28/03/2012 11:20 GMT+7

Rủi ro khi mua đất gia tộc?

Tiến sĩ luật ĐẶNG ANH QUÂN(ĐH Luật TP.HCM)
Tiến sĩ luật ĐẶNG ANH QUÂN(ĐH Luật TP.HCM)

TTO - * Tôi có mua mảnh đất 40m2 tại P.15, Q.Tân Bình năm 2001 giấy tờ tay, sau đó tôi đã xây nhà không phép để ở. Đất này trước đây là đất nông nghiệp nhưng do tốc độ đô thị hóa cao nên vùng này đã hình thành khu dân cư đông đúc.

Tôi đã có các giấy tờ sau: bản vẽ hiện trạng thổ cư vẽ 14-3-2011; thông báo tạm cấp số nhà tên tôi từ năm 2002; quyết định cho phép tồn tại căn nhà trên của quận cấp; xác minh của phường 15 về: vị trí khu đất (không nằm trong quy hoạch), nguồn gốc quá trình sử dụng đất (hiện nay không tranh chấp), tờ xác định thời điểm đất ở ổn định liên tục của P.15; các biên lai đóng thuế sử dụng đất từ năm 2002 tới nay.

Tôi cũng đã gửi bộ hồ sơ trên đến UBND Q.Tân Bình và nhận được sự trả lời của phòng tài nguyên môi trường như sau:

Do nguồn gốc đất của ông sử dụng là đất của gia tộc do bà Hiến chỉ là người đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận cấp năm 2002 nên việc bà Hiến tự ý chuyển nhượng cho ông giấy tay ngày 25-10-2002 khi chưa có ý kiến của các người trong gia tộc là không phù hợp, vì vậy không thể giải quyết cấp giấy chứng nhận cho ông.

Cho tôi hỏi trường hợp của tôi có thể được cấp giấy chứng nhận hay không và nếu không thì hướng giải quyết sẽ như thế nào?

Bạn đọc, (OTCsteel@...)

- Trả lời:

Theo quy định tại điều 146 nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004, đối với quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình hoặc nhóm người sử dụng đất, khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được sự đồng ý thống nhất ký tên của tất cả những người đồng quyền sử dụng hoặc có văn bản ủy quyền phù hợp quy định pháp luật.

Trong trường hợp của bạn, diện tích nhận chuyển nhượng là một phần trong diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận và người bán chỉ là đại diện đứng tên trên giấy. Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người bán và bạn mà không có sự đồng ý ký tên của các thành viên trong gia tộc sẽ bị xem là vô hiệu.

Do đó, việc UBND quận Tân Bình từ chối cấp giấy chứng nhận là đúng quy định pháp luật.

Bạn chỉ có thể được cấp giấy chứng nhận khi có chữ ký của những thân nhân trong gia tộc người bán. Hoặc do người bán đã chết, bạn có thể tìm hiểu người bán để lại tài sản thừa kế và việc phân chia thừa kế như thế nào, trong đó có phân chia và tách phần quyền sử dụng đất của người bán ra khỏi diện tích đất của gia tộc hay không.

Nếu có, bạn có thể liên hệ lại với UBND quận Tân Bình để hỏi thủ tục và hướng giải quyết cho mình.

Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp này đòi hỏi trong giấy tờ nhận chuyển nhượng của bạn với người bán có xác định rõ ranh giới, vị trí đất chuyển nhượng và ranh giới, vị trí này phù hợp với phần diện tích đất của người bán đã được tách ra từ đất gia tộc.

Đồng thời do bạn chỉ mua bán bằng giấy tay nên vẫn phải đòi hỏi có chữ ký đồng ý và không tranh chấp của những người thừa kế của người bán.

Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn giải quyết cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp đã thực hiện giao dịch tương tự như trường hợp của bạn.

Do đó, nếu không xin được chữ ký của những người liên quan người bán như đã nêu trên, bạn chỉ có thể tiếp tục sử dụng đất và chờ hướng dẫn mới từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: diaoc@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

Địa ốc Tuổi Trẻ Online

Tiến sĩ luật ĐẶNG ANH QUÂN(ĐH Luật TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên