06/12/2020 10:09 GMT+7

Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài - Kỳ 3: Đào tẩu bằng con đường đầu tư định cư

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhằm truy bắt người vi phạm tội phạm về chức vụ đào tẩu ra nước ngoài và ngăn chặn đối tượng này bỏ trốn, Trung Quốc bắt đầu tiến hành chiến dịch Lưới trời từ tháng 3-2015.

Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài - Kỳ 3: Đào tẩu bằng con đường đầu tư định cư - Ảnh 1.

Hạ Kiên bị áp giải ngày 7-11-2017 - Ảnh: CCDI

Các quan chức đào tẩu sẽ không còn nơi nào lẩn trốn.

Chuyên gia TỐNG UY

Bảy năm lẩn trốn ở nước ngoài của Hà Kiên - cựu giám đốc phụ trách bất động sản của Tập đoàn Cảng Hà Bắc (Trung Quốc) - đã kết thúc lúc 16h30 chiều ngày 7-11-2017 tại chân cầu thang chuyến bay Air China 992 khởi hành từ Vancouver (Canada). Máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh, hai sĩ quan an ninh đã áp giải Hà Kiên ngay lập tức.

"Tự nguyện" về nước đầu thú

Báo chí Trung Quốc thường xuyên nói đến các trường hợp "tự nguyện" về nước quy án như Hà Kiên. Trong danh sách 100 đối tượng phạm tội kinh tế bị truy nã ở nước ngoài được công bố năm 2015, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) cho biết Hà Kiên đào tẩu năm 2010 và có thể cư trú tại thị trấn Nanaimo trên đảo Vancouver. 

Rất ít thông tin chi tiết từ CCDI giải thích vì sao Hà Kiên lại trở về Trung Quốc trong khi không bị Canada khởi tố hoặc trục xuất.

Năm năm trước vụ Hà Kiên, vào ngày Tết âm lịch năm 2012, Lý Đông Triết đã rời Canada trở về Bắc Kinh "đầu thú" theo thông báo của CCDI. Họ Lý được xem là đối tượng đào tẩu nổi tiếng vì dính líu đến vụ án lừa đảo ngân hàng thuộc hàng sừng sỏ nhất lịch sử Trung Quốc với số tiền tham ô tương đương 113 triệu USD

Ngày 31-12-2004, Lý Đông Triết cùng em trai Lý Đông Hổ đào tẩu sang Vancouver theo thị thực du lịch cùng gia đình. Năm sau, vợ con hai người này trở về Trung Quốc, còn họ ở lại xin tị nạn nhưng không thành. Sau khi bị cảnh sát Canada bắt giữ vì quá hạn visa, Lý Đông Triết bị quản chế, phải đeo vòng tay điện tử theo dõi. CCDI giải thích do quá mệt mỏi với điều kiện cư trú hạn chế ở nước ngoài nên họ Lý quyết định về nước quy án.

Theo báo South China Morning Post, luật sư Douglas Cannon của Lý Đông Triết giải thích họ Lý đã đạt thỏa thuận với Lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver mức án sẽ không quá 15 năm tù, Lý Đông Hổ không bị truy tố và tài sản không liên quan đến vụ án không bị tịch thu. 

Rốt cuộc Lý Đông Triết bị kết án tù chung thân và tài sản bị tịch thu, còn Lý Đông Hổ lãnh án 25 năm tù. Trên thực tế năm 2008, Trung Quốc chỉ cam kết bằng văn bản với Canada sẽ không thi hành án tử hình đối với hai anh em họ Lý mà thôi.

Nhằm truy bắt người vi phạm tội phạm về chức vụ đào tẩu ra nước ngoài và ngăn chặn đối tượng này bỏ trốn, Trung Quốc bắt đầu tiến hành chiến dịch Lưới trời từ tháng 3-2015. Năm nay, sau khi chiến dịch Lưới trời 2020 được phát động, Hải Đào 60 tuổi đã từ Canada về nước đầu thú hồi tháng 5-2020.

Hải Đào nguyên là thanh tra viên Văn phòng Điều hành vận tải thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc (giải thể năm 2013). Ông ta bị điều tra về tội hối lộ nên đào tẩu sang Canada vào tháng 1-2013 và đã bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ vào tháng 3-2016. 

Hải Đào được hưởng quy chế thường trú nhân, còn vợ con đã nhập tịch nước ngoài. CCDI giải thích do Ủy ban Giám sát quận Hải Điến (Bắc Kinh) tích cực điều tra hành vi rửa tiền và phong tỏa tài sản của Hải Đào để gây sức ép kinh tế, vì vậy ông ta mới quay về Trung Quốc.

Chuyên gia Tống Uy - giám đốc Trung tâm nghiên cứu liêm chính (Đại học Khoa học và công nghệ Bắc Kinh) - nhận định: "Sự kiện Hải Đào về nước chứng minh chiến dịch Lưới trời hoạt động liên tục nhiều năm đã mang lại kết quả răn đe đáng kể". Tống Uy tin rằng chiến dịch này hiệu quả đến mức "các quan chức đào tẩu sẽ không còn nơi lẩn trốn".

Ngoài các quan chức tham nhũng, chiến dịch Lưới trời 2020 còn nhắm đến các chủ doanh nghiệp tư nhân làm giàu bất chính bằng cách hối lộ quan chức. Để phá vỡ giao dịch quyền - tiền, ngoài phong tỏa tài sản, Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc (được Quốc hội thành lập vào tháng 3-2018) còn sử dụng bảo kiếm "lệnh truy nã đỏ" của Interpol. 

Theo CCDI, lệnh truy nã đỏ thể hiện quyết tâm truy bắt các phần tử tham nhũng bỏ trốn đến cùng, từ đó hình thành không khí trốn chạy - truy đuổi khắp thế giới và tạo sức ép tâm lý rất lớn đối với kẻ đào tẩu, từ đó họ nhận thấy tự nguyện về nước đầu thú càng sớm càng tốt là lựa chọn đúng đắn.

Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài - Kỳ 3: Đào tẩu bằng con đường đầu tư định cư - Ảnh 3.

Ngày 14-12-2018, CCDI thông báo Giang Lôi - cựu phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc - từ New Zealand đã “trở về” Bắc Kinh quy án - Ảnh: THX

Dùng tiền tham nhũng đầu tư định cư

Cuối tháng 4-2017, lần đầu tiên CCDI công bố danh sách 22 đối tượng tham nhũng trốn ra nước ngoài kèm thông tin rất cụ thể như họ tên, giới tính, chức vụ, ảnh chân dung, số hộ chiếu, địa chỉ có thể ẩn náu ở nước ngoài. Trong số này có 10 người ở Mỹ, 5 người ở Canada, 4 người ở New Zealand, 3 người ở Úc, Anh, đảo quốc Saint Kitts & Nevis. Các nước này đều có chương trình đầu tư định cư và không nước nào ký hiệp định dẫn độ với Trung Quốc.

Lúc bấy giờ CCDI tuyên bố: "Chúng tôi khuyến cáo một số quốc gia không theo đuổi lợi ích kinh tế riêng bằng cách cấp hộ chiếu và thị thực thông qua các chương trình đầu tư định cư khi các đương đơn bị nghi ngờ tham nhũng". Trung Quốc cho rằng những người đào tẩu đã lợi dụng chương trình đầu tư định cư ở nước ngoài để lẩn trốn cùng với tiền tham nhũng.

Theo CCDI, tính đến tháng 11-2020, Trung Quốc đã ký kết 169 hiệp định dẫn độ và hiệp định hỗ trợ tương trợ tư pháp với 81 quốc gia. Nhà phân tích Michael Laha ở Trung tâm nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung (thuộc tổ chức Asia Society ở Mỹ) ghi nhận so với Mỹ (Mỹ đã thực thi hiệp định dẫn độ với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ), các quốc gia phê chuẩn hiệp định dẫn độ với Trung Quốc không nhiều nên ngoài biện pháp dẫn độ, nước này còn áp dụng ba biện pháp chủ yếu khác đối với người đào tẩu ra nước ngoài như CCDI từng tuyên bố năm 2017 gồm buộc hồi hương do nhập cư trái phép (trục xuất), truy đuổi ở nước ngoài và thuyết phục quay về nước.

TS David Sadoff ở Trung tâm đạo đức và pháp quyền thuộc Trường luật Đại học Pennsylvania (Mỹ) giải thích trong các biện pháp đưa cá nhân từ khu vực tài phán này sang khu vực tài phán khác còn có biện pháp dẫn độ trá hình. Ông giải thích dẫn độ trá hình là "hành vi có chủ đích tránh né luật về dẫn độ hoặc hiệp định có hiệu lực của quốc gia sở tại để trực tiếp hoặc gián tiếp đưa người đào tẩu đến một quốc gia có quyền thực thi pháp luật đối với người đào tẩu, thông thường bằng cách thực thi pháp luật về nhập cư".

Nhà phân tích Michael Laha ghi nhận có nhiều báo cáo về việc Trung Quốc đã áp dụng nhiều hình thức gây sức ép để buộc đối tượng tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài phải trở về nước. Ví dụ như cản trở gia đình người đào tẩu rời khỏi Trung Quốc hoặc nhân viên an ninh Trung Quốc đã sử dụng thị thực du lịch để nhập cảnh rồi tìm cách tiếp cận và o ép người đào tẩu về nước đầu thú.

Michael Laha giải thích lệnh truy nã đỏ của Interpol không phải là lệnh bắt giữ quốc tế. Cho dù Interpol phát lệnh truy nã đỏ cũng không có nghĩa có thể dẫn độ người đào tẩu hoặc thực hiện bất kỳ hình thức chuyển giao nào đối với đối tượng đào tẩu.

Chiến dịch Lưới trời

CCDI đánh giá trong đại dịch COVID-19, công tác truy bắt tội phạm ở nước ngoài và thu hồi tài sản bất hợp pháp vẫn không gián đoạn. Từ tháng 1 đến 8-2020, đã có 799 đối tượng đào tẩu bị bắt trong chiến dịch Lưới trời 2020.

Trong sáu năm qua, Trung Quốc đã bắt giữ 7.831 đối tượng đào tẩu từ hơn 120 quốc gia và khu vực, trong đó có 60 người có tên trong danh sách 100 đối tượng đào tẩu Trung Quốc bị truy nã đỏ, thu hồi 19,65 tỉ nhân dân tệ (2,88 tỉ USD).

Kỳ tới: Gây án và chạy trốn khắp nơi

Doanh nhân Jho Low đang bị Malaysia, Mỹ và Singapore truy nã với vai trò đạo diễn vụ tham ô tài sản quy mô lớn ở Malaysia. Không ai biết người này đang ở đâu.

Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài - Kỳ 2: Săn lùng những kẻ tham nhũng đào tẩu ra nước ngoài - Kỳ 2: 'Quả ngọt' hối lộ từ dự án làm đường

TTO - Cuối tháng 10-2019, cảnh sát Mexico đã áp giải Jorge Juan Torres López - cựu thống đốc tạm quyền bang Coahuila (bang lớn thứ ba của Mexico) - ra sân bay bàn giao cho các đặc vụ Mỹ dẫn độ về Mỹ.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên