26/03/2013 08:27 GMT+7

Samsung khởi công dự án 2 tỉ USD tại VN

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngày 25-3 tại Thái Nguyên, Tập đoàn Samsung đã khởi công nhà máy thiết bị di động thứ hai ở VN với số vốn đầu tư tới 2 tỉ USD. Đây cũng là nhà máy lớn nhất thế giới của Samsung trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động.

Khởi công nhà máy Samsung dạng lớn nhất thế giới tại VN

lGILBMrx.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy Samsung Thái Nguyên - Ảnh: TTXvn

Nhà máy sản xuất thiết bị di động tại Khu công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh (Samsung Electronics VN - SEV) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2009 với tổng vốn đầu tư 670 triệu USD. Năm 2012, Samsung đã quyết định nâng tổng vốn đầu tư lên 1,5 tỉ USD, phát triển SEV thành Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung VN.

Dự kiến Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên đi vào hoạt động cuối năm 2013.

(Nguồn: Tập đoàn Samsung)

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Samsung đã chọn VN là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. Với việc đầu tư của Samsung, Thủ tướng tin sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào VN.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina, nói: “Sau khoảng bốn năm đầu tư vào dự án SEV tại Bắc Ninh, chúng tôi nhận thấy dự án hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy, thay vì phải mất hai năm để có quyết định nâng vốn đầu tư lên 1,5 tỉ USD như dự án SEV, chúng tôi đã quyết định đầu tư 2 tỉ USD vào nhà máy mới tại Thái Nguyên ngay trong giai đoạn đầu tiên. Nhà máy này cũng sẽ sản xuất những sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất của Samsung như Galaxy S3, sắp tới là S4...”.

* Sau bốn năm đầu tư của Samsung, doanh nghiệp VN đã tham gia được gì?

- Nói doanh nghiệp VN tham gia được gì thì cũng phải hỏi chúng ta đã có gì để tham gia? Trước đây doanh nghiệp VN muốn tham gia ngành công nghiệp phụ trợ cũng khó vì không có đầu ra, không có thị trường. Khi có những dự án lớn như Samsung vào sẽ tạo ra nhu cầu cho ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay các doanh nghiệp VN chỉ mới tham gia cung cấp những sản phẩm hết sức đơn giản như vỏ hộp, dây cắm... Những vật tư linh kiện cần thiết và đạt chất lượng, giá cả cho những sản phẩm thiết bị di động của Samsung lâu nay chưa được sản xuất trong nước. Nhưng quy luật các nước khi mới phát triển công nghiệp đều như vậy, đều cần phải có thời gian để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho riêng mình.

* Samsung sẽ hỗ trợ gì để phát triển công nghiệp phụ trợ VN?

- Samsung hay bất cứ công ty sản xuất lớn nào cũng muốn có nguồn cung cấp ngay tại nội địa vì nhập khẩu bên ngoài cần ngoại tệ, đặc biệt là cần thời gian đặt hàng dài hơn. Vì vậy, nội địa hóa là nhu cầu tự nhiên của doanh nghiệp, không cần phải có sức ép từ phía chính phủ. Samsung luôn sẵn sàng mua linh kiện vật tư trong nước nếu đáp ứng được chất lượng, giá cả... Vấn đề là các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được những vật tư linh kiện theo yêu cầu của Samsung hay chưa.

Với việc Samsung đầu tư thêm nhà máy thiết bị di động thứ hai tại VN, nhu cầu linh kiện vật tư tăng lên cao hơn nữa, tôi tin nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện sẽ tiếp tục đầu tư vào VN để có thể cung ứng kịp thời cho nhu cầu của hai nhà máy. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học hỏi, thậm chí sẽ có những cán bộ kỹ thuật, kinh doanh sau một thời gian làm việc ở các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ sẽ tách ra mở doanh nghiệp riêng, sau khi đã học hỏi được công nghệ từ các nhà đầu tư này. Hiện nay đã có khoảng 80 doanh nghiệp nước ngoài theo chân Samsung đầu tư vào VN để cung cấp linh kiện, vật tư cho nhà máy SEV. Dần dà rồi VN sẽ phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ của mình.

Thái Nguyên sẽ trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc

Sáng 25-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu cũng như những kết quả toàn diện mà Thái Nguyên đạt được trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Thái Nguyên phải thấy rõ những hạn chế cần tập trung khắc phục, trong đó hạn chế lớn nhất là cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân theo đầu người thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết được xác định là địa phương có vị trí địa chính trị kinh tế quan trọng đối với vùng trung du miền núi Bắc bộ và cả nước, chủ trương của Chính phủ là tạo mọi điều kiện để Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, một cực tăng trưởng ở phía Bắc thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cùng với sự hỗ trợ của trung ương, Thái Nguyên cần ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phục vụ sự phát triển mọi mặt của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng tới tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp, công nghiệp.

CHINHPHU.VN

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên