22/12/2018 11:43 GMT+7

Sân chơi thể thao của những cựu chiến binh

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Chỉ với một tay, ông Chuyển giao cầu, đỡ cầu rồi tung người thực hiện những cú đập mạnh mẽ. Trên khán đài, những người đồng đội dành cho ông sự cổ vũ lẫn cái chào trân trọng…

Sân chơi thể thao của những cựu chiến binh - Ảnh 1.

Chỉ với một tay nhưng ông Chuyển vẫn thi đấu sòng phẳng cùng các VĐV khác - Ảnh: H.Đ.

Đó là hình ảnh ở hội thao của những cựu chiến binh diễn ra mới đây tại nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM).

Thể thao giúp hòa nhập cuộc sống

Và người đàn ông vừa được mô tả ở trên là thiếu tá Nguyễn Văn Chuyển (66 tuổi) - từng làm công tác giảng dạy ở Trường ĐH quân sự Trần Đại Nghĩa. Nhiều năm qua, những người tập luyện thể thao ở Quân khu 7 đã quen với hình ảnh của vị "độc thủ đại hiệp" này trên những sân đấu cầu lông. Hơn 40 năm trước, ông Chuyển mất hơn nửa cánh tay phải vì bom mìn ở chiến trường Campuchia.

"Lần đó bị thương nặng và tôi được đưa về quê nhà luôn. Tất nhiên là rất đau, rất cực nhưng với những người lính ra chiến trường thì chuyện này đã nằm trong dự liệu. Tôi còn giữ được tính mạng là may mắn rồi. Sau khi về tôi bắt đầu đi học, rồi sau này được nhận vào giảng dạy ở Trường Trần Đại Nghĩa. Suốt 40 năm qua, thể thao giúp tôi rất nhiều trong việc hòa nhập cuộc sống", ông Chuyển kể.

"Tôi bị mất tay phải. Do thuận tay phải nên tôi gặp nhiều khó khăn khi làm việc bằng tay trái. Nhưng tôi lại cầm vợt cầu lông một cách khá dễ dàng. Việc chơi cầu lông giúp tôi dần quen với việc sử dụng tay trái", ông Chuyển nói.

Nhiều năm trời, những vết thương cũ cũng khiến ông Chuyển chịu bao phen đau nhức, khổ sở. Tuy nhiên, việc tập luyện thể thao chăm chỉ giúp cơ thể ông dần khỏe mạnh trở lại.

Chỉ có một tay nhưng khi so tài với những người có đầy đủ hai tay, thiếu tá Chuyển vẫn luôn tươi cười, giữ tinh thần thi đấu mạnh mẽ. "Mấy anh em ở đây ai chả có vết thương trên người, không nhiều thì ít thôi. Ra chiến trường mình đâu có được phân hạng thương tật", ông Chuyển cười khi được hỏi.

Sân chơi thể thao của những cựu chiến binh - Ảnh 2.

Ông Đặng Đình Thành quen với việc chơi bóng bàn từ thời quân ngũ - Ảnh: H.Đ.

Tình đồng đội lúc tuổi già

Là hội thao dành cho các cựu chiến binh, giải cũng không thiếu hình ảnh của những lão tướng đầu bạc. Nằm trong số những VĐV cao tuổi nhất của giải, hai cựu sĩ quan Bùi Văn Tuyển (72 tuổi) - Lê Hữu Phan (64 tuổi) vẫn thi đấu quyết liệt, đánh bại nhiều đối thủ trẻ trung hơn nhiều. Bí quyết của họ nằm ở sự ăn ý.

"Tôi và anh Tuyển cùng công tác trong ngành quân y và là đồng đội của nhau ở chiến trường nên rất hiểu ý nhau. Hết chiến tranh, cả hai cùng về giảng dạy trong ngành y tế quân sự. Tôi dạy ở ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, còn anh Tuyển ở Học viện Quân y. Nhiều năm qua, chúng tôi vẫn thường tập luyện cầu lông cùng nhau", ông Phan kể.

Dưới mái đầu bạc trắng, khắp người ông Tuyển còn là những vết sẹo chi chít vì bom mìn sau bao năm tháng lăn lộn cứu hộ trên chiến trường phía Bắc. "Anh Phan biết rõ phần tay nào, chân nào của tôi bị suy yếu vì chấn thương để hỗ trợ. Chẳng hạn như phần vai trái từng có mảnh đạn găm vào khiến tôi không thể nhoài người đập cầu được thì anh vớt", ông Tuyển nói.

Thể thao là để rèn luyện sức khỏe, nhưng với những cựu chiến binh, thể thao còn giúp họ sống lại những năm tháng hào hùng của thời kỳ quân ngũ. Với thiếu úy Đặng Đình Thành - người từng làm công tác huấn luyện quân ngũ cho chiến tranh biên giới phía Bắc, cây vợt bóng bàn đã theo ông suốt từ những năm tháng phục vụ trong quân đội.

"Hồi đó chúng tôi tập thể thao thường xuyên để có sự dẻo dai, thể lực. Riết rồi thành thói quen, mấy chục năm sau này tôi chỉ đi dạy ở ĐH luật và cứ mỗi lần cầm đến cây vợt bóng bàn là lại nhớ thời còn trong quân đội", ông Thành kể. 

Hay như đại tá Lê Văn Đẳng - người đã thực hiện một chuyến xe đạp xuyên qua biên giới Campuchia để gợi nhớ những năm tháng từng hành quân qua đây.

Người lê bước trên đôi chân cà nhắc, người oằn mình với cánh tay không nguyên vẹn hay mái đầu bạc trắng nhưng với họ, dù ở nơi đâu, một sĩ quan là luôn phải thi đấu hết mình.

Mời tham dự các giải đấu thể thao khuyết tật

Vừa thi đấu xong, ông Chuyển lập tức nhận được lời đề nghị từ một đại diện của Liên đoàn Cầu lông TP.HCM về việc tham dự các giải đấu thể thao khuyết tật.

Ông Chuyển gật đầu ngay: "Nói chung mình chỉ có một tay mà đánh với người đủ hai tay thì hơi khó, nên tôi thường phải đánh đôi cho đỡ mệt. Nếu được tham gia sân chơi những người có hoàn cảnh giống mình thì tốt quá", ông Chuyển nói.

Khi những cựu chiến binh chơi thể thao Khi những cựu chiến binh chơi thể thao

TTO - Invictus Games là Đại hội thể thao dành cho những cựu chiến binh và các nhân viên quốc phòng bị thương khi đang làm nhiệm vụ quốc gia được khởi xướng bởi Hoàng tử Anh Harry từ năm 2014.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên