nghỉ lâu quá phát sinh nhiều tệ nạn, nhất là tai nạn giao thông và cờ bạc. Năm nào sau tết cũng xảy ra nhiều vấn đề nên tôi không muốn thời gian lâu hơn. Tết cổ truyền rất quan trọng nhưng không kéo dài quá, ảnh hưởng không tốt cho công việc cũng như tạo nhiều phiền toái cho xã hội hậu tết” - chị Nguyễn Thị Vân Chi (cán bộ Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi) băn khoăn.

Tuy vậy, chỉ 30% bạn trẻ được hỏi ở Cần Thơ đồng ý với ý kiến này và có đến 56,7% “chê” nghỉ tết vậy vẫn còn ít lắm. Anh Nguyễn Phúc Khánh (giảng viên Trường ĐH Tây Đô, Cần Thơ) chia sẻ thời gian nghỉ tết của ngành giáo dục so với các ngành khác tuy có dài hơn nhưng nghỉ trước tết quá dài, mọi người chỉ lo mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, sau tết chỉ có vài ngày đi thăm người thân, bạn bè là hết ngày nghỉ, lại lao vào công việc, do đó không sắp xếp đi du lịch, nghỉ ngơi được.

Với thời gian nghỉ tết này, theo nhiều người, việc mua sắm, tân trang nhà cửa chào đón năm mới phải thực hiện gọn gàng, không mất nhiều thời gian. Nếu trước đây nhiều gia đình cùng nhau ngồi canh nồi bánh chưng đến rạng sáng thì giờ đây, nhiều gia đình trẻ chỉ mất nửa ngày đi chợ hoặc siêu thị là có thể mua được đủ loại bánh.

“Từ bánh chưng, bánh tét cúng đất trời đến các loại bánh quy, kẹo, mứt để biếu tặng hay tiếp khách quý siêu thị bán đủ hết. “Lượn” một vòng là thấy tết sắp tràn vào nhà” - chị Trương Thị Mỹ Linh (Q.Bình Tân, TP.HCM) dí dỏm.

Nhiều bạn trẻ cũng mong muốn đón tết đơn giản để tránh lãng phí và quan trọng bớt gánh nặng cho phụ nữ khi phải lo nhiều việc suốt ngày tết.

“Cứ đến tết các bà, các mẹ, các chị khổ lắm, đặc biệt nhà nào neo người. Thay vì tết là ngày được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình thì tôi thấy hầu như họ chỉ lúi húi ở nhà bếp nấu cỗ cúng, làm cơm mỗi khi khách tới chúc tết. Các mẹ, các chị cứ quanh quẩn nấu nướng cả ngày lấm lem, có người chẳng được mặc một bộ quần áo đẹp đi chơi. Có thể tết đến là niềm vui của người này nhưng cũng là nỗi khổ của người khác” - anh Quốc Anh (Q.3, TP.HCM) tâm sự.

Có thời gian đi du lịch, nghỉ ngơi trong những ngày tết cũng là điều mong muốn chung của 101/150 (67,3% ý kiến) người được khảo sát, nhất là người dân ở TP.HCM.

“Hầu như năm nào tết mình cũng “lên đường”, nhờ vậy mình biết được mỗi nơi có hương vị tết khác nhau. Ăn tết ở đâu không quan trọng, quan trọng là cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa dân tộc của mình, từ đó yêu đất nước hơn” - anh Nguyễn Minh Thuận (Q.1, TP.HCM) nói về lý do đi du lịch vào dịp tết của mình.

Tết để đoàn viên

Dù có nhiều ý kiến cho rằng tết nay không còn như tết xưa, một số phong tục, lễ nghi được giản lược để phù hợp với nhịp sống hiện đại, nhưng đến 68,7% người được hỏi cho rằng nên đón tết theo kiểu truyền thống với các hoạt động như đi tảo mộ, cúng bái, thăm hỏi, chúc tụng...

Trong các hoạt động ngày tết, lựa chọn của số đông (69,3% ý kiến) vẫn là đi thăm và chúc tết gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm.

Có một truyền thống không đổi thay là tâm niệm được đoàn viên trong ngày tết. Thấu hiểu giá trị truyền thống đó, 46% người được hỏi cho biết sẽ về quê thăm gia đình và họ hàng.

Theo dự định của bạn Lý Ngọc Thảo (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), ngay sau khi được nghỉ tết bạn sẽ trở về nhà để cùng gia đình chuẩn bị một số món ăn truyền thống và dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa. Ngọc Thảo bộc bạch: “Tết đến, tôi sẽ dành thời gian nhiều cho gia đình. Với tôi, không gì vui hơn khi những ngày đầu năm mới được ở bên gia đình cùng nhau chuyện trò, bàn tính chuyện tương lai. Cả năm sống xa gia đình, đây là dịp tôi gặp lại, thăm hỏi bà con, họ hàng”.

Tâm lý giữ cách đón tết truyền thống cũng thể hiện qua cách ăn uống ngày tết. Có đến 55,3% người tham gia khảo sát cho biết thường mua thức ăn dự trữ trong tủ lạnh để ăn dần trong ngày tết và 57,3% nói vẫn nấu nướng đãi khách ở nhà. Rất ít người chọn cách mua sắm như bình thường hoặc mời họ hàng, bạn bè ra tiệm ăn cho “đỡ phải dọn dẹp”.

Suốt thời gian khảo sát, Tuổi Trẻ cảm nhận được niềm vui ánh lên trong đôi mắt không ít người. Năm cũ chuẩn bị khép lại, sự mong chờ được trở về bên mái ấm gia đình của bao người con cũng đã đến gần hơn.

Tuy vậy, vẫn còn đó những khoảng lặng khi số ít cho rằng chín ngày nghỉ “nhiều quá, không biết làm gì” (8,7% ý kiến) - số này phần nhiều rơi vào những người con phải đón tết xa quê. Thay vì mua cho mình chiếc vé tàu về với mẹ cha, họ dành số tiền đó biếu đấng sinh thành, những mong gia đình ở quê được đón tết đủ đầy hơn.

Ảnh: Đoàn Cường

* Chị Phạm Như Quỳnh (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng):

“Tôi thấy thời gian nghỉ tết chín ngày như vậy là phù hợp. Khoảng thời gian vậy đủ để về quê thăm gia đình, đi chúc tết bà con rồi nghỉ ngơi sau một năm học hành vất vả.

Giờ đây giới trẻ đón tết thường là đi du lịch xa. Còn tôi vừa đón tết đúng theo nghi lễ truyền thống như đi tảo mộ, cúng bái, thăm hỏi họ hàng, sau đó mới đi du lịch đó đây cho thoải mái”.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Chị Nguyễn Hoàng Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội):

“Tôi thấy tết ngày nay đã bị “nhạt” đi rất nhiều. Tết không khác mấy so với những ngày lễ khác trong năm, dường như cũng chỉ là một chuỗi ngày nghỉ dài để xả stress công việc, tụ tập ăn uống, hát hò...

Mọi thứ đã mai một ngay trong cảm xúc, người trẻ đón tết vui nhưng không còn không khí đầm ấm, thiêng liêng như xưa...”.

Ảnh: Minh Huyền

* Chị Đào Thị Thịnh (Q.9, TP.HCM):

“Làm việc vất vả cả năm, chưa kể phải ly hương mưu sinh nên mỗi một ngày nghỉ tết là một ngày quý giá. Tôi mong tết vẫn giữ vẹn nguyên mọi nét truyền thống, đầy đủ thủ tục cúng ông bà, thăm họ hàng, chúc tết.

Tuy nhiên để tránh lãng phí, chúng ta nên tiết chế vừa phải cỗ bàn, vàng mã. Không phải rình rang mới có lòng thành. Quan trọng nhất là được đoàn tụ bên nhau và hưởng trọn vẹn không khí tết”.

Ảnh: Thùy Trang

* Anh Nguyễn Phúc Khánh (giảng viên Trường ĐH Tây Đô, Cần Thơ):

“Ngày tết là ngày đoàn viên, nghỉ ngơi, các bạn trẻ không nên đến nhà ai là nhậu nhà đó, không những gây phiền toái cho gia chủ mà còn ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe của mình.

Dịp lễ tết nên đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là trên hết, đẩy mạnh tuyên truyền người dân không dùng thực phẩm rẻ, không rõ xuất xứ nguồn gốc vì nếu không có người mua thì người bán dần dần sẽ biết chọn lọc thực phẩm sạch, an toàn hơn cho người tiêu dùng”.

Ảnh: Văn Tiên

Chị Võ Thị Thảo Ly (Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

“Tết đến tôi chỉ thèm về quê nhà đoàn tụ với gia đình, nhưng đôi khi tôi cũng gặp áp lực nếu năm đó làm ăn không được.

Tôi sợ cảm giác về nhà mà lo lắng cho ba mẹ không đủ đầy, ba mẹ không vui thì tết cũng không trọn vẹn”.

Ảnh: Minh Huyền

* Anh Minh Phú (ĐH Lao động - xã hội):

“Tôi nghĩ tết ngày nay không còn giống ngày xưa. Từ mùng 2 là chợ và siêu thị đã mở cửa nên không nhất thiết phải trữ đồ ăn ở nhà quá nhiều. Ngày tết, các gia đình hầu hết chuẩn bị mâm cỗ gần giống nhau nên người đến chúc tết không ăn thì ngại, ăn thì ngán quá. Chỉ có mẹ và các chị vất vả, trong khi lãng phí như thế thì không cần thiết”.

NHÓM KHẢO SÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên