16/12/2009 07:01 GMT+7

Rừng U Minh Thượng: Cây tràm suy thoái

TẤN THÁI - HOÀI AN
TẤN THÁI - HOÀI AN

TT - Bảy năm qua kể từ sau vụ cháy, trong vùng lõi vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang luôn đầy ắp nước để chống cháy và điều ấy đã thành công. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến hệ lụy: cây tràm bị “bệnh”, hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học cũng bị suy thoái...

VhGMXurV.jpgPhóng to
Việc giữ nước chống cháy đã làm nhiều cây tràm sinh trưởng ở khu vực đất thấp bị thối rễ-Ảnh: Lê Hoàng Hưởng

Trở lại thăm vườn quốc gia U Minh Thượng, PGS. TS Đoàn Cảnh (Viện Sinh học nhiệt đới) đã không khỏi chạnh lòng trước hiện trạng những cánh rừng tràm hiện ra trước mắt. “Cây tràm nhiều nơi phát triển kém, bộ rễ rất yếu không bám sâu xuống đất mà lơ lửng phía trên, cây phát triển mất cân đối: thân cây cao vót nhưng kích thước lại nhỏ... Chính vì vậy nhiều cây bị ngã đổ, khô đọt có biểu hiện của suy thoái. Không chỉ cây tràm mà nguồn nước đã bị ô nhiễm và có mùi thối, điều này sẽ tác động đến hệ sinh thái của vườn quốc gia” - ông Cảnh nhận định.

Vườn quốc gia U Minh Thượng được thành lập tháng 1-2002. Chỉ sau ba tháng xảy ra trận cháy kinh hoàng thiêu rụi hơn 2.200ha rừng tràm. Sau trận cháy nhiều đê bao được đầu tư xây dựng quanh rừng, bên trong vùng lõi xẻ nhiều con kênh và xây cống giữ nước. Bảy năm qua ưu tiên chống lửa được vườn quốc gia U Minh Thượng đặt lên hàng đầu và việc ấy đã thành công. Tuy nhiên, việc xây dựng đê bao quanh vườn quốc gia U Minh Thượng đã tạo thành một cái “ao nước lớn” và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Khẩn cấp cứu tràm!

Rái cá là biểu tượng

Ông Lê Hoàng Hưởng cho biết vườn quốc gia U Minh Thượng rộng hơn 21.000ha. Theo Tổ chức Care, năm 2004 vườn quốc gia U Minh Thượng có 32 loài thú, 201 loài côn trùng, 34 loài bò sát và bảy loài lưỡng cư; chim có 170 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong sách đỏ như giang sen, già đãy Java, đại bàng đen...

Rái cá được chọn là biểu tượng của vườn quốc gia U Minh Thượng.

Giám đốc vườn quốc gia U Minh Thượng Lê Hoàng Hưởng cho biết việc quản lý rừng đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nguyên nhân: nếu giữ nước thì tràm phát triển chậm, bằng chứng là hiện nay nhiều nơi cây tràm đang trong tình trạng vàng lá, ngã đổ, cây phát triển không đồng đều. Các hệ sinh thái và đa dạng sinh học cũng suy thoái. “Nhưng nếu không trữ nước thì mùa khô rừng bị kiệt nước, vì vậy nguy cơ cháy sẽ rất cao. Trong khi đó tiêu chí chống cháy nhiều năm qua được ưu tiên hàng đầu” - ông Hưởng than.

Tại hội thảo bảo tồn và phát triển bền vững rừng tràm vườn quốc gia U Minh Thượng mới đây, các nhà khoa học, nhà quản lý đều thống nhất phải “khẩn cấp” cứu tràm. Bên cạnh đó là tìm giải pháp điều tiết nước tối ưu cho vườn quốc gia U Minh Thượng.

Tuy nhiên cái khó là do bên trong rừng địa hình không bằng phẳng nên gặp rất nhiều khó khăn, vì điều tiết nước thấp quá vào mùa khô thì rừng kiệt nước, nguy cơ cháy rất cao; còn giữ nước nhiều quá thì hậu quả như đã diễn ra. Một phần lời giải này sẽ được PGS. TS Vương Văn Quỳnh (Trường đại học Lâm nghiệp) tiến hành nghiên cứu và tìm biện pháp “giải” trong thời gian tới.

Dỡ cống ngăn nước

Ngoài ra, những vấn đề của vườn quốc gia U Minh Thượng do “lịch sử” để lại như: trong rừng xẻ các con kênh ngang dọc, than bùn ngày càng mất đi... cũng đã làm nhiều nhà khoa học “đau đầu” và chưa tìm được tiếng nói chung.

“Hiện nay rừng tràm đã và đang suy thoái do ngập nước thời gian dài, chúng ta không nên chờ những kết luận khoa học chính thức mà cần phải hành động ngay để cứu rừng. Chúng ta sẽ tiến hành cùng lúc cả hai công việc: vừa tiếp tục nghiên cứu, vừa triển khai các dự án xây dựng cống điều tiết nước, có như vậy mới kịp thời phục hồi hệ sinh thái rừng tràm” - ông Lâm Hoàng Sa, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói.

Ngày 8-12, ông Lê Hoàng Hưởng cho biết đã cho dỡ hệ thống cống ngăn nước của vườn quốc gia U Minh Thượng nhằm tiêu thoát nước. “Hiện nay chúng tôi đang làm thí điểm khu B, diện tích khoảng 1.240ha. Chúng tôi vừa làm vừa theo dõi tình trạng của cây tràm, xem việc tháo nước có đem lại hiệu quả không. Nếu thành công thì chúng tôi có những kiến nghị và điều chỉnh việc giữ nước trong vườn quốc gia như thế nào cho tối ưu” - ông Hưởng nói.

TẤN THÁI - HOÀI AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên