28/10/2017 16:34 GMT+7

Rối loạn lo âu lan tỏa - một bệnh lý dễ bị nhầm lẫn

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Gần đây, có nhiều bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa tâm thần sau khi đã đi khám nhiều chuyên khoa mà không tìm ra được nguyên nhân bệnh.

Rối loạn lo âu lan tỏa - một bệnh lý dễ bị nhầm lẫn - Ảnh 1.

Điển hình có bệnh nhân nam trên 40 tuổi đến khám trong tình trạng hay bị nhức đầu, đau cổ-gáy, vã mồ hôi, đau vùng trước tim, thượng vị, thỉnh thoảng có cơn hồi hộp, bồn chồn… không rõ nguyên nhân. Căn bệnh mà bệnh nhân này mắc phải đó chính là hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa.

Đặc điểm của rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh lý thuộc chuyên khoa tâm thần, khác với những cảm giác lo âu bình thường. Đây là một bệnh lý khá nặng nề, làm cho chất lượng cuộc sống suy giảm: người bệnh trở nên khốn khổ, mệt mỏi, nếu không được điều trị kịp thời sẽ đến trạng thái trầm cảm, bi quan và nặng nề hơn là ý tưởng tự sát.

Các triệu chứng chủ yếu gồm lo âu, căng thẳng, tăng hoạt động thần kinh tự chủ và sự cảnh giác về nhận thức. Lo âu thường quá mức và ảnh hưởng đến các lĩnh vực trong đời sống của người bệnh. Sự căng thẳng vận động biểu hiện bằng run, bứt rứt và đau đầu, tăng thần kinh tự trị, thường thể hiện bằng thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, dễ bực tức, dễ giật mình và các triệu chứng dạ dày, ruột…

Chính vì vậy bệnh nhân thường nhầm lẫn và đi khám ở bác sĩ đa khoa trước khi đến điều trị tại chuyên khoa tâm thần. Thậm chí có những bệnh nhân khi đã được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn lo âu lan tỏa vẫn còn hoài nghi và đi khám thêm nhiều chuyên khoa khác nữa.

Để điều trị hiệu quả rối loạn lo âu lan tỏa cần kết hợp giữa điều trị bằng hóa dược và phương pháp tâm lý nhằm giúp bệnh nhân giải quyết các lệch lạc về nhận thức và các tiếp cận hành vi, nhằm cải thiện triệu chứng cơ thể; liệu pháp nâng đỡ để giải thích, trấn an, tạo sự thoải mái cho người bệnh.

Thời gian điều trị thường phải kéo dài từ 6-12 tháng. Có khoảng 25% bệnh nhân tái phát sau tháng đầu ngưng điều trị, 50-60% bệnh nhân tái phát trong năm tiếp theo.

Phòng ngừa

Với nhịp độ cuộc sống công nghiệp hiện nay, việc chung sống với stress là điều tất yếu nhưng chúng ta phải biết xử lý các vấn đề trong cuộc sống như thế nào để giữ được cân bằng cho chính mình.

- Biết sắp xếp giữa công việc, học tập, thư giãn phù hợp và khoa học; biết gác mọi việc ở cơ quan sang một bên, bước về nhà với tâm trạng nhẹ nhàng, vui vẻ; cùng gia đình trò chuyện nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cảnh...

- Ngày cuối tuần tổ chức dã ngoại cùng gia đình, bạn bè; không bàn bạc đến những vấn đề có liên quan đến công việc;

- Thường xuyên để dành từ 30 đến 45 phút để tập thể dục mỗi ngày;

- Khi có các vấn đề căng thẳng stress, lo âu mất ngủ, thay đổi cảm xúc hay cáu gắt… nên chia sẻ với những người bạn thân nhất... hay tìm gặp các chuyên gia tâm lý để trị liệu. Nếu phát hiện mình có những vấn đề về hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, mất ngủ… nên tìm gặp các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để tư vấn cũng như cho các lời khuyên và trị liệu.

- Nên đa dạng hóa cuộc sống mình bằng những đam mê: hội họa, thơ văn, thể dục thể thao, yoga hay môn nghệ thuật nào mà mình yêu thích.

- Tập buông bỏ những thứ âu lo không cần thiết khác trong cuộc sống.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên