05/05/2006 04:07 GMT+7

Ray rứt "tòa E1"

ĐÌNH TOÀN
ĐÌNH TOÀN

TT - Lúc Bùi Thái Sơn - bị cáo, lái chính tàu E1 - bật khóc nói lời “xin lỗi hàng ngàn lần” sau cùng trước tòa, người phụ nữ trạc 60 tuổi ngồi ở hàng ghế đầu có con tử nạn tại Lăng Cô đưa chiếc khăn tay lau vội dòng lệ.

mYccSyNZ.jpgPhóng to
Tại tòa, nhiều thân nhân cả những người bị hại đã bật khóc - Ảnh: ĐÌNH TOÀN
TT - Lúc Bùi Thái Sơn - bị cáo, lái chính tàu E1 - bật khóc nói lời “xin lỗi hàng ngàn lần” sau cùng trước tòa, người phụ nữ trạc 60 tuổi ngồi ở hàng ghế đầu có con tử nạn tại Lăng Cô đưa chiếc khăn tay lau vội dòng lệ.

Bao nhiêu lần bà khóc, nhưng lần này không hẳn xót thương con, mà từ sâu thẳm có vẻ như sự tha thứ đã bật lên thành lời. Bà nói với chúng tôi: “Sơn đơn độc quá. Nếu có đơn bãi nại, tôi sẽ góp một chữ ký”.

Những tấm lòng cảm thông

Vụ tai nạn tàu E1 xảy ra ngày 12-3-2005 tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế đã làm chết 11 người, bị thương ít nhất 86 người, làm thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỉ đồng.

Từ ngày 26 đến 29-4-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vụ án ra xét xử. Bị cáo Bùi Thái Sơn (lái chính tàu E1) bị tuyên phạt 13 năm tù và Hà Minh Tâm (lái phụ) 7 năm tù với tội danh “vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt”. Ngay ngày hôm sau, cả hai bị cáo đã gửi đơn kháng án lên tòa phúc thẩm.

Có vẻ như thấm mệt sau ba ngày theo phiên tòa với tư cách là người bị hại, anh bước chông chênh ra phía sân của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế ngồi bệt xuống thềm đốt thuốc. Người ngồi bên cạnh anh là một nhân viên trong chuyến tàu E1 định mệnh ấy, rút nhanh cái hộp quẹt bật lên giúp anh châm thuốc khi anh vẫn còn loay hoay móc bật lửa với cánh tay phải còn lại.

Anh là Trần Ngọc Toàn (42 tuổi, ở phường Trại Cau, quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Trong 86 người bị thương, anh Toàn là người nặng nhất: bị mất cánh tay trái, dập năm xương sườn, tràn máu màng phổi, chấn thương sọ não. Trên gương mặt anh còn hằn vết thẹo to và đỏ chạy dài xuống cổ...

Người đàn ông đã và đang hứng chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, bây giờ cũng chỉ biết trông chờ vào khoản đền bù cấp dưỡng mất sức lao động từ ngành đường sắt cho mình và hai đứa con (11 và 17 tuổi). Anh nói: “Nói thật trước đây mình nghĩ họ có bị kết án hàng chục năm tù vẫn chưa xứng tội. Nhưng nay mình cũng thông cảm cho họ, nhất là tại tòa một số tình tiết được làm rõ hơn”.

Trong hơn ba ngày xét xử, người ta thấy nhiều nạn nhân và thân nhân nạn nhân đến vây quanh luật sư bày tỏ sẵn sàng... bãi nại cho hai bị cáo. Anh Nguyễn Đức Hải, chú rể trong đám cưới đầy tang thương (12 người đi thì bốn người chết, sáu người bị thương nặng và bản thân anh cũng mang thương tật), thế mà anh cũng như bố mình là ông Nguyễn Đức Phượng, không “truy cứu” Sơn và Tâm (lái phụ) mà nhất nhất đề nghị làm rõ trách nhiệm của người khác và nhất là làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Hay hai nạn nhân khác là Phạm Thị Em và Nguyễn Thị Tuyết (số 3B Quốc Tử Giám, Hà Nội) cũng bày tỏ cảm thông với Sơn và Tâm. “Giận lái tàu lắm. Nhưng tại tòa, luật sư đã nêu ra nhiều vấn đề khuất tất. Sao lại sử dụng những thiết bị cũ kỹ đã hàn rồi? Sao lại cứ xoáy vào hai người ấy?” - chị Tuyết bức xúc nói.

Bà Phạm Thị Hồng Vinh (số 4, phố Hà Trung, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người mẹ của cô gái tử nạn ở tuổi 27, bà ngoại của đứa cháu 6 tuổi mồ côi mẹ và cũng là nạn nhân vụ tàu E1, đã bật khóc tại tòa không biết bao nhiêu lần. Bà nói: “Mẹ cháu chết. Giờ cháu chỉ còn trông chờ vào tôi...”. Mang nỗi đau và cả sự lo âu về tương lai của đứa cháu ngoại đến tòa nhưng bà Vinh cũng chỉ thốt lên: “Sao lại trút hết tội vào Sơn, Tâm? Quả tình họ đáng chịu tội, nhưng người khác thì sao, hay họ đã gánh thay cho người khác? Tôi cũng sẽ bãi nại cho hai cậu ấy”.

Những điều bất thường

Gần 100 người trong phòng xử án đã nhiều lần “ồ” lên. Họ “ồ” lên có lúc là bày tỏ sự phản đối trước những câu trả lời mập mờ của ngành đường sắt; có lúc là bày tỏ sự ngạc nhiên trước sự “lật tẩy” của luật sư. Như chuyện móc nối toa xe bị nứt gãy, ngành đường sắt khẳng định là nhập khẩu từ Trung Quốc và “đã giám định chất lượng”, nhưng hồ sơ giám định (đưa cho tòa) lại là giám định thiết bị sản xuất từ Ấn Độ.

Hoặc trước câu trả lời “Tôi phát hiện thấy tàu chạy hơi nhanh, nhưng không được trang bị phương tiện để báo với lái tàu...” của trưởng tàu phụ trách an ninh. Đặc biệt, người dự tòa lấy làm khó hiểu khi đang xét xử, hội đồng xét xử lại “tuồn” cho đại diện viện kiểm sát (theo luật sư Tôn Nữ Thu Hà, Đoàn luật sư Thái Bình, bào chữa cho Bùi Thái Sơn) biên bản kết luận kiểm định một số thiết bị tàu E1. Điều này khiến nhiều người rỉ tai nhau: như thế đảm bảo nguyên tắc tố tụng không?

Bản án sơ thẩm đã được tuyên... Phóng viên báo chí cũng như người dự tòa hồ hởi bao nhiêu khi luật sư “lẩy” ra một số tình tiết mới thì kết thúc là sự hụt hẫng bấy nhiêu. Nhiều luật sư tỏ ra bức xúc. Luật sư Hà nói: “Những điều mình đưa ra tại tòa để trọng chứng trọng cung đã không được xem xét...”. Còn luật sư Vĩnh Thái (chủ nhiệm Đoàn luật sư Thừa Thiên - Huế, bào chữa cho Hà Minh Tâm) khi rời tòa đã bày tỏ niềm tin: “Còn tòa phúc thẩm nữa mà...”.

Vâng, mọi người đang chờ mong công lý sẽ sáng tỏ.

ĐÌNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên