22/11/2015 10:48 GMT+7

Sa Huỳnh & tín hiệu kiếm tìm “đồng bọn”

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Trong danh mục “khắt khe” chuẩn bị bài hát cho live show kỷ niệm Một thập kỷ hoan ca của Tùng Dương (diễn ra tại Hà Nội tháng 12 này), bất ngờ có đến năm ca khúc mới tinh của nhạc sĩ Sa Huỳnh - một cái tên “không nổi bần bật”...

Sa Huỳnh dạy đàn cho con gái, bé Moon, 4 tuổi Ảnh: Quang Định
Sa Huỳnh dạy đàn cho con gái, bé Moon, 4 tuổi - Ảnh: Quang Định
Nghe đọc báo tin bài này

Gặp lại Sa Huỳnh sau tám năm kể từ lần đầu cô gái nhỏ sinh năm 1988 chạm ngõ âm nhạc qua sân chơi Bài hát Việt 2007, vẫn thấy nụ cười trẻ con tươi rói, điệu bộ lí lắc dễ thương và vẫn chưa hề biết chạy xe máy sau bao nhiêu năm sống ở Hà Nội, Sài Gòn!

Liên lạc với Sa Huỳnh cũng thật lắm gian nan khi phải dùng đến cách cuối cùng là nhắn tin qua... chồng nàng (nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng, tác giả các ca khúc 12 giờ, Thư pháp...) bởi cô gái này hầu như không sử dụng điện thoại.

“Thời gian biểu mỗi ngày của mình cũng không cần gì đến công nghệ: sáng ở phòng thu cùng chồng viết nhạc, phối khí, bàn bạc về các ca khúc mới, chiều đến nhạc viện dạy học, luyện đàn khoảng hai tiếng. Mình thật sự hài lòng với cuộc sống... mù công nghệ ấy” - Sa Huỳnh cười bẽn lẽn lý giải.

Sa Huỳnh không phải là một cái tên nổi bần bật và cần có thêm thời gian để công chúng biết đến nhiều hơn. Nhưng tôi lại nhìn thấy một điều đáng quý ở Huỳnh, đó là quan niệm về việc tạo ra những giá trị trong cuộc sống...

Huỳnh cũng không phải là người viết ra một bài hit đình đám rồi thôi. Ngược lại, các tác phẩm của cô ngày càng chất hơn, không nặng về trưng trổ bề ngoài mà sâu thẳm từ tận cùng bên trong

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG
Ảnh: Quang Định

Mang hết nỗi niềm vào âm nhạc

Nói đến Sa Huỳnh là nhớ ngay đến một dạo ca khúc Về ăn cơm gần như phủ sóng toàn bộ các cuộc thi ca hát lớn nhỏ, từ sóng truyền hình đến những buổi sinh hoạt văn nghệ tự do... Đi đến đâu cũng thấy người trẻ rủ nhau:

“Sáng sớm đi bắt cua đồng đi thả diều. Huýt sáo nô đùa bên đám bạn nơi lũy tre chơi trốn tìm. Khói bếp cay mắt mẹ già bên bếp lò. Cơm nấu xong rồi mấy đứa về ăn bữa cơm”. Lời ca giản dị, giai điệu nhẹ nhõm được Sa Huỳnh viết năm 17 tuổi ấy đã thật sự cuốn hút những người trẻ phố thị.

Cũng chính từ năm “17 bẻ gãy sừng trâu” ấy, Sa Huỳnh bùng nổ dữ dội nhất trong âm nhạc khi sáng tác hơn 60 ca khúc hoàn chỉnh, chưa kể những bài còn nằm ở dạng ý tưởng, đang thành hình.

“Thứ nhiều nhất trong đầu tôi lúc ấy là những câu hỏi: sao mình buồn lâu thế, sao mình bế tắc thế cứ luôn chồng chéo với những thắc mắc mà không thể tự giải quyết được, tôi mang hết chúng vào âm nhạc” - Huỳnh kể.

Đó cũng là năm Sa Huỳnh đặt bút viết câu đầu tiên cho ca khúc Thể đơn bào, chất chứa tất thảy nỗi niềm của tuổi trẻ: “Vì sao chúng ta chiêm bao... Em là thể đơn bào. Đang trôi trôi... như một con cá bơi bơi bơi... Giữa bầu trời”.

Và trong lúc loay hoay vô định, Sa Huỳnh tìm được tình yêu của đời mình. Kết hôn trong vòng “ba nốt nhạc” năm 21 tuổi cũng là một quyết định táo bạo ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống âm nhạc của cô gái trẻ.

“Hôn nhân đã dạy tôi nhiều thứ. Tôi đã biết “thưởng thức” những giây phút không hài lòng trong cuộc sống, giống như trước đây tôi không ăn được vị đắng, giờ thì ăn đắng xong lại thấy vị ngọt đọng trên đầu lưỡi vậy”.

Năm ấy cô mới thấm thía để viết được câu thứ hai cho Thể đơn bào rằng: “Tình yêu đã mang cho ta bao nhiêu thể đơn bào. Ngăn đôi trong miền ấm áp bao la... bao la...”. Rồi khoảng thời gian sau đó khi thấu hiểu đủ đầy cảm xúc của một người mẹ đang mang thai, cô viết thêm: “Giữa lòng mẹ. Rừng xanh vẫn reo vi vu... hoang sơ những cây mùng... Sơ khai... trong miền ký ức xa xưa... xa xưa...”.

Cứ thế cho đến khi cô con gái bé bỏng chào đời, Sa Huỳnh chợt nhận ra: “Chiếc đồng hồ xoay xoay về ngày thơ bé à ơi ru hời... Đất và trời giao nhau... chợt tình yêu hóa mưa... Mỗi một loài sinh linh... đều từ một thể nhỏ nhoi, đơn bào”.

Vậy là sau tám năm chiêm nghiệm cuộc sống ở nhiều cung bậc và cảm xúc khác nhau (từ năm 17 tuổi đến năm 25 tuổi), ca khúc Thể đơn bào vỏn vẹn chỉ có tám câu mới được Sa Huỳnh hoàn thành. Điều đó cũng hệt như khi cô nói về piano, cây đàn đã gắn bó từ năm 4 tuổi cho đến tận bây giờ rằng:

“Ngày xưa học đàn thì tập tám tiếng một ngày, rồi sau này thạo hơn còn hai tiếng/ngày. Thế nhưng ngay cả trong hai tiếng chơi miệt mài ấy, tôi biết mình chỉ thật sự có khoảng 5 phút “làm chủ” được cây đàn”. Con người âm nhạc của Sa Huỳnh là thế: riêng biệt đến độc đáo. Một “thể đơn bào” khác lạ trong dòng chảy âm nhạc đương thời!

Sa Huỳnh nói giờ đây cô đang rất nóng lòng bước tiếp chặng đường của 10 năm tiếp theo... - Ảnh: Quang Định

 

Những cuộc tìm nhau

Nhạc của Sa Huỳnh không dễ nghe, hẳn nhiên là như thế! Nhưng thế cũng không có nghĩa cô gái trẻ này khiên cưỡng cô lập mình trong một giới hạn.

Nghe những ca khúc Sa Huỳnh viết cho giọng ca Lê Cát Trọng Lý, viết cho Lan Trinh và mới nhất là cho Hoàng Quyên sẽ càng hiểu thêm lý lẽ của cô trong âm nhạc: “Mình cứ chăm chỉ phát đi tín hiệu, một ngày nào đó những người có cùng “tần số” sẽ đến, sẽ cùng mình làm ra nhiều sản phẩm có ý nghĩa”.

Sau những trải nghiệm của 10 năm đầu tiên trong âm nhạc, Sa Huỳnh nói giờ đây cô đang rất nóng lòng bước tiếp chặng đường của 10 năm tiếp theo, dù cũng chưa biết âm nhạc sẽ đưa cô đến những miền cảm xúc nào.

“Đi đường dài cần bạn nhạc chứ, thế nên tôi lúc nào cũng phát đi những tín hiệu vô hình để tìm kiếm “đồng bọn” xung quanh!” - Sa Huỳnh vui vẻ nhún vai. Còn nhớ tín hiệu đầu tiên Sa Huỳnh nhận được từ “đồng bọn” là lần gặp gỡ Tùng Dương nhiều năm về trước khi anh chủ động đến tìm gặp cô.

Để từ đó, cô trở thành cái tên song hành với anh trong hầu hết dự án âm nhạc lớn: album Li ti (album của năm giải thưởng Cống hiến 2011), các ca khúc Thể đơn bào, Trời cho và mới nhất là album Rễ cây sẽ được Tùng Dương phát hành trong năm 2016.

Thích thú đến gặp và đề nghị được mua bài hát của Sa Huỳnh, ca sĩ trẻ Hoàng Quyên - á quân Vietnam Idol 2012 - thổ lộ:

“Chị Sa Huỳnh có một nội lực lớn khi sáng tác, ca khúc của chị là một miền sáng tạo rộng khắp. Điều đó xuất phát từ mọi thứ xung quanh chị: một môi trường trong vắt để làm nghệ thuật, sự trải nghiệm kỹ lưỡng của cảm xúc và những ca từ tuyệt đẹp.

Tôi có thể cảm được rất nhanh nhạc của chị nên quyết định mua để dành cho các dự án sắp tới của mình”.

Chiếc băng cassette của ba!

Lương Sa Huỳnh là con gái của nhạc sĩ nổi tiếng Triều Dâng (tên thật Lương Văn Côn), là tác giả của hàng loạt ca khúc viết về thế hệ thanh niên Việt Nam, trong đó ca khúc được nhiều người thuộc nhất có lẽ là bài Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ.

“Ai cũng hỏi tại sao các sáng tác của tôi lúc nào cũng đầy ắp chất liệu dân gian Việt Nam, những con tằm, những dòng sông, những cánh đồng, câu hát à í a... Tôi được nuôi lớn bằng những bài ru, bài lý, bằng ca dao của ba từ tấm bé.

Ba tôi là người Cần Thơ nhưng có đến 21 năm đóng quân ở đất Bắc, sau năm 1975 mới trở lại Sài Gòn. Có thể cái chất Bắc bộ đã truyền sang tôi lúc nào không biết.

Đến giờ món quà vô giá nhất ông dành cho tôi ngoài cây đàn piano đầu đời còn là chiếc băng cassette cũ thu âm lại hầu hết những bài ru, bài ca dao ông thường hát ru tôi ngủ.

Có lần tôi hỏi ông: Sao ba đặt tên con là Sa Huỳnh, ông cười bảo ông muốn khi lớn lên nếu chơi nhạc, tôi sẽ viết ra những bài hát mặn mà như muối biển Sa Huỳnh” - nhạc sĩ Sa Huỳnh tâm sự.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên