Thiếu nhân lực trình độ cao là câu chuyện đau đầu của ngành dệt may hiện nay. Trong ảnh: sản xuất áo sơmi xuất khẩu tại Công ty cổ phần may Bình Minh - Ảnh: T.V.N. |
Dệt may TP.HCM trước cơ hội TPP gặp nhiều khó khăn từ khâu nhân lực. TP.HCM sẽ phải chuẩn bị nguồn nhân lực cũng như hạ tầng thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu quy hoạch phát triển ngành dệt may giai đoạn 2020 - 2030 khi mà theo phê duyệt, TP.HCM sẽ là trung tâm thời trang, trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu cho cả nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, TS Bùi Mai Hương, trưởng bộ môn kỹ thuật dệt may Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: TP.HCM hiện thời là trung tâm thời trang của cả nước và là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm của ngành dệt may trong và ngoài nước, nên việc có quy hoạch đầy đủ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng có hệ thống và định hướng lâu dài.
* Nhưng việc đầu tư vào các khâu như sản xuất nguyên phụ liệu, dệt nhuộm... theo như quy hoạch có mâu thuẫn không khi các lĩnh vực thuộc loại gây ô nhiễm nặng này không được khuyến khích đầu tư tại TP.HCM hiện nay?
- Bản thân dệt nhuộm không gây ô nhiễm nếu sản xuất và xử lý theo đúng quy trình. Thực tế trên thế giới có nhiều công ty kéo sợi, nhuộm đặt ngay các thành phố du lịch. Vấn đề ở đây là sản xuất đúng quy trình và có kiểm soát ô nhiễm, chịu đầu tư cho yếu tố môi trường.
Dệt may kỳ vọng phát triển thêm từ EEUV-FTA Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cho biết Hiệp định thương mại tự do giữa VN và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEUV-FTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp ngành may mặc ngay khi có hiệu lực. Theo ông Lê Tiến Trường - tổng giám đốc Vinatex, hiện thị phần hàng dệt may VN tại thị trường khu vực EEUV-FTA chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 17 tỉ USD/năm. Với lộ trình giảm thuế gần như bằng 0% cho phần lớn mã hàng, khả năng tăng trưởng của ngành dệt may tại thị trường này dự kiến tăng 50% trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20% / năm trong năm tiếp theo. |
Nếu chỉ tập trung vào công đoạn cuối (may) mà không đầu tư các công đoạn thượng nguồn (dệt nhuộm) và phụ trợ (nguyên liệu), giá trị gia tăng từ ngành công nghiệp dệt may sẽ rất thấp và chỉ giải quyết bài toán nhân lực (chất lượng thấp), không giải quyết được vấn đề về thương hiệu, chất lượng và nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng cạnh tranh tốt.
* Nguồn nhân lực trong ngành hiện có đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp khi cơ hội của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại, thưa bà?
- Phải thừa nhận nguồn nhân lực của ngành còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, đặc biệt khi TPP đang đến gần.
Ví dụ hiện có một công ty in nhuộm đưa yêu cầu tuyển dụng 15 kỹ sư ngành in nhuộm tới bộ môn, trong khi toàn bộ lớp in nhuộm ra trường vào tháng 1-2016 chỉ có 15 bạn. Số lượng sinh viên học trong mỗi lớp sợi dệt, in nhuộm, may thời trang hiện nay chỉ khoảng 20 sinh viên / lớp, trong khi chỉ riêng nhu cầu mỗi năm của các doanh nghiệp phía Nam lại gấp đôi con số đó. Còn việc đào tạo nguồn nhân lực tại các công ty chủ yếu dựa vào “nghề truyền nghề”, chưa có hệ thống bài bản nên dễ gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ mới, hoặc sẽ gây ra tình trạng lãng phí trong sản xuất.
* Thu nhập thấp có phải là nguyên nhân chính của hiện tượng này?
- Làm việc tại các xưởng sợi, dệt, nhuộm đều khá nóng, bụi, ồn, mùi hóa chất... sinh viên thấy rõ khi đi thực tập, kèm theo đó là lương thấp và chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn nên không hấp dẫn sinh viên theo học ngành này. Dù cũng có công ty hiện chú trọng đến nhân sự chất lượng cao, đưa ra nhiều cơ hội học bổng, việc làm cho sinh viên, nhưng quan trọng là sinh viên phải thấy được sự phát triển, thăng tiến nghề nghiệp trong tương lai mới lựa chọn nhiều.
Trong khi đó, Viện Dệt may - da giày và thời trang (ĐH Bách khoa Hà Nội) và bộ môn kỹ thuật dệt may (ĐH Bách khoa TP.HCM) có đào tạo ngành kỹ thuật dệt, một số trường như ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex... đào tạo ngành công nghệ may nhưng với số lượng sinh viên theo học không đông, nhân lực chất lượng cao đối với ngành dệt may vẫn là vấn đề cần được quan tâm đầu tư và có chiến lược cụ thể, có sự phối hợp giữa khối trường và doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao hơn.
Theo TS Bùi Mai Hương, vấn đề nguồn nhân lực không thể chỉ được thể hiện bằng những con số mà cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính định hướng hay có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của công nghiệp dệt may. Ví dụ một xưởng kéo sợi lớn thực chất chỉ cần 1 - 2 kỹ sư giỏi và có kinh nghiệm là có thể đáp ứng nhu cầu vận hành tối thiểu mà nhiều khi 20 kỹ thuật viên chưa thực hiện được. Chưa kể nếu kéo sợi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu quốc tế hoặc một số mặt hàng sợi đặc biệt thì không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm lâu năm của các kỹ thuật viên, mà cần có nền tảng kiến thức sợi dệt tốt mới thực hiện được. Bài toán nhân lực cũng không thể chỉ do các trường giải quyết mà phải có sự phối hợp giữa nhà trường và nhà sản xuất, cho phép các nghiên cứu ở trường đến gần hơn với thực tiễn, doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo (thực hành, thực tập, học bổng có ràng buộc) mới có thể giải quyết tốt hơn câu chuyện nhân lực cho ngành dệt may. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận