26/11/2011 05:15 GMT+7

Săn nhân lực từ các câu lạc bộ

MAI VINH - PHƯỚC TUẦN
MAI VINH - PHƯỚC TUẦN

TT - Hằng năm, Tập đoàn Hoa Sen đầu tư 100 triệu đồng cho Đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) qua chương trình Quản trị viên tập sự. Đây là cách tập đoàn này đầu tư tìm kiếm nhân viên giỏi từ trường đại học. Nhiều tập đoàn, công ty lớn tìm nhân sự cho mình thông qua hình thức này.

H9ZHDqVo.jpgPhóng to
Sinh viên CLB Chứng khoán (ĐH Kinh tế TP.HCM) trong phiên giao dịch hàng hóa ảo tổ chức ngày 13-11 - Ảnh: Như Hùng

Xây dựng nguồn nhân lực từ xa

Theo đặt hàng từ Tập đoàn Hoa Sen, trường sẽ cử ra những sinh viên năm 3 xuất sắc nhất để đưa vào Câu lạc bộ Quản trị viên tập sự. Ở đây các sinh viên được đào tạo về kỹ năng mềm, tham dự công việc thực tế với các chức danh trợ lý giám đốc và phó giám đốc. Sau hai năm, những tập sự viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được Hoa Sen nhận và bổ nhiệm vào những vị trí cao trong công ty.

PGS.TS Lê Quân - từng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà quản trị tương lai của Đại học Thương mại Hà Nội - cho biết bốn đời chủ nhiệm liên tiếp của câu lạc bộ này đều trở thành những giám đốc điều hành ở độ tuổi 25-26 và các sinh viên tham gia câu lạc bộ đa số đều có được những vị trí tốt ở các công ty sau khi tốt nghiệp. Ở cương vị chủ tịch hội đồng quản trị Eduviet, ông cho biết 80% những nhân viên tốt và có ý định gắn bó lâu dài với đơn vị đều được ông tìm kiếm từ nguồn này.

Chờ những kết nối từ doanh nghiệp

Anh Huỳnh Phước Nghĩa - hiện đang là giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, chuyên gia tư vấn, thành viên CMO Council (Ủy ban Giám đốc marketing cao cấp) - khẳng định mình có được thành công cũng nhờ tích lũy kinh nghiệm từ những ngày sinh viên làm điều hành Câu lạc bộ Margroup.

Anh cho biết: “Trong môi trường câu lạc bộ, tôi và các thành viên đã quen cọ xát với việc tổ chức sự kiện về lĩnh vực kinh tế, tìm cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp. Nhưng cũng mất khá nhiều thời gian để tôi và các thành viên phải đi tìm việc sau khi ra trường. Nếu ngày đó chúng tôi liên kết thành công với một doanh nghiệp lớn có kế hoạch xây dựng nhân lực lâu dài thì chúng tôi đã có thể có bộ khung sinh hoạt nghiệp vụ sát với thực tế, chưa kể sẽ dễ dàng có việc làm sau tốt nghiệp”.

Câu lạc bộ Kỹ năng doanh nhân - Đại học Ngoại thương TP.HCM thành lập được tám năm, là một trong số câu lạc bộ học thuật thu hút đông sinh viên của trường tham gia. Lê Hoàng Thạch, chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: “Thời gian gần đây, câu lạc bộ đã liên kết với Ganon Group để cung cấp suất thực tập cho sinh viên năm cuối. Tham quan thực tế doanh nghiệp ở Tập đoàn Unilever và các doanh nghiệp khác để tìm kiếm các suất học bổng tiếng Anh cho thành viên. Có thành viên câu lạc bộ đã trở thành những nhân viên được trọng dụng nhưng chưa nhiều”. Theo Thạch, nếu có sự liên kết rộng hơn nữa với nhiều doanh nghiệp thì sự trưởng thành của các thành viên sẽ tốt hơn.

Một hoạt động câu lạc bộ có thương hiệu

Một câu lạc bộ cũng hoạt động rầm rộ, có tiếng vang và gây dựng được thương hiệu là Câu lạc bộ Chứng khoán Đại học Kinh tế TP.HCM với việc tổ chức Sàn giao dịch hàng hóa ảo hằng năm. Đây là một ví dụ về tính năng động, chuyên nghiệp của sinh viên đang hoạt động trong câu lạc bộ.

Tiến sĩ Thân Thị Thu Thủy - phó chủ nhiệm khoa ngân hàng Đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết: “Đây là cách các bạn trẻ tự giới thiệu mình với doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp theo dõi chặt chẽ hoặc đầu tư cho câu lạc bộ với kế hoạch hoạt động lâu dài thì sẽ có nguồn ứng viên tốt”.

MAI VINH - PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên