Long vị vua Hàm Nghi cùng bài vị các tướng sĩ, văn thân sĩ phu yêu nước được đoàn xe hoa của huyện Cam Lộ rước từ Đại nội Huế về thành Tân Sở để thờ - Ảnh: QUỐC NAM
UBND huyện Cam Lộ vừa xây dựng đền thờ vua Hàm Nghi ngay tại di tích Thành Tân Sở - nơi 135 năm trước vua Hàm Nghi từng ban chiếu Cần Vương. Huyện này cũng đã vào tận kinh thành Huế rước Long vị vua Hàm Nghi cùng bài vị các tướng sĩ từng tham gia phong trào Cần Vương về thờ tại đền thờ này.
Đây được xem như là một chuyến "trở về" của vua Hàm Nghi. Nơi đây năm xưa ông cùng tướng sĩ triều đình từng lưu trú lại trong 16 ngày (từ ngày 10 đến ngày 26-7-1885).
Đây cũng là hoạt động tưởng nhớ tri ân vị vua yêu nước này cùng các tướng sĩ, văn thân sĩ phu từng tham gia phong trào Cần Vương nhân kỷ niệm 135 năm ngày vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương hiệu triệu toàn dân đứng lên giúp vua chống giặc.
Lãnh đạo huyện Cam Lộ cung kính thắp nén hương xin cung thỉnh Long vị của vua Hàm Nghi tại Thế Miếu (Đại nội Huế) - Ảnh: QUỐC NAM
Rước vua về thờ tại Tân Sở
Những ngày đầu tháng 7, không khí tại khu di tích Quốc gia Thành Tân Sở (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nhộn nhịp lạ thường. Trên bãi đất vốn là thành hào do vua Hàm Nghi chọn làm Kinh đô kháng chiến năm xưa, một ngôi đền thờ khang trang đang được hoàn thiện những khâu cuối cùng.
Rước Long vị vua Hàm Nghi cùng bài vị các tướng sĩ, văn thân sĩ phu yêu nước về Tân Sở - Video: ANH VŨ - LÊ TRƯỜNG
Ông Ngô Quang Chiến, chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết ngôi đền thờ này sẽ chính thức được khánh thành vào đúng ngày kỷ niệm 135 năm ngày vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. "Đây là một dịp đặc biệt. Nên liên tục trong hơn một tháng qua, huyện đã phải huy động nhân công làm liên tục nhiều ca cả ngày và đêm cho kịp tiến độ", ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, các hạng mục của đền thờ này được thiết kế theo kiến trúc văn hóa tâm linh truyền thống thời triều Nguyễn. Khu đền chính với 5 gian thờ: Vua Hàm Nghi, Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường, các tướng sỹ Cần Vương, các văn thân sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương.
Long vị vua Hàm Nghi được thực hiện các nghi lễ truyền thống của cung đình trước khi được rước ra khỏi Thế Miếu - Ảnh: QUỐC NAM
Các gian thờ này không phải được xây dựng chỉ để tượng trưng. Sáng 12-7, một phái đoàn 100 người đại diện cho chính quyền và người dân Cam Lộ đã vào kinh thành Huế để làm một việc "xưa nay hiếm": rước Long vị của vua Hàm Nghi cùng bài vị các tướng sĩ, văn thân sĩ phu yêu nước từng tham gia phong trào Cần Vương năm xưa về thờ tại đền thờ này.
Long vị vua được rước từ Thế miếu - Đại bội Huế. Nghi lễ rước Long vị được thực hiện một cách trang nghiêm theo truyền thống cung đình.
Từ Thế miếu, Long vị vua Hàm Nghi được rước ra Ngọ Môn. Sau đó, đoàn xe hoa của huyện Cam Lộ đưa Long vị vua về khu di tích Quốc gia thành Tân Sở thuộc thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Long vị vua được rước lên kiệu đưa ra khỏi kinh thành - Ảnh: QUỐC NAM
Cùng thời điểm, một đoàn xe hoa khác của huyện cũng thực hiện nghi thức rước bài vị Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết cùng Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường cùng tướng sĩ, văn thân sĩ phu yêu nước cũng hướng về thành Tân Sở.
"Vua Hàm Nghi đại diện cho tinh thần yêu nước. Năm xưa vua Hàm Nghi đã cùng các tướng sĩ, văn thân sĩ phu tạo nên phong trào Cần Vương nên đều được rước về thờ chung trong đền thờ này", ông Chiến nói.
Để hào khí yêu nước vang mãi
Người dân Cam Lộ vẫn chưa quên di tích Thành Tân Sở với những nét hoang tàn trong hàng chục năm từ sau khi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1995. Suốt thời gian đó di tích này chỉ là một bãi đất trống cùng tấm bia ghi lịch sử trơ trọi. Ông Chiến nói đó chính là lý do khiến chính quyền địa phương trăn trở nhiều năm qua.
"Điều này chưa tương xứng với tầm vóc của một di tích mang giá trị tinh thần mang tầm Quốc gia như Tân Sở. Biết là khó nhưng chúng tôi đã cùng đồng sức đồng lòng, kêu gọi cộng đồng cùng làm để có một di tích có "linh hồn" như hôm nay", ông Chiến chia sẻ.
Long vị vua Hàm Nghi được rước ra cửa Ngọ Môn trước Đại nội Huế để đưa lên xe hoa về Tân Sở - Ảnh: QUỐC NAM
Cũng theo ông Chiến, khi quyết định xây dựng di tích thành Tân Sở thành một ngôi đền thờ như hiện nay, lãnh đạo huyện đã gửi gắm thông điệp rất rõ ràng.
Nơi đây 135 năm trước đã từng là "kinh đô kháng chiến". Đây cũng là nơi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. Từ chiếu Cần Vương này, phong trào Cần Vương (giúp vua chống giặc) lan rộng khắp cả nước.
"Chúng tôi muốn xây dựng trên di tích này một dấu ấn đậm nét của lòng yêu nước. Như ngày xưa vua Hàm Nghi cùng các tướng sĩ, văn thân sĩ phu đã từng thể hiện. Ngôi đền này được xây trên di tích nhưng cũng phải xây dựng một ngôi đền của lòng yêu nước trong lòng dân. Thế hệ trẻ cần lan tỏa và kế thừa thông điệp yêu nước này để xây dựng đất nước, xây dựng quê hương", ông Chiến nói.
Đoàn xe hoa rước Long vị vua Hàm Nghi vượt quảng đường gần 100km từ kinh thành Huế về Cam Lộ - Ảnh: QUỐC NAM
Sau khi về tới di tích thành Tân Sở, Long vị của vua Hàm Nghi được đặt lên bàn thờ ngay ở gian chính giữa. Bốn gian thờ còn lại ở hai bên là nơi đặt bài vị các tướng sĩ, văn thân sĩ phu yêu nước từng tham gia phong trào Cần Vương - Ảnh: QUỐC NAM
Thêm một điểm đến mang ý nghĩa tâm linh
Thành Tân Sở nay đã có hình hài. Di tích này hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến tâm linh với du khách trên tuyến đường 9 Nam Lào.
Cao điểm 241, di tích sân bay Tà Cơn, cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã được đánh dấu trên bản đồ du lịch tỉnh nhà thì nay có thêm Thành Tân Sở.
Nhiều người đến thì sẽ nhiều người biết và hiểu về cái nôi của lòng yêu nước này. Đó cũng là kỳ vọng của lãnh đạo huyện Cam Lộ.
Lan tỏa tinh thần yêu nước
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng việc chính quyền huyện Cam Lộ xây dựng đền thờ vua Hàm Nghi và rước Long vị của vua cùng các tướng sĩ yêu nước như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường về thờ tại Tân Sở mang thông điệp tinh thần rất lớn.
Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền địa phương. Tân Sở từng là căn cứ địa của vua Hàm Nghi. Lâu nay ngài chỉ được thờ ở trong kinh thành. Nay ngài được đưa về một vùng đất từng là căn cứ địa kháng chiến ngày xưa của ngài thì sẽ làm sáng hơn vùng đất đó. Nhất là khi Quảng Trị là một vùng đất anh hùng qua nhiều thời đại.
"Ngoài việc đặt tên đường phố ra thì lâu nay chưa có một hành động nào tương xứng để tri ân vua Hàm Nghi. Nên việc đưa Long vị vua Hàm Nghi về thờ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa. Nó sẽ góp phần lan tỏa tinh thân yêu nước như trong chiếu Cần Vương ngày xưa", ông Quốc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận