11/07/2008 08:27 GMT+7

Robot triệu đô "chết" dưới sông

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Giải pháp đào ngầm dưới đáy sông Sài Gòn để thi công đường ống cấp thoát nước đã "phá sản" khi cả hai robot (thiết bị đào kích ngầm) "chết gí” dưới đáy sông.

7W4VykBo.jpgPhóng to

Công nhân vận hành đầu khoan trong lòng cống giếng đào dự án vệ sinh môi trường TP - Ảnh: Ngọc Hậu

TT - Giải pháp đào ngầm dưới đáy sông Sài Gòn để thi công đường ống cấp thoát nước đã "phá sản" khi cả hai robot (thiết bị đào kích ngầm) "chết gí” dưới đáy sông.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có dự án vệ sinh môi trường (VSMT) lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án cấp nước của Công ty cổ phần BOO nước Thủ Đức sử dụng năm robot thi công đào ngầm. Tại thời điểm này chỉ có hai robot hoạt động, một robot bị hư đang ở dưới đất và hai robot phải bỏ lại vĩnh viễn dưới đáy sông.

Đầu tháng bảy, có mặt ở độ sâu dưới lòng đất khoảng 10m tại công trình giếng đào S1 (đoạn thượng lưu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc quận Tân Bình), chúng tôi có thể đi thẳng người tiến vào sâu để tiếp cận máy điều khiển robot. Mặc dù nằm cắt ngang dưới đáy dòng kênh nhưng bên trong ống thoát nước với đường kính hơn 2,5m này hoàn toàn khô ráo. Công nhân vận hành robot cởi trần làm việc với cái nóng hầm hập trong ống dài gần 100m này.

Tại đây, có thể hình dung sự cố đầu tiên xảy ra tại giai đoạn 2 của dự án BOO Thủ Đức cuối năm 2007. Vào thời điểm đó, khi đang đào giữa sông Sài Gòn, robot của dự án cấp nước bị hư. Ông Trương Khắc Hoành, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOO nước Thủ Đức, cho biết theo thiết kế, con robot kích ống theo đường cong giữa hai bờ và đáy sông dài khoảng 500m. Nhưng do nền đáy sông Sài Gòn có những vết nứt gãy chưa khảo sát hết, đường ống đang kích giữa chừng với độ dài 200m thì bị vặn nứt, nước tràn vào. Đơn vị thi công phải dừng dự án.

"Chết" vì cọng thép

"Chân dung" robot

Robot nặng khoảng 4-5 tấn, là một đầu kích khoan phía sau được lắp đặt các thiết bị hút đất, cát dư trong quá trình khoan. Đầu khoan của robot vừa khoan vừa ép chặt đất xung quanh đường khoan. Cống sẽ được đưa xuống vị trí bên dưới giếng đào và tại đây robot sẽ đẩy đường ống đi theo mũi khoan. Trong quá trình khoan sẽ xuất hiện nước và đất cát trong lòng ống. Robot làm nhiệm vụ bơm hút đất cát rồi đưa lên mặt đất qua giếng đào.

Robot của dự án VSMT TP thì xui xẻo hơn. Theo dự tính, đơn vị thi công sẽ khoan đi theo phương thẳng, tức là đào giếng sâu khoảng 40m phía quận Bình Thạnh và một giếng tương tự ở quận 2. Thiết bị kích sẽ đẩy cống theo sau robot từ bên này qua bên kia sông Sài Gòn. Nhưng khi đơn vị thi công đang kích ống thì robot bị vướng một sợi thép dài nằm dưới sông và "đơ" luôn.

Đầu robot bị sợi thép quấn chặt lại nên không thể hoạt động, lập tức nước sông tràn vào đường ống. Đoạn đường đã khoan mới có 180m dưới đáy sông nên hai công nhân đang điều khiển robot bên trong đường ống kịp thoát ra được. Chuyện xảy ra hồi tháng 2-2008.

Ngoài con robot nằm dưới đáy sông, dự án VSMT TP còn một robot đang mắc kẹt dưới lòng đất vì bị hư trong khi đào kích. Vị trí mắc kẹt chỉ cách giếng đào hơn 10m tại khu vực Thảo cầm viên Sài Gòn. Nguyên nhân do nền đất yếu và trong quá trình đào, robot sụp vào lớp bùn. Tuy nhiên, do robot bị kẹt trên mặt bằng đất nên khả năng lấy lên là khả thi. Bà Phan Hoàng Diệu, giám đốc Ban quản lý dự án VSMT TP, cho rằng để đào hở kéo con robot đang nằm ngầm bên dưới lên, đơn vị thi công phải bỏ ra số tiền khoảng 1 triệu USD, gần bằng giá trị con robot, để đóng cừ thép và đào trục robot lên.

Mặc dù trục lên để bỏ nhưng đơn vị thi công không còn chọn lựa khác vì phải đưa robot khu vực Thảo cầm viên lên để thông đường, thuận tiện lắp đặt cống thoát nước tới giếng đào.

Chậm tiến độ

"Muốn lấy robot bị hư dưới lòng sông lên bắt buộc phải đào đáy sông, công việc này khó thực hiện vì sông sâu hơn 20m và phải ngăn luồng giao thông quan trọng của tuyến hàng hải tại đây" - ông Hoành nói. Ông Hoành cho rằng toàn bộ "bộ não" của robot gồm thiết bị điều khiển đo lường, cảm biến... vì còn ở trên bờ nên vẫn còn nguyên. Còn robot dưới đáy sông phải... bỏ.

Dù đào ngầm là giải pháp tối ưu khi thi công dưới lòng đất nhưng sau sự cố này, nhà thầu của dự án cấp nước đã thay đổi phương án, không thi công ngầm qua đáy sông nữa.

Nếu như dự án nhà máy nước BOO dễ dàng thay đổi phương án thi công (chỉ còn chờ thời gian) thì dự án VSMT TP rắc rối hơn do có phần vốn ODA của Ngân hàng Thế giới tài trợ nên phải chờ đơn vị này thuê chuyên gia đánh giá lại toàn bộ gói thầu...

Với sự cố các robot, cả hai dự án đều thiệt hại về vật chất nhưng quan trọng hơn, tiến độ dự án chậm lại, ít nhất là sang tới năm 2009 ở đoạn băng sông Sài Gòn trong dự án VSMT TP.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên