05/11/2016 10:01 GMT+7

Sáng kinh doanh, tối đem phong bì đi quan hệ

 NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Ông Trần Hữu Huỳnh - chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN cho biết nhiều người dân và doanh nghiệp phải chấp nhận chuyện “sáng đi kinh doanh, tối đi quan hệ” bằng “phong bì”.

Tại hội thảo “Đánh giá tình hình thực thi Luật cạnh tranh VN và định hướng hoàn thiện” do Bộ Công thương tổ chức sáng 4-11, ông Trần Hữu Huỳnh - chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN - cho rằng những vụ việc xử lý cạnh tranh còn rất hạn chế, cho dù Luật cạnh tranh đã được thực thi 10 năm nay.

“Để Luật cạnh tranh chuyển đổi từ một thị trường phản cạnh tranh sang thị trường cạnh tranh lành mạnh hay không vẫn đang là câu chuyện dài. Nhà đầu tư lớn nhất của VN hiện nay là Nhà nước, cũng là nhà làm chính sách duy nhất, độc quyền về chính sách. Một nhà đầu tư vừa làm chính sách, vừa làm luật lại độc quyền trong một số lĩnh vực, ai dám khiếu nại và ai dám ganh đua?” - ông Huỳnh đặt câu hỏi.

Theo ông Huỳnh, do không thể cạnh tranh sòng phẳng và minh bạch, nhiều người dân và doanh nghiệp phải chấp nhận chuyện “sáng đi kinh doanh, tối đi quan hệ” bằng “phong bì”.

Trong khi đó, rào cản gia nhập thị trường với doanh nghiệp rất lớn. Dẫn chứng từ việc rà soát các điều kiện kinh doanh thời gian vừa qua, một đại biểu cho rằng việc “bỏ cái này ra và đưa cái kia là cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt”.

Chẳng hạn với nghị định 19 về quản lý kinh doanh gas, việc yêu cầu dự trữ và số lượng bình chứa khiến doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia thị trường.

Tương tự, yêu cầu xuất khẩu gạo phải có cầu cảng, kho chứa... nên doanh nghiệp không còn đủ quyết tâm để đầu tư phát triển.

Trong khi đó, việc xử lý cạnh tranh chỉ được vài trường hợp, chưa đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cạnh tranh đang được giao quá nhiều nhiệm vụ như điều tra, bảo vệ người tiêu dùng; chống trợ cấp; áp dụng biện pháp tự vệ...

Do đó, cần thiết phải lập một tổng cục cạnh tranh để điều chỉnh, phân công lại chức năng của các cơ quan quản lý cạnh tranh cho phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo thông tin được Cục Quản lý cạnh tranh cung cấp tại hội thảo, sau 10 năm thực thi Luật cạnh tranh, đến nay cơ quan chức năng đã điều tra 8 vụ việc liên quan tới gần 80 doanh nghiệp về thỏa thuận và lạm dụng, 23 vụ việc liên quan đến tập trung kinh tế và điều tra 137 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên