Anh Nguyễn Thành Tuấn (trái) và anh Lê Văn Pháp tại xí nghiệp - Ảnh: K.ANH
Đó là anh Lê Văn Pháp - 28 tuổi, tổ trưởng tổ sửa chữa tổng quát 3 và anh Nguyễn Thành Tuấn - 26 tuổi, cố vấn dịch vụ sửa chữa ôtô.
Tuấn và Pháp thể hiện tinh thần xung kích và hiệu quả trong các hoạt động tại đơn vị, phát huy các sáng kiến cải tiến của người thợ trẻ. Chúng tôi luôn ghi nhận những tiến bộ của anh em để kịp thời đào tạo và bố trí công việc tốt hơn
Ông NGUYỄN QUANG TUYÊN (phó giám đốc Xí nghiệp dịch vụ ôtô Isuzu An Lạc)
Có sáng kiến, công đoạn làm việc nhẹ hẳn
Đầu quân về xí nghiệp cách đây 5 năm sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ ôtô của Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, anh Lê Văn Pháp bắt đầu công việc của một kỹ thuật viên, chuyên bắt "bệnh" và ra lời giải "điều trị" cho những cỗ máy.
Tuy nhiên, trong nhiều lần lắp phốt đuôi cốt máy (động cơ), không chỉ anh mà hầu như mọi người đều thấy khó khăn và đôi khi còn làm bể chiếc phốt do đẩy lực quá tay. "Chỉ là 300.000 đồng/cái, nhưng nếu hư hỏng nhiều cũng gây thiệt hại cho đơn vị. Tôi suy nghĩ tìm cách làm thế nào cho hiệu quả nhất" - anh Pháp chia sẻ.
Anh Pháp đề xuất giải pháp cải tiến cách lắp phốt bằng việc dùng dụng cụ cẩu để ép phốt khi ráp. Khi áp dụng sáng kiến này, công việc ở công đoạn này nhẹ hẳn, động cơ rất hiếm khi bị bể phốt, tiết kiệm thời gian cho người lao động, tăng năng suất làm việc của mỗi người thợ, góp phần tăng hiệu quả công việc của xí nghiệp.
Giảm bớt sức người
Nguyễn Thành Tuấn, cựu sinh viên chuyên ngành cơ khí động lực Đại học Sư phạm kỹ thuật, cũng bắt đầu với công việc của một người thợ. Anh Tuấn là tác giả giải pháp "Chế tạo dụng cụ tháo trục xoay bánh xe".
Trước đó khi làm việc, người lao động dùng búa đóng để tháo trục xoay bánh xe, có khi phải cần đến ba người mới có thể giải quyết. Không chỉ mất sức mà còn dễ xảy ra tai nạn nếu người đập búa không chuẩn xác thì người giữ thăng bằng sẽ bị đập vào tay.
Dụng cụ do anh Tuấn sáng chế được thiết kế bằng sắt dùng như "súng bắn", có lực khoảng 8kg để tháo trục xoay bánh xe một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng.
"Vốn dĩ nhà thiết kế của hãng xe đã làm rất chuẩn. Nhưng trong thực tế, một số chi tiết vẫn chưa phù hợp, do vậy nếu làm việc mà có sáng kiến giúp công việc hiệu quả hơn và tất cả vì sự an toàn" - anh Tuấn cho hay.
Anh Tuấn từng tham gia hội thi tay nghề cấp toàn quốc của ISUZU trước anh Pháp và đoạt giải nhất. Đồng đội anh cũng "ẵm" luôn giải nhất tập thể.
Sau thành tích này, anh Tuấn đã được ban lãnh đạo đề đạt lên vị trí cố vấn dịch vụ sửa chữa ôtô. Nghĩa là anh không còn trực tiếp tháo ráp máy móc mà nhiệm vụ đã nặng hơn khi anh vừa tiếp xúc tư vấn khách hàng và cũng là "bác sĩ" đầu tiên bắt bệnh cho những chiếc xe bị hư.
Còn anh Pháp cũng ghi tên mình trong danh sách những người thợ giỏi khi đoạt giải nhất Hội thi tay nghề kỹ thuật viên ISUZU toàn quốc năm 2017 và đội của anh đoạt giải nhất đồng đội.
Hiện anh Pháp đảm nhiệm vai trò tổ trưởng tổ sửa chữa tổng quát 3 của xí nghiệp. Bằng kinh nghiệm người thợ vững chuyên môn, anh luôn hỗ trợ đồng nghiệp giải quyết các khâu sửa chữa những xe bị hư hỏng nặng.
Cả hai anh chàng thợ giỏi từng được Thành đoàn TP.HCM trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi cho những người thợ có nhiều sáng kiến trong lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận