12/09/2024 14:00 GMT+7

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo xu thế bền vững

DIỄM MY
và 1 tác giả khác

Bên cạnh chú trọng vào dòng gạo chất lượng cao và kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác lúa gạo hiện nay đã quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chí bền vững.

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo xu thế bền vững  - Ảnh 1.

Tăng tính cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu nhờ gạo chất lượng cao - Ảnh doanh nghiệp cung cấp

Mục đích chung là nhằm giảm phát thải, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Liên tục có đơn hàng xuất khẩu nhờ gạo chất lượng cao

Tập đoàn Tân Long đã nhiều lần xuất khẩu thành công sang các thị trường có nhiều yêu cầu kiểm định khắt khe về chất lượng như châu Úc và châu Âu, bên cạnh các thị trường truyền thống khác như Philippines, Malaysia, châu Phi... Trước đó vào năm 2023, tập đoàn cũng đưa thành công gạo ST25 A An vào Nhật Bản sau khi đã vượt qua gần 600 chỉ tiêu chất lượng.

Việc Liên minh châu Âu (EU) muốn siết chặt hơn nữa chất lượng nông sản nhập khẩu là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với các doanh nghiệp ý thức được xu hướng sản xuất xanh, tạo nên sản phẩm sạch - an toàn như Tân Long.

"Việc EU siết các tiêu chuẩn chất lượng này có ý nghĩa với người tiêu dùng, người sản xuất và cả cho môi trường. Vì nó buộc các nhà sản xuất từ doanh nghiệp tới nông dân phải cùng nhau thay đổi tư duy sản xuất một cách bài bản vì những ý nghĩa lớn lao hơn - sống an toàn, nói không với tồn dư vi lượng hóa chất", lãnh đạo tập đoàn chia sẻ.

Luôn đề cao các vấn đề về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững không chỉ là yêu cầu từ EU hay các thị trường khó tính, mà chắc chắn sẽ là xu thế sản xuất và tiêu dùng trong tương lai.

Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo xu thế bền vững  - Ảnh 2.

Tập đoàn đang tích cực mở rộng các vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân để sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo định hướng giảm phát thải - Ảnh doanh nghiệp cung cấp

Canh tác lúa gạo giảm phát thải

Tập đoàn Tân Long là 1 trong số 10 doanh nghiệp được lựa chọn để thực hiện liên kết với các hợp tác xã và nông dân tại 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp trong dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" (TRVC). 

Dự án TRVC huy động, tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa phát thải thấp với các mục tiêu cụ thể: giảm 20 - 30% phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, giảm 20 - 40% lượng nước tiêu thụ, giảm 200.000 tấn CO2, đảm bảo ít nhất 30% lợi nhuận cho nông dân.

Kết quả của dự án sẽ đóng góp vào việc thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham gia vào dự án, Tân Long sẽ dần mở rộng các vùng nguyên liệu canh tác lúa gạo chất lượng cao, đồng thời với việc nâng cao năng lực xử lý sau thu hoạch và toàn bộ quy trình nhập, sấy, xay, sản xuất, đóng túi gạo tại nhà máy. 

Hiện nay tập đoàn cũng đang sở hữu hệ thống 5 nhà máy gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Nhà máy gạo Hạnh Phúc (An Giang) quy mô lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn còn hợp tác với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) để nâng cao tính bền vững trong sản xuất lúa gạo, giảm phát thải nhà kính, nâng cao thu nhập cho nông dân; tạo nên sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cao.

Đây là những lợi thế giúp tập đoàn ngày càng tiệm cận với xu thế tiêu thụ của thế giới khi không chỉ đảm bảo tăng tính cạnh tranh bằng chất lượng mà còn hướng đến phát triển xanh và bền vững; sản xuất gạo thơm đáp ứng tốt thị hiếu của các thị trường lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên